Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần đầu tư công nghệ cơ khí để bảo vệ tài nguyên đất và nước

02:01, 10/01/2020

Hơn 30 năm giảng dạy, NGND-TS.Phan Hiếu Hiền luôn tận tụy nghiên cứu và truyền đạt cho các thế hệ sinh viên về việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp để Việt Nam không bị tụt hậu. Đến tuổi hưu, điều trăn trở lớn nhất của TS.Hiền là thực trạng đất đai bị xói mòn, ngày càng thoái hóa, nguồn nước ngày càng cạn kiệt.

Hơn 30 năm giảng dạy, NGND-TS.Phan Hiếu Hiền luôn tận tụy nghiên cứu và truyền đạt cho các thế hệ sinh viên về việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp để Việt Nam không bị tụt hậu. Đến tuổi hưu, điều trăn trở lớn nhất của TS.Hiền là thực trạng đất đai bị xói mòn, ngày càng thoái hóa, nguồn nước ngày càng cạn kiệt.

NGND-TS.Phan Hiếu Hiền
NGND-TS.Phan Hiếu Hiền

 

TS.Phan Hiếu Hiền đã trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề đầu tư phát triển công nghệ cơ khí để cơ giới hóa nông nghiệp nhằm bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên nước.

* Làm giàu nhờ cây trồng cạn

 Điều gì đang là trăn trở lớn nhất của ông trong sản xuất nông nghiệp hiện nay?

- Khi còn đi làm, tôi chủ yếu gắn bó với  lĩnh vực lúa gạo, tập trung cho vấn đề cơ giới hóa cho đồng lúa. Gần nghỉ hưu, tôi có thực hiện đề tài cơ giới hóa cho cây mía tại Đồng Nai. Chính 3 năm làm đề tài này, tôi mới thấm thía về câu chuyện mất đất, mất nước trên diện tích rất lớn đất sản xuất nông nghiệp ở những vùng đất cao. Thực trạng đất đai và nước cho nông nghiệp ở vùng Đông Nam bộ, trong đó có Đồng Nai là mức độ xói mòn đất - nước khá trầm trọng do đất dốc và mưa lớn, đất đai ngày càng thoái hóa, nước tưới ngày càng thiếu. Tôi quan tâm nhiều đến phát triển cây trồng cạn trên đất cao vì nó giá trị gấp nhiều lần so với đất lúa nhưng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.

Chỉ tính riêng đất sản xuất nông nghiệp, Việt Nam có 33 triệu hécta đất tự nhiên, trong đó, trồng lúa chỉ có 4 triệu hécta. Như vậy, đất cao trong sản xuất nông nghiệp có diện tích gấp hơn nhiều lần diện tích trồng lúa. Tôi lấy ví dụ, Đồng Nai có 15 ngàn hécta đất trồng lúa nhưng có đến mấy trăm ngàn hécta cho cây trồng cạn. Như vậy, thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam nói chung, của Đồng Nai nói riêng không phải nằm ở cây lúa, trồng lúa để đảm bảo đủ nguồn lương thực; làm giàu là ở cây trồng trên đất cạn.

Vùng Đông Nam bộ cần quan tâm đến việc định hướng và giải pháp đưa các thiết bị cơ khí để bảo vệ đất - nước. Vì nếu để mất hai nguồn vốn lớn này thì nông dân sẽ mất cơ hội làm giàu.

 Ông có thể nêu cụ thể hơn về những giải pháp của ứng dụng cơ giới hóa trong bảo vệ tài nguyên đất - nước ở vùng Đông Nam bộ?

- Theo tôi ngoài việc cơ giới hóa canh tác theo thông thường, cần chú trọng đến công nghệ và thiết bị bảo vệ đất - nước ở quy mô lớn. Vì bảo vệ đất - nước khó có thể bằng lao động thủ công mà phải sử dụng thiết bị cơ khí và có thể thêm tiếp sức của công nghệ thông tin. Đó cũng chính là một công nghệ cao trong nông nghiệp. Cụ thể, có các giải pháp cơ khí ứng dụng công nghệ cao để bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên nước và tăng năng suất cây trồng gồm: san phẳng ruộng điều khiển bằng tia laser để tạo ruộng bậc thang; bồi dưỡng chất hữu cơ cho đất và trồng cây trên luống.

