Còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020. Những ngày cuối năm, nhà nhà, người người đều tất bật hoàn thành các công việc còn lại của năm cũ và chuẩn bị chu đáo để đón thời khắc có ý nghĩa, thiêng liêng nhất trong năm.
Còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020. Những ngày cuối năm, nhà nhà, người người đều tất bật hoàn thành các công việc còn lại của năm cũ và chuẩn bị chu đáo để đón thời khắc có ý nghĩa, thiêng liêng nhất trong năm.
Các mẹ, các chị du Xuân sớm. Ảnh: L.Viên |
* Tất bật chuẩn bị đón Tết
Tết đến Xuân về, dĩ nhiên không thể thiếu việc vệ sinh, trang hoàng nhà cửa tươm tất, cũng như chuẩn bị chu đáo các nhu yếu phẩm, đồ dùng ngày Tết và quần áo mới cho các thành viên trong gia đình. Thế nên cả hơn 1 tháng trước Tết, không khí mua sắm tại các chợ, siêu thị, cửa hàng thời trang đã sôi động hẳn.
Đơn cử như tại một cửa hàng thời trang trẻ em N.B (nằm trên đường Phạm Văn Thuận, TP.Biên Hòa), thời điểm này vào mỗi buổi tối thường đông nghịt. Mỗi một khách hàng nhí thường có 1-2 người lớn kèm theo nên khuôn viên cửa hàng vốn rất nhiều sản phẩm mùa Tết càng trở nên chật chội. Ở khu vực thử quần áo cũng trở nên quá tải, nên khách hàng nhí được ba mẹ thử đồ ngay khu vực trống phía sau. Các nhân viên cửa hàng N.B cho biết, hơn 1 tháng nay, cửa hàng thường xuyên đông khách, cao điểm ngày thường là vào buổi tối, còn ngày cuối tuần hoặc cận Tết thì lượng khách hàng sẽ đông hơn.
Chị Vũ Hồng Điệp (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho hay, trong gia đình từ trước đến nay đã thành truyền thống, mẹ ruột và mẹ chồng của chị dù đã lớn tuổi nhưng đều đảm đương vai trò “tổng quản”, quán xuyến chu đáo mọi công việc để gia đình đón Tết trọn vẹn. Nếu như trước đây, từ nhiều tháng trước Tết, các mẹ đã chuẩn bị làm các thực phẩm đón Tết như: bánh tét, bánh chưng, bánh mứt, muối dưa, làm củ kiệu… “Khi đời sống được nâng cao, những năm nay, gia đình tôi chọn giải pháp đơn giản là mua thực phẩm Tết ở những nơi uy tín, có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng. Việc này giúp gia đình có điều kiện chọn lựa và mua các sản phẩm phong phú, phù hợp; đồng thời quan trọng hơn là giúp tiết kiệm thời gian, đảm bảo sức khỏe cho các mẹ, các bà” - chị Vũ Hồng Điệp chia sẻ.
* Xu hướng tối giản
Nếu như Tết đối với đa phần nhiều người là niềm vui và phấn khởi, thì với người xa quê như chị T.T.T. (phường Hóa An, TP.Biên Hòa) cũng ít nhiều có nỗi niềm. “Ngày Tết ai cũng mong về quê để đoàn tụ với gia đình sau một năm bôn ba làm việc. Với mức lương, thưởng của công nhân, vợ chồng tôi cũng có thể tiết kiệm lo được chuyến xe về Tết, sắm sửa quần áo mới giản đơn cho con. Nhưng nghĩ đến chuyện cả năm đi xa mà không lo chu toàn quà Tết cho bà con, họ hàng hai bên, tôi đâm ra có tâm lý “ngại Tết”. Vợ chồng tôi cứ chần chừ mãi rồi quyết định gửi tiền mừng Tết về cho gia đình ở quê” - chị T. tâm sự.
