Bộ luật Lao động năm 2019 đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 với nhiều điểm mới đang nhận được sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh.
Bộ luật Lao động năm 2019 đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 với nhiều điểm mới đang nhận được sự quan tâm của tổ chức Công đoàn, doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh.
Công nhân Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam (H.Nhơn Trạch) trong giờ làm việc. Ảnh: Lan Mai |
Để giúp chủ DN, cán bộ Công đoàn và công nhân nắm vững những nội dung cơ bản của Bộ luật Lao động năm 2019, từ đầu tháng 10 này, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên truyền về một số điểm mới như: NLĐ có thêm 1 ngày nghỉ lễ, mở rộng đối tượng điều chỉnh với người làm việc không có hình thức hợp đồng lao động (HĐLĐ); thời gian tổ chức đối thoại và các loại HĐLĐ...
* NLĐ có thêm ngày nghỉ lễ
Từ ngày 1-1-2021, theo Bộ luật Lao động năm 2019, NLĐ là công dân Việt Nam được nghỉ 11 ngày lễ, tết (tăng thêm 1 ngày nghỉ vào dịp lễ Quốc khánh 2-9 so với quy định hiện hành). Đây là nội dung mới đang được nhiều lao động làm việc tại các DN bày tỏ sự phấn khởi và trông chờ.
Chị Trần Thị Thuận, công nhân Công ty TNHH Giày Việt Vinh Đồng Nai (H.Trảng Bom) cho biết, đối với NLĐ được thêm 1 ngày nghỉ rất đáng quý, vì sau thời gian làm việc vất vả, NLĐ cần có thêm thời gian dành cho gia đình. Đặc biệt, ngày nghỉ càng ý nghĩa hơn khi đúng vào dịp lễ Quốc khánh 2-9, NLĐ có thể kết hợp đi chơi, về thăm gia đình hoặc đi du lịch.
Còn theo anh Trần Nhật Quang, làm việc tại Công ty TNHH Tenma Việt Nam (TP.Biên Hòa), đa phần NLĐ đều đi làm xa quê, để có thu nhập phải tăng ca thường xuyên, ít được tham gia các hoạt động giải trí hay dành thời gian riêng cho bản thân. “Công việc của tôi tăng ca thường xuyên, mặc dù một tháng được nghỉ 4 ngày chủ nhật, nhưng vẫn chưa đủ thời gian để các thành viên trong gia đình gần gũi. Được nghỉ thêm ngày lễ là tin vui với tôi và nhiều lao động khác vì sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động và chăm sóc cho gia đình” - anh Quang bày tỏ.
Dưới góc độ cán bộ Công đoàn, bà Mai Thị Hương, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Dệt may Eclat Việt Nam (H.Nhơn Trạch) cũng bày tỏ sự hài lòng khi NLĐ được nghỉ thêm một ngày lễ. Theo Bà Hương, hiện nay quy định số ngày nghỉ lễ trong năm có hưởng lương của Việt Nam là 10 ngày/năm vẫn còn thấp so với các nước trên thế giới (17 ngày/năm). Vì vậy, được nghỉ thêm 1 ngày lễ, NLĐ ở xa sẽ có thêm thời gian về quê thăm gia đình, những thành viên trong gia đình sẽ có thêm cơ hội được quây quần bên nhau.
* Không còn hợp đồng mùa vụ…
Điều 20 của Bộ luật Lao động sửa đổi đã bỏ nội dung về hợp đồng mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng. Thay vào đó chỉ còn 2 loại hợp đồng là: HĐLĐ không xác định thời hạn và HĐLĐ xác định thời hạn. Quy định này được đánh giá là tiến bộ lớn của pháp luật lao động nhằm bảo vệ NLĐ, hạn chế tình trạng chủ DN “lách luật”, không đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ bằng cách ký các loại hợp đồng mùa vụ, dịch vụ…
Anh Nguyễn Văn Thanh (ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, trước đây anh làm việc theo mùa vụ 3 tháng cho một DN sản xuất gỗ tại Khu công nghiệp Tam Phước. Vì vậy, anh không được hưởng các chế độ chính sách cũng như đóng bảo hiểm xã hội. Trong quá trình làm việc, anh rất lo lắng nếu xảy ra tai nạn lao động sẽ không được hưởng trợ cấp nào, ngoài tiền lương làm khoán theo sản phẩm. Anh hy vọng, khi Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực, NLĐ sẽ yên tâm hơn khi đi tìm việc làm sau thời gian nghỉ việc do dịch bệnh Covid-19 vì quyền lợi sẽ được đảm bảo, công việc ổn định hơn.
