Thực hiện kế hoạch giám sát chính sách chi hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch và đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19, từ đầu tháng 10 đến nay, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đã tổ chức đoàn giám sát tại các địa phương và sở, ngành trong tỉnh.
Thực hiện kế hoạch giám sát chính sách chi hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch và đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19, từ đầu tháng 10 đến nay, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh đã tổ chức đoàn giám sát tại các địa phương và sở, ngành trong tỉnh.
Người lao động trong tỉnh ổn định việc làm sau đại dịch Covid-19. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Đồng Tiến trong giờ làm việc. Ảnh: H.Yến |
Qua giám sát cho thấy, các đơn vị đã làm tốt nhiệm vụ chi cho các đối tượng được thụ hưởng, nhiều chính sách hỗ trợ đã bao phủ rộng, kịp thời, đảm bảo an sinh cho người lao động (NLĐ).
Chia sẻ khó khăn với NLĐ
Trảng Bom là địa phương có số người được nhận các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 30-6, huyện đã chi trả hỗ trợ cho trên 442 ngàn người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ với tổng số tiền trên 487 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 97%. Đến nay, huyện chưa phát hiện trường hợp nào chi sai hoặc trùng đối tượng.
Theo ông NGUYỄN KIM PHƯỚC, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, đối với những đối tượng chưa chi đã quá thời hạn, tỉnh đang kiến nghị để giải quyết, đảm bảo các đối ượng được hỗ trợ theo đúng quy định. |
Bà Mạnh Thị Hằng, Trường phòng LĐ-TBXH huyện cho biết, để triên khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và tỉnh kịp thời đến các đối tượng khó khăn được hưởng thụ, toàn thể cán bộ, phân viên Phòng LĐ-TBXH huyện và cán bộ 17 xã, trị trấn trên địa bàn huyện đã tập trung cao độ, hướng dẫn, tiếp nhận và rà soát, phê duyệt hồ sơ để NLĐ nhận được hỗ trợ nhanh. “Là huyện có số NLĐ hưởng thụ các chính sách đông nên công tác rà soát hồ sơ rất vất vả. Trong khi đó, nhân lực hạn chế dẫn đến một số chính sách trong quá trình triển khai còn chậm. Tuy nhiên, phần lớn các đối tượng đã phê duyệt đều nhận được hỗ trợ để vượt qua khó khăn”- bà Hằng nhấn mạnh.
Tại TP.Long Khánh, thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ về chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, UBND thành phố đã phê duyệt chính sách hỗ trợ cho gần 122 ngàn người với số tiền hơn 172 tỷ đồng (trong đó, thực hiện chi trả số tiền hơn 171 tỷ đồng). Đối với chi trả chế độ phụ cấp cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19, UBND thành phố đã phê duyệt hỗ trợ cho hơn 4,4 ngàn người với số tiền trên 19 tỷ đồng. Trong khi đó, tại H.Long Thành, việc thực hiện hỗ trợ NLĐ được thực hiện hiệu quả và kịp thời, giúp NLĐ an tâm sản xuất sau đại dịch.
Ông Nguyễn Kim Phước, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách, HĐND tỉnh cho biết, qua công tác giám sát đối với 3 địa phương gồm Long Thành, Trảng Bom và TP.Long Khánh cho thấy, nhìn chung 3 địa phương làm rất tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó có các nhiệm vụ hỗ trợ đối tượng khó khăn do dịch bệnh được thụ hưởng và các đối tượng tham gia phòng chống dịch đảm bảo theo yêu cầu và quy định đề ra. Đối với một số hồ sơ chưa đầy đủ, đoàn giám sát đã yêu cầu các địa phương rà soát, bổ sung chứng từ đầy đủ phù hợp với quy định từng thời điểm phát sinh dịch trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, yêu cầu các địa phương xem xét những đối tượng đã được phê duyệt cần chi trả kịp thời, đảm bảo quyền lợi NLĐ.
Chi trả kịp thời
Tại buổi giám sát tại 3 đơn vị gồm: Sở LĐ-TBXH, Sở Y tế và Sở Tài chính, đoàn giám sát đánh giá cao kết quả trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời của các đơn vị. Đoàn đề nghị 3 Sở tiếp tục rà soát lại tất cả hồ sơ về chi hỗ trợ ở địa phương cho khớp với số liệu nhằm phục vụ cho các đoàn kiểm tra sắp tới. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương giải quyết dứt điểm chính sách hỗ trợ cho một số đối tượng đã được phê duyệt đảm bảo đúng quy định, không để kéo dài.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TBXH, thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Sở đã chỉ đạo các địa phương tập trung hướng dẫn, tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ và chi trả kịp thời. Tính đến ngày 30-6, tỉnh đã thực hiện chi hơn 1.448 tỷ đồng cho hơn 965 ngàn lao động tự do; hỗ trợ hơn 321 ngàn NLĐ bị ngừng việc với số tiền hơn 394 tỷ đồng; hỗ trợ gần 268 ngàn NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương với số tiền hơn 822 tỷ đồng.
Ngoài ra, giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 10 ngàn đơn vị với số tiền trên 306 tỷ đồng. Các chính sách còn hỗ trợ NLĐ trong ngành du lịch, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, hỗ trợ người điều trị Covid-19, cách ly y tế… Bên cạnh đó, thực hiện quyết định của UBND tỉnh về hỗ trợ 6 đối tượng khó khăn do dịch bệnh, UBND các huyện, thành phố đã phê duyệt hồ sơ và chi trả cho hơn 533 ngàn người với số tiền trên 274,97 tỷ đồng.
Đối với Sở Tài chính, trong 2 năm 2021-2022, Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí kinh phí cho các đơn vị sử dụng ngân sách khối tỉnh và ngân sách cấp huyện để phòng, chống dịch và chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn với tổng số tiền trên 7.339 tỷ đồng. Trong đó, năm 2021 đã chi trên 4.934 tỷ đồng. Đối với Sở Y tế, về cơ bản đã kịp thời chi trả cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch và các đối tượng khó khăn do dịch. Trong quá trình thực hiện, Sở cũng gặp một số khó khăn, nhất là trong việc thanh quyết toán chế độ phụ cấp cho lực lượng chống dịch do không đủ hồ sơ để thanh toán.
Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ tuy còn gặp một số hạn chế do Nghị quyết 68 có nhiều đối tượng được hưởng thụ nên việc kê khai còn trùng lặp. Mặt khác, quy trình xử lý hồ sơ ngắn trong khi số lượng đối tượng cần hỗ trợ của tỉnh rất hơn. Tuy nhiên, đến nay, chính sách hỗ trợ đã được bao phủ, đảm bảo an sinh cho các đối tượng, nhất là NLĐ trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
Lan Mai