Hội đồng Tiền lương quốc gia mới đây đã quyết định chọn phương án thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1-7-2022, áp dụng tới ngày 31-12-2023. Đây là tin vui đối với người lao động (NLĐ) cả nước nói chung...
Hội đồng Tiền lương quốc gia mới đây đã quyết định chọn phương án thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1-7-2022, áp dụng tới ngày 31-12-2023. Việc tăng lương tối thiểu vùng là tin vui đối với người lao động (NLĐ) cả nước nói chung và khoảng 1,2 triệu NLĐ trên địa bàn tỉnh nói riêng.
Công đoàn Công ty TNHH Minh Thành (H.Vĩnh Cửu) động viên công nhân làm việc tại xưởng. Ảnh: L.Mai |
Chính sách này được đông đảo NLĐ mong đợi, bởi nó sẽ giúp họ giảm bớt khó khăn và đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài như hiện nay cùng với giá cả leo thang.
* Chia sẻ khó khăn với NLĐ
Công nhân Lê Thị Thụy, làm việc tại Công ty TNHH Tenma Việt Nam (TP.Biên Hòa) cho hay, vợ chồng chị đều làm công nhân, thu nhập làm thêm mỗi tháng chỉ được hơn 10 triệu đồng, trong khi tiền thuê nhà, xăng xe và các chi phí sinh hoạt liên tục tăng cao. Do vậy, tăng lương tối thiểu vùng giúp hỗ trợ NLĐ giảm bớt khó khăn, gánh nặng và áp lực tăng giá trong thời gian qua.
“Chúng tôi đang rất mong chờ được tăng lương sau hơn 2 năm dịch bệnh, bởi thu nhập bị giảm do DN có những thời điểm ngừng hoạt động để phòng dịch, kéo theo đó đời sống công nhân vô cùng khó khăn” - chị Thụy cho hay.
Công nhân Lê Văn Tuấn, làm việc tại Công ty TNHH Soltec Việt Nam (H.Nhơn Trạch) bày tỏ: “Vừa rồi, trong lúc nghỉ giải lao ăn cơm, mấy anh chị trong công ty có nói sắp được tăng lương tối thiểu, tôi rất mừng và chờ đợi. Bây giờ, tăng lương được đồng nào là đỡ cho công nhân vì đang lúc giá cả thực phẩm lên cao, mà đồng lương mình vẫn vậy, cực lắm. Chưa kể, thời điểm nhiều công nhân khó khăn do bị F0, tiền tiết kiệm tiêu xài hết, phải nhờ đến sự giúp đỡ của công ty và Công đoàn mới vượt qua được khó khăn”. |
Không riêng chị Thụy, nhiều NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài khu công nghiệp cũng có thêm động lực, tinh thần làm việc khi biết tăng lương. Công nhân Trần Thị Thu, làm việc tại một DN may mặc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, bày tỏ nếu như 2 năm trước, khi DN vẫn đang đối mặt với khó khăn, NLĐ không đòi hỏi tăng lương, còn bây giờ, tình hình dịch bệnh đã cải thiện, mọi thứ đã quay trở lại trạng thái bình thường mới, DN cũng có đủ đơn hàng để sản xuất thì việc tăng lương là cần thiết để tạo động lực làm việc trách nhiệm, gắn bó của NLĐ với DN.
Ông Đinh Văn Khoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Terumo BTC Việt Nam (H.Long Thành) cho biết, hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tiền lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh khiến đời sống NLĐ khó khăn, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng thời điểm này là cần thiết. Tại công ty, nhiều lao động biết thông tin này rất phấn khởi vì khi lương tăng, họ có thêm chi phí để trang trải cuộc sống, trả tiền thuê trọ và phục vụ nhu cầu sống hằng ngày. Bên cạnh đó, việc tăng lương sẽ khuyến khích, động viên những lao động đã về quê phòng dịch sẽ sớm trở lại thị trường lao động, đáp ứng nguồn nhân lực cho các DN.
“Đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình việc làm, thu nhập và đời sống của NLĐ trong DN. Công ty đã có nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn. Trong tháng 4 này, công ty sẽ tính toán tăng lương hằng năm cho NLĐ như cam kết của DN trong thỏa ước lao động tập thể. Với việc được tăng lương từ công ty và lương tối thiểu vùng, NLĐ sẽ có điều kiện để cải thiện thu nhập sau đại dịch” - ông Khoa bày tỏ.