Thêm một điểm mới có lợi cho NLĐ tại Bộ luật Lao động năm 2019 đó là mở rộng thêm đối tượng là người làm việc không có quan hệ lao động (không có hình thức HĐLĐ). Điều này có nghĩa là nhiều NLĐ sẽ được hưởng lợi từ sự bảo vệ của Bộ luật Lao động hơn so với trước đây.
Thực tế, thời gian qua, nhiều NLĐ đã tìm đến Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh để phản ảnh về việc DN cho nghỉ việc không hưởng lương hoặc không chi trả lương hằng tháng. Bên cạnh đó, một số NLĐ do nhận thức còn hạn chế nên bị DN lợi dụng, nhận vào làm việc lâu dài nhưng không được ký HĐLĐ. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp, các chế độ, chính sách không được hưởng. Việc được mở rộng thêm đối tượng là người làm việc không có quan hệ lao động sẽ giúp NLĐ an tâm hơn về việc làm của mình.
* NLĐ được đơn phương chấm dứt HĐLĐ
Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập từ việc áp dụng các trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ, Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép NLĐ được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần lý do mà chỉ cần báo trước 30 ngày với HĐLĐ xác định thời hạn và 45 ngày với HĐLĐ không xác định thời hạn. Đây là điểm mới thay vì phải có lý do và tuân thủ nghiêm ngặt việc thông báo trước khi chấm dứt HĐLĐ như trước đây. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho NLĐ có được cơ hội việc làm tốt hơn, phù hợp với bản thân cũng như giúp DN có thời gian bố trí, sắp xếp nhân sự thay thế.
Đại diện lãnh đạo Công ty CP Gốm Việt Thành (TP.Biên Hòa) thăm hỏi công nhân làm việc tại xưởng. Ảnh: Lan Mai |
Chủ tịch Liên đoàn Lao động H.Trảng Bom Lê Đức Thụy cho rằng, nội dung này sẽ có lợi cho NLĐ khi họ muốn tìm được công việc khác phù hợp với tay nghề và khả năng của mình. Bởi tại Điều 43 Bộ luật Lao động năm 2012, quy định về nghĩa vụ của NLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật sẽ không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho chủ DN một khoản tiền tương ứng với tiền lương của NLĐ trong những ngày không báo trước. Đồng thời, phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của bộ luật này. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động năm 2019 sửa đổi, NLĐ sẽ được đơn phương chấm dứt HĐLĐ nếu thấy công việc hiện tại không phù hợp và sẽ không phải đền bù hợp đồng cho chủ DN.
Một số trường hợp, NLĐ còn được đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần báo trước như: không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận; không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực…
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, để việc thực thi Bộ luật Lao động phát huy được những ưu việt trong việc bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, điều quan trọng là phải tuyên truyền từng quy định, đặc biệt là những điểm mới của Bộ luật Lao động 2019 đến tận cơ sở. Bằng các kênh thông tin khác nhau, các cấp Công đoàn sẽ tăng cường triển khai đến từng tổ Công đoàn, đoàn viên và NLĐ. Trong tuyên truyền lưu ý tạo nhiều kênh thông tin, tiếp thu ý kiến phản hồi của NLĐ và chủ DN để có giải thích, phân tích, chia sẻ cụ thể.
Tại hội nghị tập huấn Bộ luật Lao động sửa đổi cho 300 cán bộ Công đoàn cơ sở tại Đồng Nai mới đây, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, 3 nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Công đoàn trong thời gian tới gồm: hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động năm 2019; đẩy mạnh xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại DN; phối hợp với cơ quan chức năng chuẩn bị, cung cấp tài liệu về Bộ luật Lao động cho đội ngũ cán bộ Công đoàn, đặc biệt là cán bộ Công đoàn cơ sở. Từ đó, tuyên truyền, vận động và bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Bộ luật Lao động năm 2019 gồm 17 chương, 220 điều, thể hiện 10 điểm mới chủ yếu đối với NLĐ, cùng 6 điểm mới chủ yếu đối với người sử dụng lao động. Ngoài những chính sách nêu trên, nhiều điểm mới có lợi cho NLĐ như: DN ký hợp đồng xác định thời hạn nhiều lần với người cao tuổi; thêm trường hợp nghỉ việc riêng được hưởng nguyên lương, cấm ép NLĐ dùng lương để mua hàng hóa, dịch vụ của công ty; NLĐ có thể được thưởng không chỉ bằng tiền. Khi trả lương, DN phải gửi bảng kê chi tiết cho NLĐ; đối thoại định kỳ tại nơi làm việc 1 năm/lần và nhiều chính sách khác đối với lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ... |
Lan Mai