Thời gian qua, lợi dụng khó khăn về tài chính của người lao động (NLĐ), các đối tượng cho vay nặng lãi dùng nhiều "chiêu thức" để dụ dỗ công nhân. Với hình thức vay nhanh gọn, nhiều công nhân đã tin tưởng và trở thành "con nợ" không có khả năng thanh toán.
Thời gian qua, lợi dụng khó khăn về tài chính của người lao động (NLĐ), các đối tượng cho vay nặng lãi dùng nhiều “chiêu thức” để dụ dỗ công nhân. Với hình thức vay nhanh gọn, nhiều công nhân đã tin tưởng và trở thành “con nợ” không có khả năng thanh toán.
Công nhân Công ty TNHH dệt nhãn Junmay (huyện Trảng Bom) trong giờ làm việc. Ảnh: L.Mai |
Trước tình hình trên, các cấp Công đoàn tỉnh và ngành chức năng liên quan đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng vay nặng lãi trong công nhân. Đồng thời, thành lập các nguồn quỹ và phối hợp các ngân hàng, tổ chức tài chính bảo lãnh cho NLĐ vay vốn, ổn định đời sống.
* Hiệu quả từ công tác tuyên truyền
Năm 2019, nhiều NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã rơi vào tình trạng khốn khổ vì các khoản nợ từ vay nặng lãi của “tín dụng đen”. Lãi mẹ đẻ lãi con, lương công nhân không đủ trả nợ dẫn đến số nợ ngày càng nhiều. Họ luôn trong tình trạng lo lắng vì bị các đối tượng đến đòi nợ bằng nhiều hình thức ép NLĐ phải trả.
Để công nhân yên tâm làm việc, không dễ rơi vào các chiêu thức cho vay nặng lãi của “tín dụng đen”, tổ chức Công đoàn tỉnh đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức, từ phát loa trong giờ ăn trưa, tuyên truyền trong nhà trọ, xưởng sản xuất và tổ chức riêng các buổi tuyên truyền tại DN. Đến nay, tình trạng này đã giảm hẳn, nhận thức NLĐ ngày càng được nâng cao.
Anh Nguyễn Văn Hạnh, làm việc trong một DN tại H.Xuân Lộc cho hay, trước đây ngay giờ tan ca, công nhân nhận được nhiều tờ rơi cho vay tiền không thế chấp, thủ tục nhanh gọn tại cổng công ty. Với những công nhân khó khăn đang cần tiền, họ dễ dàng tin và vay tiền với lãi suất lên đến 21%/tháng. Nhiều công nhân sau khi vay trả mãi không hết cuối cùng bị các đối tượng cho vay đe dọa đến tính mạng và gia đình, khiến công việc và cuộc sống bị ảnh hưởng rất nhiều. Sau khi tham gia các đợt tuyên truyền do Công đoàn tổ chức, công nhân đã nhận thức rõ tác hại của việc vay nặng lãi.
“Tham gia các đợt tập huấn cho công nhân, tôi thấy rất ý nghĩa. Tôi biết thêm công nhân còn có nhiều chỗ vay tiền khi cần như: các nguồn quỹ của tổ chức Công đoàn, từ các tổ chức cho vay uy tín chứ không nên vay nặng lãi rồi “ôm” nợ. Qua đó, chúng tôi rút kinh nghiệm để không dễ bị dụ dỗ vay nặng lãi, gây thêm hệ lụy cho gia đình” - anh Hạnh chia sẻ.
Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Tăng Quốc Lập, trước tình trạng “tín dụng đen” hoành hành tại các khu công nghiệp và nhà trọ, LĐLĐ tỉnh đã gửi văn bản đề nghị các cấp Công đoàn chủ động phối hợp triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, NLĐ, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Cùng với đó, nắm chắc tình hình “tín dụng đen” trong công nhân, kịp thời thông tin tuyên truyền giúp công nhân hiểu rõ về phương thức, thủ đoạn các tác hại của “tín dụng đen” để NLĐ biết, cảnh giác không để “tín dụng đen” làm ảnh hưởng đến việc làm, cuộc sống của NLĐ.
