Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vào cuối tháng 8 vừa qua, 14 hiệp hội ngành hàng chủ lực của Việt Nam đã gửi văn bản gửi tới Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam kiến nghị được miễn đóng phí Công đoàn đối với các doanh nghiệp (DN) nằm trong khu vực thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 8 đến ngày 31-12-2021.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vào cuối tháng 8 vừa qua, 14 hiệp hội ngành hàng chủ lực của Việt Nam đã gửi văn bản gửi tới Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam kiến nghị được miễn đóng phí Công đoàn đối với các doanh nghiệp (DN) nằm trong khu vực thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 8 đến ngày 31-12-2021. Ngoài ra, dừng thu kinh phí Công đoàn và phí Công đoàn trước mắt đến ngày 30-6-2022.
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ nhu yếu phẩm cho công nhân khó khăn bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Ảnh: T.My |
Việc miễn, dừng đóng kinh phí Công đoàn góp phần chia sẻ khó khăn với DN và người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kịp thời có những phản hồi chi tiết, cụ thể đến 14 hiệp hội ngành hàng về những kiến nghị trong các chính sách hỗ trợ NLĐ và DN.
* Tập trung nguồn lực hỗ trợ NLĐ
Tại văn bản gửi Tổng LĐLĐ Việt Nam, 14 hiệp hội ngành hàng, trong đó có các ngành dệt may, chế biến và xuất khẩu thủy sản, lương thực - thực phẩm, da giày túi xách, điện tử… đều cho biết, qua khảo sát tình hình thực tế, hiện tại chỉ một số DN thực hiện được mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, còn lại đa số buộc phải tạm ngừng sản xuất. Các DN chấp nhận không có doanh thu nhưng vẫn phải chi trả các khoản phí lớn như: thuê kho bãi, nhà xưởng, phí tồn kho, lãi suất ngân hàng, chi trả lương chờ việc cho NLĐ…
Với thực trạng các DN ngừng sản xuất đang gặp khó khăn do dịch bệnh kéo dài và phức tạp, điều này thực sự sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của hàng triệu lao động. Vì vậy, để các chính sách hỗ trợ của Tổng LĐLĐ Việt Nam được hiệu quả và công bằng, đáp ứng kịp thời cho lực lượng lao động đang thực sự gặp khó khăn do đại dịch, các hiệp hội đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam mở rộng thêm các nội dung hỗ trợ cho NLĐ.
Theo các DN bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 tại Đồng Nai, việc 14 hiệp hội ngành hàng đề xuất, kiến nghị các chính sách hỗ trợ NLĐ và DN trên rất sát thực và phù hợp với điều kiện hiện nay. Các DN đều mong muốn Tổng LĐLĐ Việt Nam sớm có quyết định về lùi đóng kinh phí Công đoàn đến tháng 6-2022 để các DN và NLĐ có thời gian khắc phục khăn, vừa giúp DN có kinh phí chăm lo cho NLĐ sau thời gian dài phải ngừng việc, tạm nghỉ việc do dịch bệnh. |
Theo đó, ngoài sửa đổi, bổ sung quyết định hỗ trợ tiền ăn cho NLĐ 1 triệu đồng/người, các hiệp hội ngành hàng đề nghị được miễn đóng kinh phí Công đoàn (2% quỹ lương) từ tháng 8 đến ngày 31-12-2021 cho các DN và NLĐ nằm trong các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Ngoài ra, dừng thu phí Công đoàn trước mắt đến ngày 30-6-2022 với các điều kiện như quy định tại Nghị quyết 68 về dừng nộp vào quỹ hưu trí và tử tuất. Tức là áp dụng đối với DN có 15% lao động trở lên phải tạm thời nghỉ việc thay vì 50% lao động như quy định của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Hiệp hội cũng kiến nghị cho phép DN phối hợp với Công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ Công đoàn đang kết dư tại DN trả chi phí test nhanh, chi phí xét nghiệm, hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn.
Đại diện một DN dệt may với 3 ngàn lao động đóng chân tại TP.Biên Hòa cho biết, việc miễn đóng kinh phí Công đoàn từ tháng 8 đến cuối năm 2021 rất cần thiết để chia sẻ khó khăn với NLĐ và DN. Vì trong bối cảnh như hiện nay, các DN đang phải xoay xở để lo trả lương cho NLĐ và các khoản chi phí cao khi thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất và giữ chân lao động.
Ngoài ra, việc dừng thu phí Công đoàn đến tháng 6-2022 là cách để góp phần hỗ trợ DN phục hồi sản xuất và NLĐ khắc phục khó khăn, ổn định với cuộc sống khi trở lại với công việc sau thời gian ngừng, nghỉ việc.
* Để NLĐ gắn bó với DN
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam luôn chủ động xây dựng các kế hoạch chăm lo đoàn viên, NLĐ và hỗ trợ DN. Cùng với tuyên truyền cho đoàn viên, NLĐ mức độ nguy hiểm của đại dịch, tổng liên đoàn đã kịp ban hành các quyết định về các gói hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như các trường hợp F0, F1, F2 và lao động nằm trong khu vực cách ly y tế, phong tỏa... Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ kịp thời lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Tính đến nay, các cấp Công đoàn đã chi hỗ trợ cho các đối tượng nêu trên khoảng 4 ngàn tỷ đồng.
Đối với kiến nghị của các hiệp hội ngành hàng về việc miễn đóng phí Công đoàn từ tháng 8 đến ngày 31-12-2021 cho các DN và NLĐ nằm trong khu vực đang thực hiện giãn cách, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, việc đóng kinh phí Công đoàn đã được quy định trong Luật Công đoàn năm 2012 và Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Do vậy, nội dung miễn đóng kinh phí Công đoàn không thuộc thẩm quyền của Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có công văn gửi Bộ KH-ĐT góp ý dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong đó có nội dung tham mưu việc nghiên cứu, xem xét việc miễn nộp phí Công đoàn cho đoàn viên tại DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022 để NLĐ có thêm điều kiện khắc phục khó khăn, gắn bó với DN. Đồng thời, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được giảm đóng kinh phí Công đoàn trong năm 2021 và 2022.
Liên quan đến kiến nghị của các hiệp hội về việc dừng thu kinh phí và đoàn phí Công đoàn cho DN và NLĐ trước mắt đến ngày 30-6-2022, trong tháng 5 vừa qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Công văn số 2059/TLĐ về việc lùi thời điểm đóng kinh phí Công đoàn đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh có số lao động phải tạm thời nghỉ việc từ 50% trong tổng số lao động đến ngày 31-12-2021.
Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét việc lùi đóng kinh phí Công đoàn đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn đến phải giảm từ 15% lao động trở lên so với thời điểm tháng 4-2021, kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và thỏa thuận nghỉ không hưởng lương.
Thảo My