 Những giải pháp trên có dễ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam không, thưa ông?

- Các giải pháp trên đều có thể thực hiện với các thiết bị cơ khí trong tầm chế tạo hoặc sử dụng của Việt Nam. Cụ thể, công nghệ san phẳng ruộng điều khiển bằng laser đã được ứng dụng phổ biến ở Mỹ, Úc…từ thập niên 1980 và bắt đầu ứng dụng tại đồng bằng Sông Cửu Long từ năm 2004 và đến nay đã san phẳng được khoảng 2 ngàn hécta đất lúa.

Đất đai Việt Nam dù trồng lúa hay trồng màu đa số đều thiếu chất hữu cơ do  nông dân quá tin cậy vào phân hóa học. Riêng ở vùng Đông Nam bộ còn có nguyên nhân trồng cây trên đất dốc, bị xói mòn nên cũng dần mất chất hữu cơ. Giải pháp bồi dưỡng chất hữu cơ cho đất trên diện rộng khó có thể làm theo hướng hữu cơ cao cấp vì giá
1kg phân hữu cơ ở đô thị hiện nay cao hơn hoặc bằng giá lúa và thường cần cả chục tấn phân hữu cơ để bồi dưỡng 1 hécta đất. Để có thể ứng dụng rộng rãi, nguyên liệu làm phân hữu cơ phải rẻ như cho và có sẵn trên đồng ruộng từ nguồn dư thừa cây trồng sau thu hoạch và từ cỏ dại trên đồng. Dù là nguồn nào cũng cần máy móc băm nát các dư thừa này để chúng mau phân hủy. Công nghệ chế tạo các máy băm này cũng không quá tầm cơ khí trong nước. Thị trường các máy nông nghiệp đã có sẵn trên thế giới và để rút ngắn thời gian nghiên cứu, Việt Nam có thể nhập máy móc và thu nhỏ lại cho phù hợp với điều kiện trong nước. Tôi lấy ví dụ, giải pháp bồi dưỡng chất hữu cơ cho đất đã được ứng dụng thành công tại nông trại trồng chuối và ca cao rộng 200 hécta ở tỉnh Đắk Lắk. Vùng đất này rất nghèo hữu cơ và nông trại đã cải tạo đất bằng việc trồng cỏ Mỹ và dùng máy thu hoạch băm cỏ rãi giữa các hàng cây trồng để tạo ra hàng chục tấn chất hữu cơ trên mỗi hécta.

Giải pháp trồng cây trên luống cũng là giải pháp rất tốt vì bảo vệ đất, chống xói mòn ở đất dốc và tiết kiệm nước ở vùng khô hạn. Ứng dụng cơ khí ở đây là dùng máy tạo luống và gieo trồng bằng máy.

* Ít vốn, vẫn làm nông nghiệp công nghệ cao

 Hiện việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều nhọc nhằn và khó tiếp cận với nông dân. Theo ông, có giải pháp gì để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp một cách đại trà?

- Công nghệ cao trong nông nghiệp thường được hình dung tiêu biểu với cây trồng trong nhà kính tiết kiệm đất hoặc làm thủy canh, khí canh, áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin… nhằm đạt năng suất cao, an toàn sinh học và thực phẩm. Nhưng với tôi, công nghệ cao có thể chia ra cao ở mức nhiều và mức ít. Ví dụ, công nghệ cao thật cao thì 1 hécta có thể thu được tiền tỷ nhưng chỉ vài người làm được, vì nó đồng nghĩa với đầu tư lớn nên chỉ có số ít nông dân có khả năng góp vốn. Giá thành sản phẩm thường cũng cao hơn nên chủ yếu phục vụ cho một số ít người khá giả.