Tương tự, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Tokin Electronics Việt Nam (TP.Biên Hòa) Phan Tới Thọ Hiệp cho hay, công ty hiện có trên 2,2 ngàn lao động. Từ đầu năm đến nay, công việc và thu nhập của NLĐ tại công ty đều ổn định, đơn hàng của DN rất dồi dào. Hiện thu nhập bình quân của NLĐ tại công ty trên 8,7 triệu đồng/người/tháng. Về vấn đề tăng lương tối thiểu vùng từ đầu tháng 7, dù không nhiều với NLĐ nhưng đối với DN là khoản chi phí lớn. Do đó, DN hy vọng NLĐ sẽ hiểu những nỗ lực của DN để chia sẻ, đồng hành, thi đua sáng tạo, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc tốt hơn.
* Bảo đảm quyền lợi lâu dài cho NLĐ
Trong các kỳ họp Hội đồng Tiền lương quốc gia gần đây, trên cơ sở khảo sát các tỉnh, thành có khu công nghiệp tập trung, đông công nhân lao động, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã đề xuất mức tăng 7-8% (dao động từ 215-354 ngàn đồng) vì mức này mới phù hợp sau gần 2 năm chưa điều chỉnh và bù đắp phần nào trượt giá. Tuy nhiên, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất trình phương án tăng lương tối thiểu vùng 6%.
Nhiều cán bộ Công đoàn tại DN cho rằng, trong cơ cấu thu nhập của NLĐ hằng tháng, tiền làm thêm có thể chiếm từ 40-50%. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, tiền tăng ca này không được tính làm cơ sở để đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, trước mắt, thu nhập của NLĐ có thể tạm ổn, nhưng về lâu dài, khi nghỉ hưu, tiền lương hưu sẽ rất thấp. Vì thế, tăng lương tối thiểu vùng cũng chính là bảo vệ quyền lợi lâu dài của NLĐ. |
Theo các cán bộ Công đoàn, lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để DN thỏa thuận, trả lương cho NLĐ. Thực tế, sau đại dịch, cuộc sống NLĐ gặp rất nhiều khó khăn do lạm phát, trượt giá, mất giá của đồng tiền trong khi các chi phí thiết yếu như: tiền xăng xe, điện nước, tiền thuê nhà... đều tăng. Mặt khác, nhiều người bị mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng, ngưng việc không có thu nhập nhưng lại phải chi trả những khoản phát sinh thêm để phòng, chống dịch. Do đó, việc tăng lương trong thời điểm này là phù hợp, đáp ứng mong muốn của NLĐ.
Bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho hay, LĐLĐ tỉnh đã khảo sát về tình hình đời sống, việc làm của NLĐ tại các DN trên địa bàn tỉnh. Quá trình khảo sát cho thấy, nhiều NLĐ phải làm tăng ca để có thêm thu nhập do mức lương tối thiểu làm cơ sở DN áp dụng xây dựng thang bảng lương còn thấp. Với tư cách đại diện cho NLĐ, tổ chức Công đoàn mong muốn mức tăng lương cao hơn, ít nhất là theo đề xuất trên mức 6%. Song để hài hòa lợi ích giữa các bên, tạo lập quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại DN, nhất là sau gần 2 năm tại một số DN tình hình sản xuất, kinh doanh bị đình trệ do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, mức tăng 6% là sự chia sẻ của NLĐ, tổ chức Công đoàn đối với người sử dụng lao động.
Công nhân Công ty TNHH Perfect Vision (H.Long Thành) trong giờ làm việc |
“Mức tăng lương tối thiểu vùng 6% tương đối phù hợp với khả năng đầu tư của từng loại hình DN, vừa để bù trượt giá và cơ bản đảm bảo mức sống cho NLĐ. Từ đó, thu nhập của NLĐ ngày càng được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng cao, bảo đảm với nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, bù đắp cho các khoản sinh hoạt phí khác tăng cao trong thời gian qua. Quan trọng hơn là thu hút NLĐ trở lại các DN, nhà máy sản xuất để tiếp tục làm việc sau thời gian phải trở về quê tránh dịch” - bà Nguyễn Thị Như Ý nhấn mạnh.
Lan Mai