Người bình thường khởi nghiệp đã khó, với người khuyết tật thì khó khăn càng gấp bội. Ấy vậy mà anh Hoàng Văn Tuyến (42 tuổi, ở ấp Phương Lâm 2, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) dù phải ngồi xe lăn nhưng không những đã thực hiện được ước mơ khởi nghiệp mà còn tạo việc làm cho nhiều người cùng hoàn cảnh.
Người bình thường khởi nghiệp đã khó, với người khuyết tật thì khó khăn càng gấp bội. Ấy vậy mà anh Hoàng Văn Tuyến (42 tuổi, ở ấp Phương Lâm 2, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) dù phải ngồi xe lăn nhưng không những đã thực hiện được ước mơ khởi nghiệp mà còn tạo việc làm cho nhiều người cùng hoàn cảnh.
Anh Hoàng Tuyến |
Câu chuyện bắt đầu từ giữa năm 2015, khi xưởng sản xuất đèn ngủ bằng gỗ mang tên Trái tim hồng do anh Tuyến quản lý được thành lập và đi vào hoạt động.
* Kết nối, chia sẻ những điều tốt đẹp
Tuyến là con út trong một gia đình nông dân có tới 7 anh chị em. Tương lai của anh rộng mở khi Tuyến thi đậu vào ngành Công nghệ thông tin Trường đại học Đà Lạt vào năm 1996. Thế nhưng, một tai họa ập đến khi đang học năm thứ ba, Tuyến bị căn bệnh về nứt cột sống cổ hành hạ kéo dài nhiều tháng. Ca mổ ở Bệnh viện Chợ Rẫy sau đó không thành công và cơ thể Tuyến liệt một nửa người bên trái từ đó. Đó là vào năm 1999.
Ca mổ kết thúc với việc Tuyến phải ngồi xe lăn. Cộng với điều kiện gia đình khó khăn, Tuyến phải nghỉ học và không tốt nghiệp được đại học. Mọi cơ hội “đổi đời” của chàng sinh viên gốc nông dân dường như khép lại.
Ông bà ta thường nói, ông trời không nỡ lấy đi của ai tất cả mọi thứ. Bù vào những tai nạn, cơn đau do bệnh tật để lại, anh Tuyến có một nghị lực sống phi thường. Vượt qua những ngày tháng chán nản ban đầu, với hiểu biết sẵn có về công nghệ thông tin, Tuyến bắt đầu làm online cho một trang web giới thiệu du lịch, sau đó bán hàng online, nhập dữ liệu… cho một vài trang web khác.
Sau 1 năm đi vào hoạt động, Xưởng đèn ngủ gỗ Trái tim hồng trả xong số vốn vay và tiếp tục làm thêm nhiều mẫu mã đèn ngủ đẹp mắt để cung cấp cho khách hàng. Mỗi tháng, các thành viên trong nhóm bán lẻ được hàng trăm sản phẩm, ngoài ra còn có các đơn hàng lớn vào mỗi dịp lễ, Tết khi doanh nghiệp, tổ chức mua làm quà cho nhân viên. |
Không chỉ mưu sinh, không gian mạng thực sự là niềm vui khi anh tìm được sự đồng điệu của nhiều người cùng cảnh ngộ. Tháng 4-2009, Tuyến thành lập diễn đàn mang tên “Trái tim hồng” với tên miền 18thang4.com (Ngày Người khuyết tật Việt Nam). Diễn đàn là nơi kết nối với những người khuyết tật cả nước, chia sẻ những điều tốt đẹp, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống.
Thông qua diễn đàn, nhóm tổ chức cho các thành viên giao lưu qua nhiều hoạt động phong phú như: tổ chức các cuộc thi với những giải thưởng nhỏ từ đóng góp của các thành viên; gặp gỡ dạng offline thân mật; các hoạt động dã ngoại và tham gia Ngày hội người khuyết tật tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên cuối tháng 11 đầu tháng 12 hằng năm. Đặc biệt, diễn đàn đã hỗ trợ hàng trăm người khuyết tật trong toàn quốc có việc làm phù hợp với sức khỏe. Đồng thời thông qua diễn đàn, các thành viên cũng kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp và cộng đồng thể hiện sự quan tâm hơn nữa đối với người khuyết tật.
“Đến nay, diễn đàn đã có hơn 5 ngàn thành viên và thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ những điều tốt đẹp, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống” - thủ lĩnh của diễn đàn dành cho người khuyết tật chia sẻ.
