Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp cần hỗ trợ thu hút lao động

08:06, 04/06/2022

Tại hội nghị giao ban Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp (DN) dệt may, giày da mới đây, phần lớn ý kiến của cán bộ Công đoàn đều cho rằng, hiện nay việc tuyển dụng lao động của các DN đang gặp nhiều khó khăn...

Tại hội nghị giao ban Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp (DN) dệt may, giày da mới đây, phần lớn ý kiến của cán bộ Công đoàn đều cho rằng, hiện nay việc tuyển dụng lao động của các DN đang gặp nhiều khó khăn.

Đại diện nhân sự Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) phỏng vấn tuyển lao động ngay tại công ty
Đại diện nhân sự Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom) phỏng vấn tuyển lao động ngay tại công ty. Ảnh: L.Mai

Các cán bộ Công đoàn kiến nghị, để đẩy mạnh sản xuất trong 6 tháng cuối năm, địa phương cần có nhiều giải pháp để hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm nguồn lực lao động. Trong đó, cần khẩn trương thực hiện chính sách nhà ở, thiết chế văn hóa, nơi gửi trẻ để công nhân yên tâm lao động sản xuất.

* Thiếu hụt lao động sau dịch bệnh Covid-19

Công ty TNHH Elite Long Thành hiện có trên 3 ngàn lao động. Từ đầu năm đến nay, DN liên tục tuyển dụng lao động phổ thông không giới hạn bằng nhiều hình thức nhưng vẫn chưa thể tuyển dụng đủ lao động. Ngoài ra, tỷ lệ lao động nghỉ việc tại DN nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu qua các nước châu Âu.

Đại diện Công đoàn công ty cho hay, sau giai đoạn dịch bệnh, hầu hết DN có chung tình trạng thiếu lao động phổ thông. Mặt khác, hiện tỷ lệ lao động nghỉ việc cao và họ mong muốn hưởng bảo hiểm thất nghiệp mới đi làm nên việc tuyển dụng gặp nhiều trở ngại. Nhiều DN phải bỏ chi phí tuyển dụng cao nhưng lực lượng lao động rất hạn chế. Do đó, cả Công đoàn và DN đều mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ DN nhằm đón người lao động (NLĐ) ở các tỉnh trở lại làm việc.

Tương tự, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Youpoong Việt Nam (TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Út cho hay, thiếu lao động đang ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của công ty và các DN dệt may trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân, do sau giai đoạn dịch Covid-19, NLĐ đã về quê và lập nghiệp tại địa phương, không muốn đi làm xa nên rất khan hiếm nguồn lực. Việc địa phương và các ngành hỗ trợ DN ổn định nguồn lực hiện nay rất quan trọng để DN đẩy mạnh sản xuất sau thời gian đình trệ do dịch bệnh.

* Cần nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, hiện nay các DN đều rất thiếu lao động phổ thông do lao động ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung chọn lập nghiệp tại quê nhà, chưa quay trở lại miền Nam làm việc. Mặt khác, các tỉnh đều phát triển các khu công nghiệp và đa dạng ngành nghề nên lao động chọn làm việc gần nhà để đỡ tốn các khoản chi phí nhà trọ, sinh hoạt khác. Dự báo tới đây, việc tuyển dụng lao động sẽ khó khăn hơn nếu DN nâng công suất hoạt động bình thường như trước thời điểm dịch bệnh. Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai sẽ phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh hỗ trợ tìm kiếm nguồn lực cho DN. Song các DN cần quan tâm đến các chính sách để thu hút lao động quay trở lại làm việc.

Một số cán bộ Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cho rằng, hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các DN tập trung vào các ngành nghề sử dụng nhiều lao động không yêu cầu tay nghề cao. Do đó, mức lương khởi điểm khi bắt đầu công việc chưa thể bảo đảm cuộc sống cho NLĐ và những người phụ thuộc. Bên cạnh đó, một số DN chưa có chính sách chăm lo tốt cho NLĐ để họ yên tâm làm việc nên khó thu hút lao động.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Văn Thanh cho biết, nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ được ngăn chặn nếu như có các giải pháp, chính sách hỗ trợ DN và bảo đảm an sinh xã hội, thu nhập, mức sống thực tế và sức khỏe NLĐ.

Đại diện Sở LĐ-TBXH cho hay, để kết nối lao động, Sở đang kết hợp với một số tỉnh miền Tây Nam bộ đăng các thông tin tuyển dụng của DN và các chế độ, chính sách để tìm kiếm lao động. Hằng tháng, Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 2 sàn giao dịch việc làm để kết nối việc làm với NLĐ. Ngoài ra, kết nối người tìm việc, việc tìm người bằng nhiều hình thức trực tiếp và gián tiếp tại các tỉnh để NLĐ biết được thông tin tuyển dụng và chính sách phúc lợi của DN. Tuy nhiên, NLĐ ngoài mong có việc làm, họ cần chính sách ổn định và lâu dài để đáp ứng nhu cầu thực tế, gắn bó với DN và địa phương.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chủ tịch LĐLĐ TP.Biên Hòa, cho rằng công tác kết nối thông tin thị trường lao động cần có sự phối hợp giữa các tỉnh, thành phố. Quan trọng, để thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc trong các DN, cần có thông tin dữ liệu về việc làm như: ngành, nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động, các yêu cầu về chuyên môn, tay nghề, tiền lương, thu nhập… Ngoài ra, cần nắm bắt thông tin nhu cầu tìm kiếm việc làm của NLĐ, mức độ sẵn sàng quay trở lại làm việc cũng như các yêu cầu đối với công việc.

Để thu hút lao động quay trở lại thị trường lao động Đồng Nai, Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, sẽ tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tiếp hoặc trực tuyến để kết nối việc làm giữa DN và lao động; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động sàn giao dịch việc làm trực tuyến thông qua ứng dụng công nghệ. Các đơn vị chức năng cần chủ động rà soát, nắm bắt thông tin về nguồn lao động thất nghiệp ở địa phương, nhu cầu tuyển dụng lao động của DN trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ đó, xây dựng phương án hỗ trợ kết nối việc làm giữa lao động và DN có nhu cầu tuyển dụng.

Lan Mai

Tin xem nhiều