Bên cạnh đó, hoạt động Công đoàn tập trung vào việc thực hiện hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, trong đó cần quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ như: tiền lương, tiền thưởng, bữa ăn giữa ca, nhà ở, nhà trẻ, các chính sách hỗ trợ đoàn viên, NLĐ nghèo, gặp hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức sinh hoạt, tập huấn, hướng dẫn công nhân sử dụng hợp lý thu nhập và nguồn tài chính của bản thân có hiệu quả nhất. Theo đó, các cấp Công đoàn đã nghiêm túc triển khai thực và mang lại hiệu quả thiết thực. LĐLĐ tỉnh cũng đã tăng cường ký kết với các đối tác cung cấp các sản phẩm giá rẻ, hỗ trợ NLĐ vay vốn lãi suất thấp, giúp họ yên tâm làm việc, cải thiện đời sống.
Đại diện LĐLĐ H.Trảng Bom cho hay, để NLĐ hiểu được tác hại khi vay nặng lãi, LĐLĐ huyện đã phối hợp công an các xã trên địa bàn huyện đến tuyên truyền cho NLĐ tại các khu nhà trọ tập trung nhiều khu công nghiệp vào các buổi tối. Đa số NLĐ đến dự đông đủ và tham gia ý kiến về những điều chưa biết về “tín dụng đen” và đã được công an các xã giải đáp kịp thời, giúp họ hiểu và không nên tin tưởng vay tiền khi các đối tượng đến tận nhà trọ dụ dỗ.
* Công đoàn bảo lãnh cho công nhân vay vốn
Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, các cấp Công đoàn đứng ra bảo lãnh với các ngân hàng hỗ trợ NLĐ vay vốn, cải thiện đời sống. Nhờ nguồn vốn này, nhiều lao động có tiền xây sửa nhà mới, mua sắm vật dụng cá nhân... Đặc biệt, số tiền vay tùy vào thâm niên làm việc của công nhân và được trừ vào lương hằng tháng nên NLĐ không phải lo lắng như vay nặng lãi bên ngoài.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial Ðinh Sỹ Phúc cho biết, để chia sẻ với hoàn cảnh công nhân xa quê, nhiều năm nay, CÐCS đứng ra bảo lãnh với ngân hàng cho công nhân vay vốn. Theo đó, mỗi năm có khoảng 5 ngàn NLĐ được vay vốn. Ngoài ra, Công đoàn còn có chương trình vay vốn không lãi suất đối với những trường hợp công nhân có hoàn cảnh khó khăn; kết hợp với các đối tác bán hàng trả góp không lãi suất nhằm từng bước nâng cao đời sống NLĐ.
Tại Công ty TNHH Dona Pacific (Khu công nghiệp Sông Mây, H.Trảng Bom), để giúp NLĐ tránh bẫy “tín dụng đen”, CĐCS công ty đã tuyên truyền để NLĐ biết, đồng thời hỗ trợ NLĐ tiếp cận vay vốn một cách dễ dàng. Đại diện CĐCS công ty cho biết, việc làm này rất thiết thực với công nhân. Khi CĐCS đứng ra bảo lãnh, công nhân làm thủ tục rất nhanh và được lựa chọn mức vay từ 5-20 triệu đồng, hằng tháng trích một phần lương để trả trong thời gian 12 tháng. Có vốn, công nhân làm được nhiều việc trong cuộc sống, giảm bớt áp lực lo toan hằng ngày và không phải đi vay “tín dụng đen” bên ngoài.
Phó chủ tịch LĐLĐ H.Long Thành Đào Thị Kim Loan cho rằng, hầu hết công nhân không muốn vướng vào các tổ chức “tín dụng đen”, chỉ khi đến bước đường cùng về tài chính, họ mới vay nặng lãi. Vì vậy, khi các CĐCS triển khai các mô hình hỗ trợ công nhân vay vốn lãi suất thấp, đặc biệt lao động có hoàn cảnh khó khăn rất thiết thực và ý nghĩa. Mô hình này cần được nhân rộng nhiều hơn, giúp NLĐ có địa chỉ tin cậy để vay, giúp họ ổn định đời sống, gắn bó, an cư lạc nghiệp.
Công nhân Trần Thị Ái, làm việc tại Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (TP.Biên Hòa) cho hay, từ khi được tuyên truyền về tác hại của “tín dụng đen”, được Công đoàn bảo lãnh vay vốn, chị có thêm điểm tựa để ổn định cuộc sống xa quê, không còn lo lắng đến thiếu thốn tài chính như trước đây. Bên cạnh đó, chị và nhiều công nhân có thêm kiến thức để tuyên truyền cho bạn bè, đồng nghiệp tránh xa tình trạng vay nặng lãi, tập trung làm việc, tăng thu nhập. |
Lan Mai