Báo Đồng Nai điện tử
En

Triển khai các quy định liên quan bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

15:47, 14/08/2023

Theo số liệu thống kê báo cáo của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh bình quân mỗi năm xảy ra khoảng 1.100 vụ tai nạn lao động làm 1.120 người bị nạn. Riêng số người mắc mới bệnh nghề nghiệp từ 80 đến 100 người.

Sở LĐ-TBXH tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho các chủ doanh nghiệp năm 2023

Các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra đều để lại hậu quả rất lớn cho người lao động (NLĐ) và xã hội.

Chú trọng tuyên truyền

Để Bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thời gian qua, Sở LĐ-TBXH đã tổ chức các lớp tập huấn các quy định về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho đối tượng là người sử dụng lao động lao động, cán bộ làm công tác an toàn lao động, cán bộ nhân sự, cán bộ công đoàn cơ sở của các DN trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức lớp tập huấn nhằm giúp các DN nắm vững và thực hiện đúng các quy định và quy trình, thủ tục giải quyết các chế độ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Nội dung tập huấn được ban tổ chức tập trung tuyên truyền về các đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hướng dẫn thủ tục thanh toán kinh phí hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh, vệ sinh lao động và phục hồi chức năng lao động. Theo Sở LĐ-TXBH, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong 5 chế độ BHXH bắt buộc được quy định trong Luật bảo hiểm xã hội, nhằm chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của NLĐ khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Với ý nghĩa thiết thực đó, chính sách này đã tạo “điểm tựa” vững chắc, giúp rất nhiều NLĐ vượt qua khó khăn. Công tác giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với NLĐ luôn được cơ quan BHXH đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng người, đúng quy định.

Theo Sở LĐ-TBXH, mức hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp theo Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ cụ thể: bệnh nghề nghiệp mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám nhưng không quá 800 ngàn đồng/người/lần khám. Chữa bệnh nghề nghiệp mức hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp nhưng không quá 5 triệu đồng/người.

Cũng tại các lớp tập huấn, Sở LĐ-TBXH đã triển khai Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 và Nghị định số 58/2020/NĐ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ quy định rõ đối tượng đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và mức đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người sử dụng lao động vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cụ thể, mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, được áp dụng đối với NLĐ là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước.

Việc sử dụng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Điều 42 luật ATVSLĐ năm 2015, Nghị định số 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ gồm: trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng theo quy định; trả phí khám giám định đối với trường hợp NLĐ chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 47 của Luật này mà kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Sở LĐ-TBXH kiểm tra việc thực hiện quy định về An toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp

Ngoài ra, chi trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ; chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc; chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và chi đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.

Về chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng của NLĐ nhưng công việc đó cần phải đào tạo nghề để chuyển đổi. Mức hỗ trợ tối đa là 50% mức học phí, nhưng không quá 15 lần mức lương cơ sở.

Cách đây vừa tròn 1 năm, anh Huỳnh Ngọc Sáu, công nhân Công ty Cổ phần gốm sứ Taicera (H.Long Thành) bị tai nạn lao động do máy cuốn vào tay dẫn đến tỷ lệ thương tật 76%. Khi đó, anh Sáu bị mất cánh tay phải và nghỉ làm nhiều tháng để phẫu thuật tay và điều trị. Sau khi đi làm lại, anh Sáu được công ty sắp xếp công việc nhẹ nhàng và thường xuyên được Công đoàn, đồng nghiệp động viên, hỏi thăm, song những di chứng từ tai nạn lao động thì còn mãi.

“Tôi mong NLĐ trong quá trình làm việc không thờ ơ và xem nhẹ sự an toàn của bản thân; cần thực hiện tốt nội quy lao động tại công ty, kiểm tra máy móc thiết bị trước khi vận hành, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ để làm việc an toàn hơn. Đừng để sự cố tai nạn lao động xảy ra ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và để lại những di chứng cho bản thân” - anh Sáu chia sẻ.

Dù không mong muốn nhưng những rủi ro trong công việc là điều không thể lường trước, ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của rất nhiều NLĐ. Mỗi NLĐ đều là trụ cột của gia đình. Khi không may bị tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp phải nghỉ làm, hầu hết NLĐ không còn thu nhập để trang trải cuộc sống, tạo “gánh nặng” tài chính cho cả gia đình. Vì vậy, nhằm chia sẻ gánh nặng và phòng ngừa rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là NLĐ và thân nhân trước những rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ngày càng phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc bảo đảm bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên cơ sở đóng góp vào quỹ.

Đảm bảo an toàn trong sản xuất

Thực tế, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, NLĐ được coi là lực lượng nòng cốt trong các DN. Chính vì thế, việc nâng cao môi trường làm việc và các điều kiện bảo hộ lao động cần thiết. Nhất là coi trọng sức khỏe NLĐ và chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Các DN cần kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; xây dựng kế hoạch ATVSLĐ, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân và chăm sóc sức khỏe cho NLĐ.

Sở LĐ-TBXH và Liên đoàn Lao động tỉnh thăm công nhân bị tai nạn lao động

Theo Sở LĐ-TBXH, xác định ý nghĩa quan trọng của công tác ATVSLĐ, thời gian tới đây, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền, huấn luyện nâng cao ý thức của người sử dụng lao động, NLĐ về thực hiện nghiêm công tác ATVSLĐ. Tăng cường triển khai chính sách về bảo hiểm tai nạn lao động, BNN cho người sử dụng lao động lao động. Đối với DN cần thực hiện nghiêm công tác ATVSLĐ, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, đảm bảo an toàn cho NLĐ 

Theo thống kê, năm 2022, toàn tỉnh đã có gần 550 ngàn NLĐ được huấn luyện về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), hơn 501 ngàn NLĐ được khám sức khỏe định kỳ, gần 28 ngàn người được khám BNN và hơn 1.400 cơ sở, DN đã tổ chức khám quan trắc môi trường lao động. Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe NLĐ để làm việc, nhất là bệnh nghề nghiệp dễ mắc phải trong quá trình làm việc.

Công ty TNHH Map Pacific Singapore (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa), được đánh giá là DN thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Mới đây, DN này được nhận bằng khen của UBND tỉnh về về chấp hành và thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Ông Đoàn Hải Nam, Giám đốc điều hành công ty cho hay, công tác khám sức khỏe, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ được lãnh đạo công ty đặc biệt coi trọng. Hằng năm, công ty đã tổ chức cho NLĐ đi khám sức khỏe đầu vào để phân loại công việc. Những lao động làm việc trong môi trường độc hại được khám sức khỏe 2 lần/năm.

Tin xem nhiều