* Và xưởng sản xuất đèn ngủ “Trái tim hồng”
Trong suốt 15 năm từ khi bị liệt nửa người, không thể làm việc như người bình thường, Tuyến đã “mưu sinh” bằng việc nhập liệu captcha rồi bán hàng online. Đặc biệt, qua việc bán hàng online, Tuyến nhận thấy đây là công việc phù hợp với nhiều người cùng cảnh ngộ và trong nhóm cũng có một số người bán đèn gỗ theo hình thức online nên Tuyến nảy sinh ý tưởng thành lập một xưởng sản xuất dành cho diễn đàn của mình. Tuy nhiên, ý tưởng mãi vẫn không thực hiện được vì… thiếu vốn.
Anh Hoàng Tuyến và những người cộng sự |
Năm 2015, ngay sau khi biết được thông tin Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai có chương trình tài trợ vốn cho những ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên, Tuyến đã mạnh dạn viết đề án tham gia. Dự án Xưởng thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng của Tuyến là một trong 2 dự án xuất sắc được lựa chọn sau 3 vòng xét tuyển. “Suốt một tháng trời, tôi phải suy nghĩ làm sao để mở được xưởng, tạo việc làm cho các bạn có cùng hoàn cảnh. Sau đó, tôi mạnh dạn viết dự án và gửi đăng ký. May mắn Hội đã gọi điện lại và thông báo dự án của mình được chọn, đồng thời hướng dẫn cách làm thủ tục gửi Hội duyệt để vay vốn” - Tuyến nhớ lại.
Sau khi được lựa chọn, Xưởng đèn ngủ Trái tim hồng đã nhận được 100 triệu đồng tiền vốn vay từ Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai. “Số tiền hỗ trợ đó, một phần tôi dùng mua máy khắc laser để cắt gỗ, tạo hình và trang trí cho sản phẩm đèn ngủ, phần còn lại tôi về Biên Hòa mua gỗ ép tự nhiên, đèn ngủ, dây điện làm nguyên liệu sản xuất. Do trước đây học về công nghệ thông tin nên phần thiết kế tôi đảm nhiệm, công việc phụ đứng máy và lắp ráp thì do người khác làm” - Tuyến nói về quy trình sản xuất của Xưởng đèn ngủ Trái tim hồng.
Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Phạm Thế Linh trò chuyện cùng anh Tuyến |
Điểm độc đáo của đèn ngủ khắc laser gỗ là mỗi sản phẩm khách hàng sẽ được tham gia trong quá trình thiết kế. Khách hàng có thể yêu cầu viết tên riêng của mình hoặc người thân hay vẽ hình thù ngộ nghĩnh, khắc những dòng chữ ý nghĩa về cuộc sống... Khách hàng cũng có thể “thỏa sức” tự thiết kế sản phẩm theo đúng phong cách của mình với những chiếc đèn trang trí độc, lạ, tinh tế sau đó gửi yêu cầu đến nhóm và sẽ được chế tạo những sản phẩm như ý muốn.
Ngoài làm đèn ngủ, xưởng cũng sản xuất tranh gỗ khắc hình bằng công nghệ laser. Tương tự như đèn ngủ, khách hàng chỉ cần gửi những hình ảnh muốn khắc và được nhận hàng ngay tại nhà.
Sản phẩm chủ yếu được phân phối qua mạng Facebook do các thành viên là người khuyết tật làm cộng tác viên giới thiệu. Chị Đinh Thị Hoàng Loan (ngụ ở phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, mình rất hạnh phúc vì được tiếp xúc và làm việc với những người cùng cảnh ngộ. “Tuy thu nhập qua bán hàng không cao nhưng là động lực lớn lao giúp mình không mặc cảm về bản thân” - chị Loan chia sẻ.
Về mục tiêu tương lai, Tuyến cho hay, dù quy mô hiện còn rất nhỏ nhưng anh sẽ nỗ lực phát triển và hy vọng sẽ nhận được những đơn hàng lớn, mở rộng sản xuất và nhận thêm người khuyết tật vào làm trong xưởng. “Hiện tại, công việc thiết kế và sản xuất chủ yếu làm theo yêu cầu nên có khi làm nhiều nhưng cũng có lúc ít việc. Việc làm với người khuyết tật là vô cùng khó khăn, tôi vẫn đau đáu là làm sao để có thêm tiền mở rộng sản xuất không chỉ đèn gỗ mà phát triển ra các sản phẩm khác nữa. Nếu sức khỏe cho phép, tôi dự định sẽ đa dạng mẫu mã sản phẩm như: sản xuất các loại tranh, đèn in hình 3D, áo thun...” - anh Tuyến tâm sự.
Văn Gia