Tôi vẫn nói phát triển công nghệ cơ khí để cơ giới hóa nông nghiệp nhằm bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên nước là công nghệ cao trong nông nghiệp. Tuy việc ứng dụng công nghệ cao này còn ở mức ít, có thể chỉ tăng lên được ví dụ 50 triệu đồng/mùa vụ nhưng nếu có cả ngàn người làm thì thu được đến 50 tỷ đồng; so sánh về hiệu quả vẫn lớn hơn rất nhiều so với mô hình sản xuất công nghệ cao vốn lớn nhưng quá ít nông dân đầu tư được.

Tôi nghĩ phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải quan tâm đến số đông người nông dân. Hàng triệu nông dân của ta không có vốn lớn để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao nhưng họ lại sở hữu hai tài nguyên quý giá là hàng triệu hécta đất và nguồn nước mưa cho sông ngòi và trồng trọt. Để nông nghiệp được bền vững, nông dân phải khai thác tốt nhưng đồng thời phải bảo vệ hai nguồn tài nguyên này.

 Cái khó trong đầu tư công nghệ cơ khí vào sản xuất nông nghiệp hiện nay là gì, thưa ông?

- Khó khăn lớn nhất của cơ giới hóa trong nông nghiệp ở Việt Nam là không ai nghiên cứu cả. Báo chí thường ca ngợi những nông dân lớp 3, lớp 6 sáng chế ra nhiều loại máy móc, thiết bị. Tôi rất khâm phục những nông dân chịu khó đó nhưng chỉ vài người nông dân làm thì chưa đủ. Những nghiên cứu cơ bản để phát triển cơ giới hóa phải do Nhà nước đứng ra cùng doanh nghiệp thực hiện và phải đầu tư dài hạn chứ không phải những đề tài khoa học chỉ vài năm rồi để đó. Tôi biết có những đề tài nghiên cứu ở các  nước, sau 5 năm có kết quả, họ ứng dụng vào sản xuất rồi tiếp tục duy trì hoạt động nghiên cứu kéo dài đến hàng chục năm. Đề tài khoa học của Việt Nam dài lắm là 3 năm, có nghiệm thu là chấm dứt. Cuối cùng đâu có sản phẩm máy móc nào được sản xuất đưa vào thực tế.

Tôi lấy ví dụ như nghiên cứu cơ khí ứng dụng công nghệ cao để bảo vệ đất - nước hầu như cả Việt Nam chưa có ai làm dù giá trị tiết kiệm nước, bảo vệ đất gấp ngàn lần so với công nghệ tưới tiết kiệm hoặc tăng thu nhập rất nhiều so với việc một số ít nông dân ứng dụng công nghệ cao sản xuất trong nhà màng như hiện nay. 

 Ông có góp ý gì trong định hướng phát triển nông nghiệp của vùng Đông Nam bộ nói chung, Đồng Nai nói riêng?

- Vùng Đông Nam bộ, trong đó có Đồng Nai nên tập trung phát triển cây trồng cạn và cây công nghiệp trên đất cao vì đây mới là thế mạnh của vùng. Đồng Nai cũng cần quan tâm đến việc định hướng và giải pháp đưa các thiết bị cơ khí để bảo vệ đất - nước. Ở đây, Nhà nước phải đầu tư nghiên cứu một cách dài hạn, còn doanh nghiệp dựa trên kết quả này để phát triển thêm.

Điều các địa phương có thể triển khai sớm là làm thí điểm ở các nông trại hoặc doanh nghiệp về các giải pháp san phẳng ruộng điều khiển bằng laser để tạo ruộng bậc thang; bồi dưỡng chất hữu cơ cho đất và trồng cây trên luống, có hiệu quả rồi khuyến khích nhân rộng mô hình này.

 Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên (thực hiện)

 

Tin xem nhiều
dịch vụ cắt cnc MXH100 Viettel tại vietteldata.vn White Screen Thuê máy chủ ảo bảo mật cao giá lúa gạo hôm nay