Mặc dù đến với bộ môn nhiếp ảnh khá muộn, song nghệ sĩ Lò Văn Hợp (59 tuổi, TP.Long Khánh) đã ít nhiều thể hiện được chất "tôi" ở làng nhiếp ảnh trong và ngoài tỉnh bằng sự chịu khó tìm tòi góc ảnh mới, sáng tạo, chỉn chu trong từng khung hình, khoảnh khắc.
Mặc dù đến với bộ môn nhiếp ảnh khá muộn, song nghệ sĩ Lò Văn Hợp (59 tuổi, TP.Long Khánh) đã ít nhiều thể hiện được chất “tôi” ở làng nhiếp ảnh trong và ngoài tỉnh bằng sự chịu khó tìm tòi góc ảnh mới, sáng tạo, chỉn chu trong từng khung hình, khoảnh khắc.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lò Văn Hợp |
Ông đã để lại nhiều dấu ấn thông qua những tấm ảnh về đất và người Đồng Nai nói chung và hình ảnh người lao động nói riêng. Đơn cử như các tác phẩm: Chung sức, Phủ sơn, Mùa vụ, bộ ảnh Thi công cầu Ghềnh… đã đạt nhiều giải cao tại các cuộc thi ảnh trong khu vực và toàn quốc.
Từ thợ “học lỏm” đến người mê “săn” ảnh
* Cơ duyên nào đưa ông đến với bộ môn nhiếp ảnh, thưa ông?
- Tôi đam mê nhiếp ảnh từ lâu rồi, khi cầm trên trên tay những tờ báo, tờ tạp chí tôi ấn tượng với những hình ảnh trong đó. Tuy nhiên, trước đây cuộc sống chưa cho phép tôi được “cháy” với đam mê của mình. Sau khi đất nước thống nhất, tôi trải qua nhiều nghề mưu sinh để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Sau đó, tôi đi theo mấy chú, mấy anh để “học lỏm” cách quay phim các sự kiện, đám cưới, cũng như bắt đầu tìm hiểu những kiến thức đầu tiên về bố cục, ánh sáng... Đó là nền tảng kiến thức về nhiếp ảnh sau này của tôi.
Dần dần, tôi cũng học được nghề quay phim dịch vụ và gắn bó với nghề này cho đến tận bây giờ. Sau này, khi cuộc sống có phần ổn định hơn tôi mới có điều kiện làm quen với bộ môn nhiếp ảnh. Trước đây, thấy mấy người chụp ảnh nghệ thuật tôi mê lắm nhưng không sao theo được vì không có máy riêng. Mãi đến năm 2014, tôi mới tích góp mua được chiếc máy ảnh đầu tiên để bắt đầu hiện thực hóa đam mê của mình.
* Với việc bắt đầu đam mê nhiếp ảnh khi đã ngoài 50 tuổi, ông có thấy như vậy là quá trễ không?
- Đúng là ở độ tuổi như thế, khi bắt đầu một đam mê nào đó có thể xem là đã muộn. Nhưng với tôi, một khi đã mê rồi thì không bao giờ là trễ để bắt đầu. Một trong những thuận lợi của tôi khi theo đuổi bộ môn nhiếp ảnh là có kinh nghiệm quay phim nên việc tìm hiểu các yếu tố kỹ thuật về khung hình, ánh sáng, bố cục ảnh cũng có nhiều điểm tương đồng.
* Khi đã khá “cao tuổi đời như vẫn trẻ tuổi nghề”, ông có gặp nhiều khó khăn khi tham gia sáng tác cùng các thành viên kỳ cựu khác?
- Một khi đã theo rồi thì không tránh khỏi những khó khăn, lúc tôi bắt đầu sáng tác ảnh nghệ thuật cũng là lúc phong trào sáng tác ảnh nở rộ nên càng đòi hỏi tôi phải tìm tòi, tư duy nhiều hơn mới có thể chụp được những bức ảnh mang chất riêng của mình.
Sau này, khi đã mua máy ảnh, tôi có thêm điều kiện để tự mình khám phá và đam mê với nhiếp ảnh, nhất là khi được những người đi trước truyền đạt lại kinh nghiệm, kỹ năng chụp ảnh để xây dựng nền tảng ban đầu.
* Trong khoảng 5 năm được thực sự sống với đam mê của mình, ông có những kỷ niệm nào đáng nhớ?
- Kỷ niệm thì rất nhiều, buồn có, vui có. Nói chung thì tôi thấy vui nhiều hơn buồn. Tôi nhớ mãi có đợt đi sáng tác phải dày công đến xã Mê Pu (huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) 5-6 lần để chụp bộ ảnh về nông thôn. Tôi đi từ lúc lúa ở đó còn xanh đến khi người ta gặt xong rồi mới cơ bản hoàn thành bộ ảnh, trong đó có những tấm ảnh tôi phải căn đi căn lại nhiều lần mới tạm gọi là ưng ý. Hay như có lần vào hồ Trị An sáng tác, hôm đó tôi có sử dụng flycam để chụp ảnh toàn cảnh. Lúc đang chụp thì flycam hết pin nên rơi xuống hồ khiến tôi chưng hửng.
Tác phẩm Cất vó - Triển lãm Việt Nam năm 2019. Ảnh: Lò Văn Hợp |
Còn kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là khi thực hiện bộ ảnh Thi công cầu Ghềnh. Tôi vô tình nghe thông tin từ một cậu em ở Biên Hòa là ngày hôm sau sẽ thông tuyến cầu Ghềnh mới, tôi liền thu xếp từ Long Khánh lên đó từ tờ mờ sáng với hy vọng có thể chụp thật nhiều khoảnh khắc về công nhân lao động.
