Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiều công nhân lao động trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt trách nhiệm, năng lực với công việc. Với tinh thần tự giác, không ngừng nâng cao tay nghề và nghiêm túc trong lao động, họ đã tạo ra những sản phẩm chất lượng, góp phần cùng doanh nghiệp (DN) duy trì thương hiệu, phát triển bền vững.
Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiều công nhân lao động trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt trách nhiệm, năng lực với công việc. Với tinh thần tự giác, không ngừng nâng cao tay nghề và nghiêm túc trong lao động, họ đã tạo ra những sản phẩm chất lượng, góp phần cùng doanh nghiệp (DN) duy trì thương hiệu, phát triển bền vững.
Công nhân Phạm Thị Thanh Thủy (trái), làm việc tại Công ty TNHH Dona Pacific tham gia hội thi nấu ăn do Công đoàn tổ chức. Ảnh: L.Mai |
Với đôi tay khéo léo và sự nhanh nhạy trong công việc, nữ công nhân Phạm Thị Thanh Thủy, làm việc tại Công ty TNHH Dona Pacific (H.Trảng Bom) mỗi ngày đều lắp ráp gần 1,5 ngàn đôi giày thành sản phẩm hoàn chỉnh, vượt chỉ tiêu sản phẩm được giao. Hằng năm, chị được DN đánh giá công nhân tiêu biểu, tạo nên những sản phẩm chất lượng, có giá trị.
* Tạo ra những sản phẩm chất lượng
Hơn 9 năm gắn bó với công ty, từ một công nhân làm việc tại xưởng gia công giày, với tinh thần cầu tiến và học hỏi nâng cao tay nghề, chị Thủy được chọn qua chuyền lắp ráp hoàn chỉnh một đôi giày. Đây là khâu cuối cùng và cũng là khâu quan trọng trong quá trình sản xuất giày. Ngoài ra, chị còn tích cực đóng góp các sáng kiến hữu ích, áp dụng rộng vào sản xuất.
Theo LĐLĐ tỉnh, thời gian qua, đội ngũ công nhân lao động tỉnh nhà luôn năng động, sáng tạo, tham gia các phong trào thi đua tại các đơn vị, DN. Ngoài ra, các DN đã tổ chức các hội thi tay nghề để công nhân tham gia thể hiện năng lực trong từng sản phẩm. Riêng năm 2019, đã có 320 công nhân trực tiếp sản xuất có nhiều thành tích trong sáng kiến, sáng tạo được tuyên dương. Có 379 đề tài, 2.668 sáng kiến cải tiến làm lợi cho các đơn vị, DN 280 tỷ đồng. Có 5 sáng kiến đoạt giải Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng khen lao động sáng tạo. |
Chị Thủy chia sẻ: “Từ khi vào làm công nhân sản xuất giày, tôi phải thay đổi hoàn toàn cách nghĩ đến tác phong làm việc để phù hợp với môi trường công nghiệp cũng như những yêu cầu khắt khe của DN. Việc thích ứng nhanh với công việc đã tạo cho tôi cơ hội nâng cao tay nghề, làm ra những sản phẩm đẹp, có đường nét, đáp ứng được mong muốn của DN và đòi hỏi của khách hàng”.
Bám sát quy trình sản xuất giày cũng như làm ra những sản phẩm tăng về số lượng và chất lượng, chị Thủy đã tạo sự lan tỏa và thúc đẩy các đồng nghiệp đoàn kết làm việc, vượt chỉ tiêu sản phẩm hằng ngày. Cũng từ thực tiễn trong công việc, chị Thủy đề xuất sáng kiến nhỏ mang lại hiệu quả trong sản xuất như: cắt dây giày bằng máy, dán keo tự động, xâu dây giày bằng thanh sắt, làm kệ đựng các chi tiết nhỏ, bảng biểu ghi chú số hiệu sản phẩm…Những công đoạn trên làm theo một quy trình để đôi giày hoàn thiện nhanh hơn.
Chị Thủy cho biết, chính những vướng mắc trong quá trình làm việc mà bản thân trải qua, chị đã suy nghĩ tìm ra giải pháp để thay đổi nó. Những cải tiến ra đời không chỉ giúp chị mà cả chuyền cải thiện môi trường làm việc nhanh, đáp ứng được chủ trương đổi mới, làm việc sáng tạo, hiệu quả của DN.
Không chỉ giỏi chuyên môn, chị Thủy còn tích cực tham gia vào các hoạt động Công đoàn và luôn gần gũi, quan tâm đời sống, tinh thần anh chị em cùng xưởng sản xuất, đặc biệt là những công nhân mới vào đều được chị hướng dẫn công việc tận tình, trở thành công nhân chuyên nghiệp với mức thu nhập cao. Nhờ đó, chị luôn được các đồng nghiệp học tập và dành nhiều thiện cảm trong công việc và cách sống.