Theo các nhà nghiên cứu, Tết là văn hóa. Văn hóa thì sẽ thay đổi, sẽ biến chuyển theo sự phát triển của thời gian và không gian. Tết thời hiện đại hướng tới xu hướng tối giản. Những bữa tiệc đầy ắp thức ăn, mâm trên mâm dưới dần được bớt lại để giảm áp lực nấu nướng cho các bà, các mẹ, các chị những ngày lễ, Tết. Các cuộc vui, say “quá chén” sẽ được hạn chế với những quy định mới từ pháp luật… |
Với một số cặp vợ chồng lập nghiệp xa quê, hay quê chồng quê vợ cách xa nhau, không có điều kiện về cả hai nơi trong cùng một dịp Tết thì câu chuyện đón Tết nhà chồng hay nhà vợ cũng thường được đưa ra bàn luận.
“Trước khi lập gia đình, tôi nghe bạn bè chia sẻ đón Tết ở quê thường có nhiều nghi lễ, như từ sáng 30 Tết đến mùng 3 Tết, nàng dâu thường phải luôn túc trực chuẩn bị mâm cỗ. Đó là chưa kể khoản nấu nướng, tiếp khách, dọn dẹp… nên không thể du Xuân được. Điều may mắn là tôi lập gia đình đã 10 năm, gia đình chồng “chủ trương” đón Tết giản đơn, đầm ấm, tạo điều kiện cho con cháu du Xuân” - chị Hồng Điệp chia sẻ.
* Vẹn nguyên giá trị thiêng liêng ngày Tết
Tết thời nào cũng luôn mang ý nghĩa rất đẹp, thiêng liêng và trân quý. Đó là dịp để mọi người, mọi nhà đoàn viên, sum họp và chia sẻ yêu thương. Vì thế Tết đơn sơ hay đủ đầy là do suy nghĩ của mỗi người. Có thể Tết chỉ đơn giản với bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ, phần bánh mứt, hạt dưa dâng lên bàn thờ gia tiên, rồi mọi người cùng nhau chia sẻ chúc nhau một năm mới an vui, thì đã là một cái Tết đủ đầy, giúp các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau hơn.
Người dân mua các nhu yếu phẩm phục vụ Tết |
“Mỗi nhà mỗi cảnh, nếu dư dả về kinh tế thì sẽ vui Tết thoải mái, đủ đầy, nhưng không vì thế mà Tết ở những gia đình ít tiền sẽ kém vui. Vợ chồng tôi sẽ dành những ngày nghỉ Tết để thăm hỏi, chúc Tết gia đình người thân từ xa, qua điện thoại, rồi nghỉ ngơi, đưa con đi chơi các điểm du lịch gần thành phố như Vườn Xoài, hoặc xa hơn là Suối Mơ… Điều giản đơn mà hằng ngày vì bận rộn công việc chúng tôi ít thực hiện được…” - chị T. chia sẻ.
ThS.Trần Quang Toại, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai nhận định, văn hóa Tết hiện đại ngày nay, người ta chủ yếu chơi Tết, vui Tết hơn là ăn Tết. Do kỳ nghỉ Tết dài ngày, một số người còn đi du lịch, thậm chí đi du lịch nước ngoài. Dù hình thức đón Tết có khác đi, nhưng không vì thế mà giá trị thiêng liêng của ngày Tết, hướng về cội nguồn, gia đình, dòng tộc bị phai nhạt. Các phong tục, tập lệ có từ xa xưa vẫn được giữ gìn như: trang trí bàn thờ gia tiên, hái lộc đầu Xuân, đi chùa, đi đình, xông đất, lì xì mừng tuổi. thăm hỏi người thân, họ hàng… Ẩm thực ngày Tết vẫn có các món ăn truyền thống như: thịt kho hột vịt, bánh chưng, bánh tét… Càng ngày, chúng ta càng hướng đến Tết văn minh hơn khi loại bỏ việc lợi dụng Tết để lì xì, quà cáp trên mức tình cảm, vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông…
Lâm Viên