Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần giải pháp hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng việc làm

11:12, 03/12/2022

Theo Sở LĐ-TBXH, trên địa bàn Đồng Nai hiện có hơn 100 doanh nghiệp (DN) sử dụng khoảng 200 ngàn lao động bị sụt giảm đơn hàng, thiếu nguyên liệu do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Điều đó cũng khiến người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập.

Theo Sở LĐ-TBXH, trên địa bàn Đồng Nai hiện có hơn 100 doanh nghiệp (DN) sử dụng khoảng 200 ngàn lao động bị sụt giảm đơn hàng, thiếu nguyên liệu do ảnh hưởng của thị trường thế giới. Điều đó cũng khiến người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập.

Nhiều lao động làm việc tại các doanh nghiệp đang mong chờ thưởng Tết để vượt qua khó khăn do việc làm giảm, thu nhập ảnh hưởng. Ảnh: T.My
Nhiều lao động làm việc tại các doanh nghiệp đang mong chờ thưởng Tết để vượt qua khó khăn do việc làm giảm, thu nhập ảnh hưởng. Ảnh: T.My

Trước thực trạng trên, nhiều cán bộ Công đoàn cơ sở, công nhân mong muốn địa phương có các chính sách hỗ trợ để cùng với DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho NLĐ trước và sau Tết Nguyên đá.

* NLĐ phải làm việc luân phiên

Đại diện Sở LĐ-TBXH cho biết, theo báo cáo của các DN, trong quý III và quý IV, do tác động tiêu cực của cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến nguồn nguyên vật liệu, đơn hàng của các DN đều bị ảnh hưởng. Vì vậy, một số DN phải sắp xếp lại lao động để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các giải pháp được DN áp dụng như: bố trí ngày nghỉ hằng năm, trả lương ngừng việc, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, các DN đang nỗ lực đảm bảo quyền lợi để giữ chân NLĐ, cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Công nhân Lê Thị Minh, làm việc tại một DN giày da ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cho biết, hơn 2 tháng nay, chị phải làm việc luân phiên hoặc nghỉ làm ngày thứ hai hoặc thứ bảy hằng tuần. Việc làm ít nên thu nhập giảm, dẫn đến các chi phí tiền trọ, tiền học cho con cũng chật vật hơn.

Theo Cục Việc làm, Bộ LĐ-TBXH, bên cạnh bị chấm dứt hợp đồng, nhiều NLĐ phải nghỉ việc luân phiên, giãn việc. Không ít DN dự kiến cho NLĐ nghỉ Tết sớm và dài hơn mọi năm để chờ đơn hàng mới.

Để đảm bảo việc làm cho NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp Công đoàn báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ DN và NLĐ. Ngoài ra, tăng cường các kênh thông tin từ cơ sở để phòng ngừa tranh chấp lao động.

“Chưa có năm nào tôi và nhiều lao động xa quê chật vật như năm nay. Năm ngoái dịch bệnh Covid-19 nhưng cuối năm NLĐ vẫn có việc làm và lương, thưởng đầy đủ. Năm nay, dịch bệnh được kiểm soát thì ít việc, nhiều tháng tôi phải tằn tiện chi tiêu mới đủ tiền sinh hoạt cho cả gia đình 4 người. Tôi mong DN và địa phương có chính sách hỗ trợ, nhất là dịp Tết sắp tới để NLĐ có cái Tết đầy đủ” - chị Minh bày tỏ.

Tương tự, công nhân Trần Đình Hải, làm việc tại Công ty TNHH Minh Thành (H.Vĩnh Cửu) được công ty bố trí cho nghỉ 4 ngày thứ bảy trong tháng do đơn hàng giảm. Từ đầu tháng 10, anh Hải cho vợ cùng 2 con nhỏ về quê nội tại tỉnh An Giang nhằm giảm bớt các chi phí của cuộc sống xa quê. Anh Hải cho biết, mỗi tháng 2 con nhỏ gửi tại nhóm trẻ tư thục hết 3 triệu đồng/tháng; chưa kể các khoản tiền trọ, tiền sữa, bỉm cho con và các khoản phát sinh khác tăng nhiều. Trong khi đó, vợ anh cũng nghỉ việc tại một công ty sản xuất gỗ khác do không có đơn hàng làm. Anh Hải mong cuối năm nay, DN giữ mức thưởng Tết như mọi năm để hỗ trợ thêm cho NLĐ.

