Hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề là một phần trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhằm tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) được học nghề, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Hỗ trợ lao động thất nghiệp học nghề là một phần trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhằm tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) được học nghề, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Hoạt động ý nghĩa này đã được Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai thực hiện 8 năm nay, giúp nhiều lao động có tay nghề, tìm được công việc phù hợp, ổn định cuộc sống.
Giáo viên Nguyễn Mạnh Cường (Trường dạy nghề ẩm thực và thẩm mỹ Rosa) dạy nấu ăn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa). Ảnh: Lan Mai |
Đa số lao động đăng ký học nghề là lao động phổ thông, sau khi được tham gia khóa học nghề từ 3-6 tháng (phụ thuộc vào thời gian đào tạo của từng nghề), NLĐ được cấp chứng chỉ nghề để tìm kiếm việc làm phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN). Một số lao động nhờ có tay nghề đã tự mở các tiệm kinh doanh nhỏ, cải thiện thu nhập cho bản thân.
* Nhiều lợi ích khi học nghề
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, để giúp NLĐ thất nghiệp có tay nghề, có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp, thời gian qua, trung tâm đã liên tục mở các lớp dạy nghề vào buổi tối và các ngày cuối tuần với các nghề chủ yếu: may công nghiệp, sửa chữa thiết bị may, cơ khí hàn, cắt gọt kim loại, tin học, điện công nghiệp, ô tô và điện gia dụng, tiếng Anh, tiếng Nhật. Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với các trường nghề để dạy nấu ăn, trang điểm, cắm hoa, làm bánh, pha chế, thẩm mỹ, lái xe… đáp ứng nhu cầu học nghề của NLĐ.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp trong thời gian tới, trung tâm sẽ chú trọng nâng cao chất lượng tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động sau khóa học. Đồng thời, trung tâm mở rộng các ngành nghề phù hợp nhu cầu của NLĐ và chú trọng công tác tuyên truyền chính sách BHTN đến NLĐ. |
Chị Nguyễn Hải Yến, học viên đang học nghề may tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai cho biết, trước đây chị làm việc cho một DN sản xuất phụ liệu may mặc tại TP.Biên Hòa. Cuối tháng 3 vừa qua, DN cắt giảm nhân công do làm ăn không thuận lợi, thiếu đơn hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chị phải nghỉ việc. Sau khi làm thủ tục hưởng BHTN, chị được các nhân viên tư vấn học nghề để tìm kiếm công việc mới. Theo đó, chị đã lựa chọn học nghề may và đến nay đã học được gần 4 tháng.
Theo chị Yến, lớp học nghề may có hơn 20 học viên, phần lớn lao động thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tại lớp học, chị được giáo viên hướng dẫn chi tiết, bài bản từ lý thuyết đến thực hành các khâu may mặc trên máy. “Tôi nghĩ lớp học rất cần thiết và ý nghĩa với lao động chưa có việc làm. Chỉ mới học trong vòng chưa đầy 4 tháng, tôi đã có thể cắt, may một số sản phẩm thời trang cho mình. Sau lớp học nghề này, tôi có ý định sẽ xin vào làm việc tại công ty may. Tôi nghĩ, các bạn trong thời gian nghỉ việc nên đăng ký học nghề để nâng cao hiểu biết và tay nghề của mình” - chị Yến cho hay.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Huệ, làm việc tại Công ty CP TaeKwang Vina Industrial (TP.Biên Hòa) quyết định xin nghỉ việc từ tháng 4 để mở cơ sở kinh doanh nhỏ. Tuy nhiên, ý định kinh doanh lại đúng dịp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên chị phải dừng lại. Để vững tay nghề phục vụ dự định kinh doanh, chị Huệ đã đến trung tâm đăng ký học nghề nấu ăn.
Chị Huệ cho biết, sau khi kết thúc khóa học nghề nấu ăn và được cấp chứng nhận nghề, chị tự tin hơn khi mở tiệm kinh doanh đồ ăn sáng. “Mặc dù lớp học tổ chức vào buổi tối và ngày cuối tuần, nhưng các học viên tham gia rất đầy đủ, học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong việc chế biến các món ăn. Tôi cảm thấy rất hài lòng khi tham gia lớp học ý nghĩa này vì những lợi ích mang lại”- chị Huệ chia sẻ.
* Mở rộng nhiều ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của NLĐ
Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai Trần Thị Thùy Trâm cho biết, cùng với việc chi trả trợ cấp BHTN cho NLĐ khi bị mất việc làm, công tác tư vấn, hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm cho NLĐ thất nghiệp là hoạt động ý nghĩa của chính sách BHTN, giúp NLĐ nhanh chóng tìm kiếm được việc làm, nhất là thời điểm khó khăn sau đại dịch. Đây được coi là giải pháp tích cực, lâu dài nhằm tháo gỡ khó khăn cho NLĐ, giúp họ ổn định cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Cũng theo bà Trâm, hằng tháng, trung tâm bố trí nhân viên tư vấn trực tiếp tại nơi đăng ký BHTN, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động thất nghiệp tìm việc và học nghề. Thông qua các hoạt động như: tư vấn, nắm bắt nhu cầu học nghề của NLĐ, trung tâm đã cung cấp đầy đủ các thông tin về cơ sở dạy nghề, nghề đào tạo, thời gian đào tạo và mức chi phí đào tạo cho lao động thất nghiệp. Cùng với đó, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp sau khi kết thúc khóa học nghề.
Hiện tại, trung tâm đang dạy nghề cho trên 200 lao động thất nghiệp. Những lớp học này góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để NLĐ có thể dễ dàng tìm được việc làm mới và “sống” được bằng nghề mình đã chọn. Đặc biệt, NLĐ sau khi học nghề với thời gian 3-6 tháng sẽ được cấp chứng nhận nghề sơ cấp. Kinh phí hỗ trợ học nghề 1 triệu đồng/tháng (không quá 6 tháng). NLĐ thất nghiệp đủ điều kiện muốn được hỗ trợ học nghề cần tranh thủ thời gian này để học nghề, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi tay nghề cao của các DN.
Thầy Lâm Đàm Minh, giáo viên có nhiều năm dạy nghề may cho lao động thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai cho hay, lao động thất nghiệp đến học nghề có nhiều lứa tuổi nên trong quá trình đào tạo không đi theo chương trình mà bằng nhiều phương pháp khác nhau nhằm tạo điều kiện cho NLĐ tiếp thu nghề dễ dàng nhất. Đáng ghi nhận là các học viên rất chịu khó học hỏi, nắm bắt nghề nhanh. Sau khóa học, nhiều học viên đã tìm được việc làm mới hoặc tự mở tiệm may cho riêng mình. Điều đó cho thấy, việc học nghề mang lại nhiều lợi ích cho mỗi lao động.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 55 Luật Việc làm, NLĐ đang đóng BHTN được hỗ trợ học nghề khi có đủ điều kiện sau: chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc (trừ các trường hợp NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng); NLĐ đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN; đã đóng BHTN từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật. |
Lan Mai