Hôm đó, trời đổ mưa nhưng các công nhân vẫn “hì hục” làm việc để đảm bảo kịp tiến độ thông tuyến đường sắt Bắc - Nam. Và may mắn tôi đã kịp bắt được những khoảnh khắc mà mình ưng ý vào thời điểm đó. Bộ ảnh này sau đó cũng mang lại cho tôi nhiều giải thưởng, huy chương về nhiếp ảnh.
* “Hình ảnh người lao động chạm đến trái tim tôi”
* Ông vốn xuất thân là một người lao động, điều này đã tác động như thế nào tới tư duy và phong cách ảnh của ông?
- Tôi từng bươn chải qua nhiều công việc lao động chân tay nên khi sáng tác ảnh, đề tài người lao động thường mang đến cho tôi nhiều cảm xúc đặc biệt. Ở mỗi góc cạnh của cuộc sống về công nhân lao động đều có cái đẹp riêng vốn có của nó. Hình ảnh đó đã chạm vào trái tim tôi, thôi thúc tôi đi tìm những câu chuyện và thông điệp xoay quanh chủ đề này.
Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên chụp ảnh về những hoạt động trong cuộc sống đời thường, kết hợp chụp ảnh báo chí với ảnh nghệ thuật trong các sự kiện lớn ở địa phương. Mỗi phong cách đó đều mang lại cho tôi những trải nghiệm quý báu cũng như đặt ra cho nhiều “bài toán” thú vị khi bấm máy những khoảnh khắc của cuộc sống.
Hơn nữa, tôi mong muốn học hỏi từ nhiều người, không có thần tượng ai cụ thể cả. Mỗi người anh, người chú đi trước đều có những thế mạnh, phong cách riêng. Tôi luôn cố gắng tiếp thu và giữ lại những điểm phù hợp nhất với tôi, từ đó làm nền tảng để phát huy sự sáng tạo, độ nhạy của mình trong từng khoảnh khắc bấm máy.
* Theo ông, với sự phát triển của công nghệ, nhất là khi flycam hay các loại điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến, việc chụp một tấm ảnh đẹp có trở nên quá dễ dàng?
- Với sự phát triển của điện thoại thông minh, các loại thiết bị bay để chụp ảnh, thì người chụp ảnh nói chung và nghệ sĩ nhiếp ảnh nói riêng có nhiều điều kiện thuận lợi để sáng tác ảnh hơn.
Tuy nhiên, theo tôi, flycam hay điện thoại thông minh là những phương tiện hữu ích để hỗ trợ chụp ảnh, còn để có một tấm ảnh đẹp, có chiều sâu thì điều quan trọng nhất vẫn là tư duy, góc nhìn và sự tỉ mỉ trong từng khung ảnh. Đó chính là tiền đề để có thể bắt được những khoảnh khắc tốt, có sự chuẩn bị để đưa nhân vật, đối tượng mình muốn chụp vào đúng bố cục mà mình dự tính.
* Qua thời gian “chơi” ảnh, ông cũng đã có cho mình một bảng thành tích kha khá, ông có thể cho biết cảm xúc của mình khi liên tiếp giành được những giải thưởng lớn về ảnh trong thời gian qua?
- Ở mỗi góc cạnh của cuộc sống đều có cái đẹp riêng vốn có của nó. Người nghệ sĩ cần dấn thân bằng tài năng và sự khổ luyện để lột tả và tôn vinh lên thành tác phẩm nghệ thuật.
Đối với tôi, thành công nào cũng cần có sự hy sinh và nỗ lực không ngừng. Tôi đã và đang định ra cho mình những khát vọng sáng tạo mới, đồng thời chọn lấy niềm vui nhiếp ảnh để cân bằng cuộc sống và giúp lan tỏa niềm vui ấy đến cả những người xung quanh.
Những giải thưởng, huy chương đạt được là những niềm vui nho nhỏ đối với riêng tôi và là món quà tôi muốn tặng vợ và các con. Bởi, để tôi có thể toàn tâm toàn ý, hết mình với đam mê của mình thì tôi cũng đã đánh đổi rất nhiều, trong đó có không ít khoảng thời gian dành cho gia đình. May mắn vợ và các con luôn ủng hộ tôi trước mỗi chuyến đi sáng tác. Đó chính là động lực để tôi thỏa sức sáng tạo, đam mê trên trên hành trình khám phá cuộc sống bằng máy ảnh của tôi.
* Xin cảm ơn ông!
Nghệ sĩ Lò Văn Hợp hiện là thành viên của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, Câu lạc bộ nhiếp ảnh Hội Nhà báo Đồng Nai, Câu lạc bộ nhiếp ảnh TP.Long Khánh… Ông đã đoạt nhiều giải thưởng lớn về nhiếp ảnh như: Giải A duy nhất của Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2018 do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng với tác phẩm Chung sức; huy chương đồng Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế Việt Nam năm 2017 (VN-17) với tác phẩm Phủ sơn; huy chương đồng với bộ ảnh Thi công cầu Ghềnh ở hạng mục phóng sự ảnh/ảnh bộ cuộc thi ảnh báo chí Khoảnh khắc vàng lần thứ 4-2016 do Thông tấn xã Việt Nam và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức… Mới đây, ông vừa đoạt huy chương đồng tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Đông Nam bộ năm 2019 với tác phẩm Mùa vụ; huy chương đồng cuộc thi ảnh quốc tế Gold Camera 2019 và nhiều lần được nhận bằng khen của UBND tỉnh. |
Hải Quân (thực hiện)