Trước thực trạng thu nhập giảm, việc làm ít, nhiều lao động phải “chắt bóp” các khoản chi tiêu mới đảm bảo cuộc sống.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam (TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Thanh Tin cho hay, Công đoàn công ty rất chia sẻ khó khăn với NLĐ những tháng cuối năm do DN giảm hoặc không có đơn hàng. “Tôi mong các cấp chính quyền sớm có giải pháp hỗ trợ NLĐ kịp thời để họ vượt qua khó khăn, yên tâm gắn bó với DN và địa phương sau Tết Nguyên đán. Công ty đang tìm mọi giải pháp đảm bảo việc làm cho NLĐ từ nay đến cuối năm” - bà Tin nhấn mạnh.

* Tìm giải pháp giữ việc làm cho NLĐ

Mới đây, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến với LĐLĐ các tỉnh, thành đánh giá tình hình giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động đối với NLĐ. Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, qua báo cáo của 44 LĐLĐ tỉnh, thành phố, hiện có 1.235 DN khó khăn về đơn hàng dẫn đến cắt giảm lao động. Tổng số lao động bị ảnh hưởng tới việc làm hơn 472 ngàn người. Các ngành nghề bị ảnh hưởng như: dệt may, giày da, chế biến gỗ, điện tử… Ngoài ra, có 30 DN nợ lương của gần 7 ngàn NLĐ; 121 DN nợ bảo hiểm xã hội của hơn 32 ngàn lao động.

Về nguyên nhân cắt giảm việc làm, lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết do DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh bởi chi phí đầu vào cao, bị cắt giảm đơn hàng. Việc gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng do nhiều yếu tố tác động, trong đó có yếu tố sụt giảm nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn như: Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản… Cùng với đó, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, lãi suất vay vốn trong nước cao…

Trước tình trạng khó khăn của hàng trăm ngàn NLĐ, cán bộ Công đoàn ở các địa phương đã kiến nghị nhiều nội dung nhằm hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn, nhất là dịp Tết sắp tới. Trong đó, đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ đối với NLĐ thuê trọ, lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập. Trong trường hợp DN tiếp tục cắt giảm lao động do không có đơn hàng thì cần có hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Để đảm bảo việc làm cho NLĐ dịp cuối năm, Tổng LĐLĐ yêu cầu các cấp Công đoàn kịp thời cập nhật tình hình khó khăn, thiếu đơn hàng của các DN, số lượng NLĐ bị giảm giờ làm việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động; tình hình nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của DN để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, đề nghị DN sớm xây dựng phương án nghỉ Tết, tình hình lương, thưởng và các chế độ cho NLĐ trong dịp Tết 2023.

Chủ trì hội nghị trực tuyến với LĐLĐ các tỉnh, thành về tình hình giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động đối với NLĐ mới đây, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh yêu cầu các cấp Công đoàn nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của NLĐ. Đối với Công đoàn cơ sở, tham gia đối thoại, thương lượng với DN xây dựng phương án sử dụng lao động, sắp xếp thời gian làm việc, hạn chế thấp nhất việc chấm dứt hợp đồng lao động. Đồng thời, tập trung các giải pháp đảm bảo việc làm, quyền lợi của NLĐ và chuẩn bị các nguồn lực chăm lo Tết chu đáo cho đoàn viên, NLĐ, nhất là lao động xa quê, bị mất việc làm những tháng cuối năm.

Thảo My

Tin xem nhiều
Tin đăng viec lam them tại Vieclam24h du học nhật Cách tìm tìm việc chất lượng tại VietnamWorksMẫu CV được NTD ưa thích Outsourcing Payroll Services in Singapore