Chăm chỉ, làm việc cẩn thận và nhanh nhẹn không thua kém các đồng nghiệp nam, nhiều lao động nữ ngành gỗ đã thành công với nghề, vươn lên đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp (DN).
Chăm chỉ, làm việc cẩn thận và nhanh nhẹn không thua kém các đồng nghiệp nam, nhiều lao động nữ ngành gỗ đã thành công với nghề, vươn lên đảm nhận nhiều vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp (DN).
Công nhân Công ty TNHH San Lim Furniture Việt Nam (huyện Trảng Bom) trong giờ làm việc. Ảnh: L.Mai |
“Lúc mới vào làm công nhân ngành gỗ, tôi chỉ nghĩ phải làm chăm chỉ để kiếm tiền mưu sinh. Qua nhiều năm gắn bó, tôi yêu nghề, yêu mùi thơm của gỗ lúc nào không hay. Và chính tình yêu đó đã thôi thúc tôi rèn luyện, nâng cao tay nghề, đạt năng suất cao trong công việc” - đó là chia sẻ của công nhân Nguyễn Thị Trang, làm việc tại Công ty TNHH San Lim Furniture Việt Nam (huyện Trảng Bom).
* Năng nổ với công việc
Bén duyên với nghề gỗ không phải vì đam mê, nhưng chị Nguyễn Thị Trang đã khẳng định được mình qua chất lượng từng sản phẩm. Từ một công nhân đứng máy chà nhám các loại sản phẩm từ gỗ, chị phấn đấu học hỏi, đóng góp nhiều sáng kiến đổi mới trong sản xuất và được cất nhắc lên làm kỹ thuật viên tại bộ phận pha sơn gỗ. Đây là bộ phận quan trọng trước khi cho ra một sản phẩm hoàn thiện.
Trong 5 năm gắn bó với công ty, chị Trang chưa để một quy trình pha sơn nào bị lỗi, làm ảnh hưởng đến chất lượng gỗ. Ngược lại, còn nghiên cứu các màu sơn, lưu trình pha sơn trên mạng, thử nghiệm thành công và áp dụng vào công việc. Chị Trang cho biết, nước sơn của gỗ rất quan trọng, sản phẩm đẹp là ở nước sơn, nếu không nắm chắc các màu sơn, mã số rất dễ bị lẫn lộn. Khi sơn lên các sản phẩm như: tủ, kệ, bàn ghế… màu sơn sẽ tạo điểm nhấn cho từng sản phẩm. Mới đây, cách pha sơn giảm hơn so với lưu trình từ tỷ lệ 0,7% xuống 0,5% nhưng đảm bảo chất lượng, mẫu mã của chị Trang đã tiết kiệm cho công ty khoảng 1,2 triệu đồng tiền sơn/ngày.
Công nhân Nguyễn Trà My, làm việc tại Công ty TNHH Minh Thành (huyện Vĩnh Cửu), nhiều năm nay được DN đánh giá là lao động tiêu biểu. “Lúc chọn nghề này, gia đình tôi không đồng ý vì nghĩ nghề gỗ đối với nữ sẽ vất vả, bụi và nguy hiểm. Thế nhưng, nếu không thử sức mình thì khó mà thành công. Nghề gì cũng có những ưu và nhược điểm, quan trọng mình có đam mê và làm hết khả năng hay không” - chị My cho hay.
Hiện chị My đang làm tại bộ phận kiểm hàng gỗ và đóng gói của công ty. Hằng ngày, dựa vào mẫu mã các đơn hàng của khách hàng, chị kiểm tra chi tiết từng sản phẩm như: bàn, ghế, tủ... Theo chị My, gắn bó với nghề gỗ, chị đã từng làm nhiều công đoạn từ chà nhám, sơn sản phẩm, bắn ốc vít đến trang trí… Công đoạn nào chị cũng đều cảm nhận được những niềm yêu thích riêng.