* Sáng tạo trong lao động
Được biết đến là người thợ có tay nghề giỏi, chuyên gia công các sản phẩm phục vụ ngành cơ khí có độ khó về kỹ thuật cũng như tính chính xác cao, anh Vũ Hữu Hai, công nhân Công ty CP Công nghiệp Chính xác VPIC (H.Trảng Bom) đã tạo được chỗ đứng vững vàng tại DN. Năm 2019, anh đạt danh hiệu Người thợ cơ khí giỏi do công ty tổ chức, được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh khen thưởng là gương công nhân tiêu biểu.
Công nhân Vũ Hữu Hai (Công ty CP Công nghiệp Chính xác VPIC, H.Trảng Bom) vận hành máy tại công ty |
Xác định gắn bó lâu dài với DN, nên ngay từ khi mới vào làm việc, anh Hai đã từng bước thích nghi với môi trường làm việc. Kết quả, sau nhiều năm làm việc ở vị trí công nhân trực tiếp sản xuất, anh tạo ra các sản phẩm cơ khí mẫu mã như: khung, sườn xe... đạt được chất lượng tốt nhất, góp phần khẳng định uy tín và thương hiệu của công ty trên thị trường.
Đến nay, bản thân anh đã phấn đấu đạt tay nghề bậc 4/7 và là thành viên nhóm thợ có đôi bàn tay vàng của công ty. Bên cạnh đó, hằng năm, anh Hai đều nhận nhiệm vụ kèm cặp tay nghề cho từ 4 công nhân trẻ mới vào nghề. Dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của anh, đã có nhiều thợ trẻ trưởng thành, đảm đương tốt công việc được giao.
Linh hoạt ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất, anh Hai đã đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất công việc. Cụ thể, như việc cải tiến máy cắt laser. Theo anh Hai, khi công nhân cắt các loại hàng cơ khí như: ống sắt, khuôn… phải đưa lên máy CNC chạy nhiều lần, tốn dụng cụ và tiêu hao điện. Từ khi áp dụng máy này vào sản xuất, năng suất sản phẩm tăng từ 13 ngàn sản phẩm/tháng lên 15 ngàn sản phẩm/tháng. Sáng kiến này còn giảm nhân công từ 4 người xuống còn 2 người điều khiển máy.
Anh Hai chia sẻ: “Dù có tay nghề, nhưng tôi không ngừng học hỏi kiến thức, vận dụng máy móc hiện đại tốt để khẳng định vị trí của mình. Một khi có đam mê, tay nghề và kinh nghiệm, mình sẽ có nhiều cơ hội phát triển công việc, tăng thu nhập cho bản thân”.
* Chịu khó, kiên trì với công việc
23 năm nay, ông Lê Văn Quý, Tổ phó vét mương, thông cống thuộc Đội Quản lý công trình giao thông Công ty CP Môi trường Sonadezi (TP.Biên Hòa) vẫn miệt mài với công việc thông cống khoảng 20 tuyến đường trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ môi trường cho người dân. Công việc vất vả nhưng chưa lúc nào ông nề hà khó khăn, sẵn sàng lao vào những khu vực cống nguy hiểm, độc hại để hoàn thành công việc được giao.
Ông Lê Văn Quý, Tổ phó vét mương, thông cống thuộc đội Quản lý công trình giao thông Công ty CP Môi trường Sonadezi (TP.Biên Hòa) |
Ông Quý còn nhớ, những năm mới vào nghề, các dụng cụ thông cống chưa hiện đại, ông phải chui xuống cống, dùng tay vớt từng đống rác thải lên xe. Đôi bàn tay ông hiện còn nhiều vết sẹo, là bằng chứng của vô số lần chui vào lòng cống vớt rác bị các loại phế thải đâm phải. “Mặc dù công việc cực nhọc nhưng những người thợ vẫn làm việc hết sức nghiêm túc. Công việc như ngấm vào máu, cứ thấy mưa là anh em lấy xe lao ra đường đến điểm ngập mở nắp ga, cống cho thoát hết nước mới được về, nhiều khi phải ăn trưa ngay cửa cống” - ông Quý chia sẻ.
Để công việc thông cống nhẹ nhàng hơn, ông Quý đã tự tay sáng chế ra nhiều loại vợt rác bằng sắt, giúp công nhân không phải vất vả chui xuống cống như trước. Với các vợt vớt rác này, một công nhân có thể vớt được nhiều rác ở các đoạn cống bị tắc, công việc trở nên nhanh hơn. Ngoài ra, với đôi tay khéo léo, ông còn tự sửa chữa các máy thông cống, giúp đội duy trì công việc trong ngày.
Theo ông Quý, để làm được công việc thông cống, công nhân ngoài kiên trì còn phải học kỹ thuật và biện pháp đảm bảo an toàn lao động. Khi làm việc phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, chứ không hề đơn giản như nhiều người nghĩ. Ngoài ra, phải có sức khỏe và đôi tay điêu luyện để thực hiện nhiều công đoạn trong quá trình thông cống.
Ông Quý cho rằng: “Chúng tôi chỉ nghĩ công việc này đem lại sự hạnh phúc, bình yên và trong sạch môi trường sống cho mỗi người, mỗi gia đình để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ đó, chúng tôi thấy vui hơn với nghề và nỗ lực gắn bó lâu hơn”.
Lan Mai