Tình trạng ngộ độc thực phẩm tại một số doanh nghiệp (DN) xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua khiến không ít công nhân lo lắng về nguồn thực phẩm và chất lượng bữa ăn giữa ca hằng ngày.
Tình trạng ngộ độc thực phẩm tại một số doanh nghiệp (DN) xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua khiến không ít công nhân lo lắng về nguồn thực phẩm và chất lượng bữa ăn giữa ca hằng ngày.
Công nhân Công ty TNHH Dona Pacific (H.Trảng Bom) luôn yên tâm về chất lượng bữa ăn giữa ca với giá trị 22 ngàn đồng/suất. Ảnh: N.Hòa |
Để bữa ăn giữa ca của công nhân đảm bảo chất lượng, giúp người lao động (NLĐ) có sức khỏe tốt để làm việc, cần sự quan tâm của chủ DN và sự giám sát chặt chẽ của các cấp Công đoàn cùng các ngành chức năng.
* Lo bữa ăn giữa ca không đảm bảo
Mới đây, hơn 100 công nhân Công ty TNHH Great Kingdom Giang Điền (Khu công nghiệp (KCN) Giang Điền, H.Trảng Bom) xuất hiện các triệu chứng nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt, đau bụng sau bữa ăn tối tại công ty, nghi bị ngộ độc thực phẩm. Ngay sau đó, số công nhân này được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Theo một số công nhân, do tăng ca nên công nhân ăn bữa tối tại công ty với các món cá, trứng và canh rau. Trong bữa cơm tối có khoảng 1.600 công nhân, chia thành 2 khu, tuy nhiên chỉ có 1 khu có hơn 100 công nhân nghi bị ngộ độc thực phẩm.
Trước đó, vào tháng 3-2020, tại Công ty TNHH Starite International (KCN Bàu Xéo, H.Trảng Bom), có 149 công nhân bị ngộ độc thức ăn sau bữa ăn trưa với các triệu chứng: ói, đau bụng và mệt mỏi... Được biết, Công ty TNHH Starite International có hơn 10 ngàn công nhân và hợp đồng với Công ty TNHH Thiên Hồng Phúc nấu ăn tại công ty. Tổng số suất ăn do công ty cung cấp là 4.900 suất/ngày.
Tại các DN, NLĐ luôn mong muốn các ngành chức năng cũng như chủ DN quan tâm, kiểm soát chặt chẽ hơn thực phẩm đầu vào, không để tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất làm việc của NLĐ.
Công nhân Trần Thị Hà, làm việc tại một DN sản xuất gỗ đóng chân tại KCN Tam Phước (TP.Biên Hòa) cho hay, mặc dù bữa ăn giữa ca tại công ty dành cho NLĐ đã nâng giá trị lên 16 ngàn đồng/suất/người, song nhiều món ăn chưa đủ dinh dưỡng để tái tạo sức lao động của công nhân. “Nhiều lần tôi đã kiến nghị, gửi vào hòm thư góp ý của công ty, nhưng chất lượng bữa ăn vẫn chưa được cải thiện. Vì vậy, các DN nếu coi NLĐ là nguồn lực lao động, là vốn quý, nên quan tâm sức khỏe NLĐ đầu tiên, có các chính sách chăm lo cho NLĐ đầy đủ để họ yên tâm làm việc, gắn bó” - chị Hà chia sẻ.
Thực tế, nhiều DN không tổ chức nấu ăn cho NLĐ tại công ty mà hợp đồng với các cơ sở cung cấp thức ăn công nghiệp bên ngoài với giá chỉ từ 13-16 ngàn đồng/suất ăn. Mức giá này chưa kể chi phí cho người nấu bếp, lợi nhuận của cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp nên giá trị thực của mỗi suất ăn còn thấp hơn nhiều. Chưa kể, các công ty cung cấp suất ăn công nghiệp ở nơi khác mang đến rất khó kiểm soát chất lượng cũng như quá trình chế biến thực phẩm. Vì vậy, theo các cán bộ Công đoàn, các DN nếu không tổ chức nấu bếp ăn tập thể được, nên lựa chọn các nhà thầu có uy tín, có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm mới được phép cung cấp suất ăn cho công nhân, đảm bảo bữa ăn cho công nhân an toàn và giàu dinh dưỡng để tái tạo sức lao động.
* Cần quan tâm hơn chất lượng bữa ăn giữa ca
Thời gian qua, các cấp Công đoàn đã nỗ lực thương lượng với chủ DN nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca với giá trị 15 ngàn đồng trở lên/suất, nhằm bảo đảm sức khỏe cho NLĐ. Tuy nhiên, bên cạnh những DN thực hiện tốt, vẫn còn không ít DN còn thờ ơ, chưa thật sự coi trọng sức khỏe NLĐ. Một số nơi tổ chức bữa ăn giữa ca cho NLĐ với mức giá không như cam kết hoặc chất lượng dinh dưỡng không đảm bảo. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các cuộc ngừng việc tập thể.
Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 16 vụ ngừng việc tập thể tại 16 DN, trong đó có nguyên nhân liên quan đến chất lượng bữa ăn giữa ca. Ngay sau khi các vụ ngừng việc tập thể xảy ra, các cấp Công đoàn đã làm việc với các chủ DN để có phương án cải thiện. Chủ DN đã cam kết nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca, NLĐ đều trở lại làm việc bình thường. Như vậy có thể thấy, bữa ăn giữa ca của NLĐ rất quan trọng, nếu không bảo đảm chất lượng không những ảnh hưởng đến sức khỏe NLĐ mà năng suất lao động giảm, tác động trực tiếp đến kết quả sản xuất của DN.
Chủ tịch LĐLĐ H.Trảng Bom Lê Đức Thụy cho hay, hiện trên địa bàn huyện có 250/250 DN có mức tiền ăn ca từ 15-40 ngàn đồng/suất/người. Mặc dù về giá trị bữa ăn, các DN thực hiện rất tốt, nhưng về chất lượng, một số DN do hợp đồng các công ty cung cấp suất ăn công nghiệp bên ngoài nên Công đoàn cơ sở (CĐCS) khó kiểm soát. Thời gian qua, trước một số trường hợp NLĐ nghi bị ngộ độc thực phẩm từ bữa ăn giữa ca, LĐLĐ huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ bữa ăn giữa ca của NLĐ. Đồng thời, chỉ đạo các CĐCS đưa nội dung này thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể nhằm đảm bảo bữa ăn giữa ca của NLĐ không chỉ tăng về giá trị mà cả chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đại diện LĐLĐ H.Nhơn Trạch cho hay, việc chăm lo bữa ăn giữa ca cho NLĐ là hoạt động cụ thể, thiết thực của DN và vai trò giám sát thuộc về các CĐCS. LĐLĐ huyện đã chỉ đạo CĐCS kịp thời ghi nhận cũng như phản ánh, đánh giá định kỳ hằng quý các kiến nghị của NLĐ để đưa vào nội dung đối thoại đối với DN, có phương án cải thiện, đáp ứng mong muốn của NLĐ. Hiện, phần lớn các DN khoán hay hợp đồng toàn bộ với đơn vị cung cấp suất ăn, vì vậy, ý kiến của NLĐ rất quan trọng để CĐCS có căn cứ đối thoại với NLĐ. Làm sao bữa ăn giữa ca phải đầy đủ dinh dưỡng, tương đương với giá trị mà các DN đã ký kết trong thỏa ước lao động tập thể.
Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Dona Pacific (H.Trảng Bom) Đặng Thị Thơm cho rằng, nâng cao chất lượng bữa ăn là giải pháp quan trọng để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần làm lợi cho công ty. Thời gian qua, CĐCS đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình nhằm thương lượng với DN tăng giá trị bữa ăn giữa ca cho NLĐ. Theo đó, đến nay, bữa ăn ca của công ty có giá trị 22 ngàn đồng/suất với đa dạng các món ăn để NLĐ lựa chọn, sau bữa ăn còn có món tráng miệng. Mỗi tuần, CĐCS đều phát phiếu lấy ý kiến về chất lượng bữa ăn ca để kiến nghị cải thiện ngay.
“Vai trò của CĐCS rất quan trọng trong việc thương lượng, giám sát, theo dõi bữa ăn giữa ca của NLĐ. Theo đó, để bữa ăn giữa ca đảm bảo, các CĐCS cần kiên trì vận động, đàm phán để chủ DN nhận thức được tầm quan trọng và thực sự quan tâm cải thiện bữa ăn giữa ca cho NLĐ” - chị Thơm chia sẻ.
Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Thị Như Ý, từ nay đến cuối năm và cả những tháng đầu năm 2021, các cấp Công đoàn đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, chính sách đối với NLĐ. Tăng cường giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ về bảo hiểm xã hội, lương, thưởng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn giữa ca... Đảm bảo NLĐ có sức khỏe tốt, yên tâm làm việc, cùng DN vượt khó, ổn định sản xuất.
Theo LĐLĐ tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã ký mới được 75 bản thỏa ước lao động tập thể, nâng tổng số bản thỏa ước hiện có trên địa bàn toàn tỉnh là 1.193 bản/1.545 DN đã thành lập CĐCS. Nhiều bản thỏa ước có nội dung về chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ. Tại các hội nghị giao ban CĐCS khối DN gần đây, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Thanh Hồng cho rằng, ngoài nỗ lực đảm bảo việc làm, các chính sách cho NLĐ, các cấp Công đoàn, nhất là CĐCS, cần đối thoại với DN nâng giá trị và chất lượng bữa ăn cho NLĐ. Cùng với đó, giám sát chặt chẽ, ghi nhận phản ánh của NLĐ về bữa ăn giữa ca để cải thiện, đảm bảo NLĐ có đủ sức khỏe làm việc, tái tạo sức lao động. |
Nguyễn Hòa