Báo Đồng Nai điện tử
En

Người lao động xoay xở sau đại dịch Covid-19

09:07, 21/07/2020

Tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến cho một bộ phận công nhân phải nghỉ việc, ngừng việc, làm việc giãn cách... do doanh nghiệp (DN) không có đơn hàng.

Tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến cho một bộ phận công nhân phải nghỉ việc, ngừng việc, làm việc giãn cách... do doanh nghiệp (DN) không có đơn hàng.

Công nhân xếp hàng nhận gạo từ chương trình ATM gạo nghĩa tình. Ảnh: L.Mai
Công nhân xếp hàng nhận gạo từ chương trình ATM gạo nghĩa tình. Ảnh: L.Mai

Theo đó, thu nhập của một bộ phận công nhân giảm xuống, đời sống trở nên khó khăn hơn. Nhiều công nhân phải tìm những công việc làm thêm để có thể xoay xở với cuộc sống xa quê.

* Tìm cách “xoay xở” cuộc sống

Chị Trần Thị Thu (quê tỉnh Nghệ An) trước đây là công nhân tại một công ty sản xuất phụ liệu may mặc tại Khu Công nghiệp Biên Hòa 2 với tổng thu nhập 6,7 triệu đồng/tháng. Cuối tháng 3 vừa qua, chị Thu phải nghỉ việc vì công ty không có đơn hàng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Thất nghiệp, lại lớn tuổi nên chị Thu không tìm công việc mới tại các DN khác mà đành ở nhà trông con.

Chị Thu cho hay, vợ chồng chị vào Đồng Nai lập nghiệp đã 9 năm nay, thu nhập khá ổn định để nuôi 2 con nhỏ và các khoản chi phí thuê phòng trọ, sinh hoạt... Thế nhưng, khi chị nghỉ việc, cả nhà trông chờ vào nguồn thu nhập chính của chồng, cuộc sống rất chật vật. “Trong 3 tháng thất nghiệp, tôi chủ yếu ở nhà trông con. Gần đây, tôi nhận trông thêm 2 bé cho các công nhân cùng dãy trọ trong thời gian nghỉ hè để kiếm thu nhập. Tuy nhiên về lâu dài, tôi phải tìm được việc làm ổn định để duy trì cuộc sống” - chị Thu cho hay.

Tương tự, công nhân Nguyễn Thị Nụ (quê tỉnh Gia Lai), làm việc tại Công ty TNHH Yong A Textile Vina (H.Nhơn Trạch) cũng bị thất nghiệp từ đầu tháng 3 vì DN gặp khó khăn trong sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thất nghiệp, không có thu nhập nhưng may mắn được chủ nhà trọ giảm giá thuê trọ 50% nên chị đỡ đi được phần nào các khoản chi phí. Tuy nhiên, để có tiền gửi về quê cho ông bà nuôi 2 con, chị Nụ phải chuyển hướng nhiều nghề như: bán hàng online các đặc sản ở quê, bán nước uống dạo tại các khu công nghiệp.

Hằng ngày, chị Nụ chở theo vài thùng nước đến các cổng công ty tại các khu công nghiệp trên địa bàn H.Nhơn Trạch bán cho công nhân ra vào ca. Mới đây, chị bán thêm bánh ngọt, xôi vào bữa sáng cho công nhân. Chị Nụ cho biết, do tuổi đã lớn nên tìm việc làm công nhân không hề dễ dàng, bởi một số DN đăng tuyển dụng lao động trở lại yêu cầu độ tuổi từ 18-30 tuổi. Chuyển hướng công việc tuy rất chật vật, song chị Nụ đang nỗ lực để vượt qua khó khăn hiện tại, cải thiện cuộc sống sau dịch bệnh.

Chị Nụ chia sẻ: “Hai năm nay tôi không có điều kiện về quê ăn Tết và gặp các con vì thu nhập đến tháng đều chắt chiu gửi hết về quê. Sau khi nghỉ việc, tôi rất hoang mang vì lương không có nhưng các khoản chi phí nhà trọ, điện nước vẫn phải trả cùng những khoản tiền sinh hoạt khác. Cuộc sống xa quê, mọi người đều có hoàn cảnh riêng nên không biết vay mượn ai. Tôi phải tự tìm cách xoay xở để trang trải cuộc sống”.

