Nữ công nhân Ngô Thị Ngọc Ánh, làm việc tại Xí nghiệp gốm Tân Hạnh, chi nhánh Công ty CP Gốm Việt Thành (TP.Biên Hòa) luôn được doanh nghiệp (DN) đánh giá cao, là tấm gương sáng cho nhiều đồng nghiệp học hỏi và noi theo bởi tinh thần cần cù, sáng tạo.
Nữ công nhân Ngô Thị Ngọc Ánh, làm việc tại Xí nghiệp gốm Tân Hạnh, chi nhánh Công ty CP Gốm Việt Thành (TP.Biên Hòa) luôn được doanh nghiệp (DN) đánh giá cao, là tấm gương sáng cho nhiều đồng nghiệp học hỏi và noi theo bởi tinh thần cần cù, sáng tạo.
Công nhân Ngô Thị Ngọc Ánh, làm việc tại Xí nghiệp gốm Tân Hạnh, chi nhánh Công ty CP Gốm Việt Thành (TP.Biên Hòa). Ảnh: N.Hòa |
* Tìm tòi, sáng tạo trong công việc
Gần 14 năm gắn bó với nghề gốm, có nhiều đóng góp trong việc “giữ lửa” và tạo ra những sản phẩm gốm được khách hàng đón nhận, thế nhưng chị Ánh vẫn khiêm tốn khi nói về những thành quả của mình. Hằng ngày, chị đều đến sớm để dọn dẹp gọn gàng nơi làm việc, động viên đồng nghiệp cùng thực hiện, góp phần tạo môi trường làm việc thân thiện, sạch đẹp tại DN.
Gặp chị Ánh tại xưởng sản xuất gốm, 2 bàn tay thoăn thoắt cầm từng sản phẩm khắc chữ, vẽ hoa văn, chị niềm nở cho biết, làm gốm không chỉ đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ mà còn phải biết yêu nghề, đam mê và sáng tạo, có một chút thẩm mỹ, nghệ thuật mới tạo được những sản phẩm đẹp, bắt mắt. Vì vậy, chị không ngừng rèn giũa tay nghề để có những sản phẩm vừa mang tính tuyền thống vừa hiện đại, đáp ứng nhu cầu sản xuất của DN và thị hiếu khách hàng.
Hiện chị Ánh đang làm tại bộ phận khắc hoa văn lên các loại sản phẩm gốm. Là người có kinh nghiệm nên trong quá trình làm việc, chị luôn có những sáng tạo để tạo đường nét cho sản phẩm. Theo chị Ánh, đa số các sản phẩm khắc chữ hay hoa văn đều theo mẫu khách hàng đặt, có những sản phẩm khi khắc lên không được hài hòa và có điểm nhấn. Từ đó, chị đề xuất lên quản lý xưởng thay đổi một số đường nét tạo hồn cho các sản phẩm. Và những sản phẩm qua bàn tay nhỏ bé của chị đều trở nên có hồn và mang tính nghệ thuật cao. “Với công việc đòi hỏi tính sáng tạo, mỗi công nhân phải luôn tìm tòi đổi mới. Có như vậy mới thành công với nghề” - chị Ánh chia sẻ.
Anh Đỗ Kim Thiên, Phó giám đốc Công ty CP Gốm Việt Thành cho biết, nhờ những công nhân chịu khó, sáng tạo như chị Ánh đã đóng góp vào sự phát triển của công ty. Bản thân chị Ánh dù làm việc dựa trên kinh nghiệm nhưng khi có những đơn hàng với dòng sản phẩm mới, chị tiếp cận rất nhanh và trực tiếp làm mẫu để gửi cho khách hàng. Ngoài ra, chị còn đóng góp rất nhiều ý kiến làm cho sản phẩm gốm có giá trị hơn khi ra lò và hoàn thiện bằng những hoa văn đặc sắc, vừa mang tính cổ điển vừa hiện đại.
* Truyền nghề cho công nhân trẻ
Một điều đặc biệt ở chị Ánh đó là luôn thân thiện, giúp đỡ đồng nghiệp. Chị Ánh cho rằng, nhẹ nhàng trong cách giao tiếp với đồng nghiệp chính là liều thuốc tinh thần để mỗi công nhân cảm thấy thoải mái hơn. Đó cũng là động lực để công nhân cùng giúp nhau cố gắng trong công việc. Vì vậy, khi được chọn dạy nghề cho công nhân, ngoài giúp họ tiếp cận với nghề nhanh, chú trọng đến tính sáng tạo, chị còn giúp họ hiểu được giá trị của sự nỗ lực, trách nhiệm với công việc. Đặc biệt phải luôn giữ lửa, sống với nghề mới tạo ra sản phẩm đẹp. Nhờ đó, đã có hàng trăm công nhân trưởng thành với nghề nhờ sự tận tâm hỗ trợ của chị.
Ngoài ra, chị luôn gương mẫu trong công việc, làm gương cho công nhân để họ thấy được trách nhiệm và thêm yêu nghề, từ đó phát huy sức mạnh tập thể, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh. “Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngoài yêu cầu người công nhân phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, bảo đảm đúng giờ giấc làm việc, chấp hành tốt nội quy lao động của DN thì cần đổi mới sáng tạo, biết sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên liệu trong sản xuất để mang lại lợi ích cho DN, tăng thu nhập hằng tháng” - chị Ánh chia sẻ.
Năm 2019, chị Ánh là một trong 2 công nhân tại công ty được Liên đoàn Lao động tỉnh khen thưởng công nhân trực tiếp tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong quá trình làm việc. Nhiều năm liền được công ty khen thưởng công nhân có tay nghề giỏi. Theo chị Ánh, những phần thưởng chính là thành quả của quá trình phấn đấu, nhưng hơn hết, đó là tạo ra những sản phẩm gốm truyền thống có giá trị, chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa, mang lại hơi thở cho cuộc sống. Đó là niềm vui, động lực để chị gắn bó và cống hiến với nghề.
Chị Ánh chia sẻ: “Tới đây, để tiếp tục truyền nghề cho công nhân mới nhằm gìn giữ và phát huy nghề truyền thống làm gốm, tôi sẽ quan tâm dạy nghề cho công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ, để họ có tay nghề, việc làm ổn định. Qua đó, giúp DN phát triển, có những dòng sản phẩm gốm mới lạ, độc đáo trên thị trường”.
Nguyễn Hòa