* Cần nhiều chính sách để thu hút lao động nữ
Hầu hết lao động trong ngành chế biến gỗ là lao động phổ thông, để đảm nhận được công việc, họ thường được đào tạo trực tiếp tại nhà máy hay cơ sở sản xuất. Theo các DN, qua đào tạo trực tiếp trên máy, nhiều lao động nữ tiếp nhận công việc nhanh và vượt trội hơn so với nam giới.
Anh Nguyễn Đình Thọ, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Minh Thành cho biết, hiện công ty có 1,8 ngàn lao động, trong đó nữ chiếm 30%. Tuy số lượng nữ chiếm ít hơn so với nam giới nhưng họ làm việc không hề thua kém. Nếu như nam giới có thể làm ở các bộ phận nặng nhọc hơn thì nữ giới lại cẩn thận, tỉ mỉ, chăm chỉ với công việc.
Cũng theo anh Thọ, thời gian qua, DN đã cải thiện nhiều chính sách để giữ chân lao động, đặc biệt lao động nữ có nhiều chế độ đặc biệt hơn lao động nam như: hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ, nhà ở, tiền sữa... “Hiện nhiều DN gỗ rất khó giữ lao động bởi những người có tay nghề thường “nhảy việc”. Thậm chí, khi có tay nghề vững, họ có thể tự mở cơ sở sản xuất và làm theo quy mô nhỏ lẻ. Cho nên, nguồn nhân lực vốn không đáp ứng đủ lại càng thiếu hụt hơn. Chính vì vậy, phúc lợi và mức lương tốt là động lực để thu hút và giữ chân lao động” - ông Thọ chia sẻ.
Hiện nhiều DN gỗ còn đầu tư thêm máy móc, thiết bị hiện đại để từng bước tăng năng suất, cải thiện quy trình làm việc, giúp lao động nữ bớt được nhiều công đoạn làm việc nặng nhọc. Họ chỉ cần đứng máy và thực hiện các thao tác theo quy trình, có thể hoàn thành công việc tốt hơn làm thủ công. Đây cũng là cơ hội để nhiều lao động nữ được nâng cao tay nghề, thích ứng nhanh với công việc.
Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH San Lim Furniture Việt Nam Đỗ Thị Vân cho hay, DN hiện có gần 4 ngàn lao động, trong đó 30% lao động nữ. Nhìn lao động nữ có vẻ mong manh, yếu đuối nhưng khi bắt tay vào công việc, họ làm ngang sức với nam giới từ bốc, xếp hàng và đứng máy... Đặc biệt, lực lượng lao động nữ làm việc tại công ty khá ổn định tay nghề. Đối với lao động nữ khuyết tật, mang thai được làm ở bộ phận nhẹ nhàng hơn nhưng không vì thế mà làm việc thiếu trách nhiệm, ngược lại họ luôn hoàn thành công việc, vượt chỉ tiêu được giao.
Theo các nhân viên nhân sự tại các công ty dịch vụ tuyển dụng lao động, lao động trong ngành gỗ được coi là ngành vất vả, độc hại hơn các ngành khác. Do đó, không ít lao động sau khi đã được nâng cao tay nghề đã chuyển sang các cơ sở sản xuất chế biến có mức lương cao hơn. Từ thực tế đó, đòi hỏi các DN ngoài đầu tư đào tạo nghề, cần có chính sách để giữ chân NLĐ, nhằm đảm bảo ổn định sản xuất.
Tại hội nghị tổng kết chiến dịch tăng cường tuân thủ pháp luật lao động trong ngành chế biến gỗ đầu năm 2020, nhiều chủ DN cho rằng, vấn đề nguồn nhân lực là mấu chốt trong quá trình phát triển của ngành. Thời gian qua, với sự gắn bó, sáng tạo của người lao động đã giúp nhiều DN ngành gỗ trong và ngoài nước ổn định, phát triển. Tuy nhiên, ngành gỗ đang thiếu cả lao động trình độ cao lẫn lao động phổ thông nên năng suất lao động của ngành gỗ còn thấp. Thời gian tới, các DN sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, kỹ thuật, xã hội và nhận thức; đổi mới, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút lao động.
Lan Mai