Không ít công nhân sau khi thất nghiệp đã tìm công việc làm thêm tính theo giờ, người lại lựa chọn tìm nghề mới nhưng với những lao động lớn tuổi hoặc cả 2 vợ chồng đều thất nghiệp thì cuộc sống khá chật vật. Mọi sinh hoạt, ăn uống, chi tiêu đều phải tằn tiện, cân đo đong đếm kỹ lưỡng.

* Cần có chính sách lâu dài chăm lo cho người lao động

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, tính đến ngày 31-5, toàn tỉnh có 219 DN bị ảnh hưởng sản xuất do dịch bệnh Covid-19 và trên 103 ngàn lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập. Một số DN gia công hàng xuất khẩu do ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu đã chấm dứt hợp đồng với một bộ phận người lao động (NLĐ), khiến đời sống của NLĐ gặp khó khăn.

Trước tình hình trên, các cấp Công đoàn tỉnh phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án lao động để ổn định sản xuất, duy trì việc làm cho NLĐ. Đồng thời, nâng cao vai trò của Công đoàn cơ sở trong việc giám sát DN khi thực hiện cắt giảm lao động, đảm bảo các chế độ, chính sách cho NLĐ; quan tâm hơn nữa đến lao động lớn tuổi, lao động có con nhỏ, lao động gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, để san sẻ khó khăn với NLĐ, các cấp Công đoàn đã tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi NLĐ. Cùng với đó, tổ chức nhiều hình thức đồng hành với NLĐ như: thăm tặng quà, triển khai ATM gạo miễn phí, siêu thị 0 đồng; vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ cho NLĐ... Riêng trong Tháng Công nhân vừa qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức thăm và tặng trên 11 ngàn phần quà gồm gạo, nhu yếu phẩm, tiền mặt cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh đã trích kinh phí Công đoàn, hỗ trợ 2.390 phần quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 500 ngàn đồng/phần.

Chủ tịch LĐLĐ H.Trảng Bom Lê Đức Thụy cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm cho 43 DN trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và trên 61 ngàn công nhân phải nghỉ việc, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ việc luân phiên... khiến một bộ phận lao động giảm thu nhập, ảnh hưởng đến cuộc sống. LĐLĐ huyện đã làm việc với các chủ DN nhằm đảm bảo các chế độ, chính sách đối với NLĐ. Đến nay, về cơ bản, các DN đã chi trả chế độ phù hợp cho NLĐ. LĐLĐ huyện chỉ đạo các Công đoàn cơ sở sát cánh cùng DN vượt khó, sớm ổn định sản xuất và việc làm, thu nhập của NLĐ.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phong trào thi đua Giỏi việc nước, đảm việc nhà, Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường đề nghị các cấp Công đoàn cần quan tâm đẩy mạnh công tác chăm lo, bảo vệ CNVCLĐ, đặc biệt là lao động làm việc tại DN. Thường xuyên nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để tham mưu những chính sách chăm lo cụ thể, mang tính lâu dài và trở thành thói quen, nếp sống, thậm chí là quy định tại DN. 

Để cùng DN chăm lo tốt đời sống NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành công văn về việc lùi thời điểm đóng kinh phí Công đoàn đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đến cuối năm 2020. Đây cũng là việc làm kịp thời góp phần giúp DN và các Công đoàn cơ sở có điều kiện chăm lo các chính sách cho NLĐ cũng như vượt khó, ổn định sản xuất.

Mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép những trường hợp thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ việc luân phiên từ 14 ngày trở lên trong tháng vẫn được đóng bảo hiểm y tế bắt buộc nhằm bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế liên tục, không bị gián đoạn của NLĐ. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ miễn hoặc giảm học phí cho con em công nhân bị mất việc, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc luân phiên hoặc nghỉ việc không hưởng lương để giảm bớt khó khăn cho NLĐ và con em NLĐ được đến trường.

Lan Mai

Tin xem nhiều
Bí quyết tìm việc nhanh