Thu hút và giữ chân lao động sau Tết Nguyên Đán 2020 là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh hiện đang rất quan tâm, đặc biệt với đội ngũ lao động có tay nghề, kỹ thuật cao.
Thu hút và giữ chân lao động sau Tết Nguyên Đán 2020 là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh hiện đang rất quan tâm, đặc biệt với đội ngũ lao động có tay nghề, kỹ thuật cao.
Công nhân Công ty cổ phần Đồng Tiến (Khu công nghiệp Amata, TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc. Ảnh: N.Hòa |
Theo các cán bộ Công đoàn, để giữ chân lao động, các DN cần xây dựng chính sách lương, thưởng rõ ràng, chế độ đãi ngộ tốt, môi trường làm việc ổn định, thân thiện và cởi mở để người lao động (NLĐ) cảm thấy được tôn trọng...
* Quan tâm ngay từ khi mới tuyển dụng
Tại các hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất năm 2019 gần đây, đa số DN đều chia sẻ những khó khăn trong việc tuyển dụng lao động. Đại diện Phòng Nhân sự Công ty TNHH Hoàng Gia G.M.T (huyện Trảng Bom) Cao Thị Phượng Liên cho hay, trong năm 2019, DN cần tuyển khoảng 200 lao động có tay nghề về may mặc nhưng trong suốt một năm, chỉ tuyển được vài chục người. Số lao động này khi tuyển vào phải qua quá trình đào tạo lại mới đáp ứng yêu cầu công việc. Việc khó tuyển lao động cùng với một số lao động nghỉ việc dẫn đến tình trạng ở xưởng may, máy móc phải bỏ trống. DN phải động viên công nhân làm việc tích cực, tăng tốc mới hoàn thành được kế hoạch sản xuất và các đơn hàng đã ký kết.
Trong khi đó, ở một số DN sản xuất gỗ xuất khẩu hiện nay đã ký kết các đơn hàng mới với đối tác đến giữa năm 2020. Điều họ đang lo lắng là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nếu thiếu lao động, khó có thể sản xuất kịp các đơn hàng đã ký, chưa kể DN phải đền các hợp đồng gấp đôi. Bên cạnh đó, đặc thù ngành gỗ thường dễ xảy ra tai nạn lao động, bụi và môi trường độc hại, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao, nếu không được chăm lo chu đáo về lương, trợ cấp độc hại, phúc lợi, NLĐ dễ dàng nghỉ việc để tìm những công việc nhẹ nhàng hơn. Đó cũng là khó khăn đòi hỏi DN cân đối lại các chính sách hợp lý nhằm tăng chế độ đãi ngộ, giữ chân NLĐ.
Công nhân Nguyễn Tiến Thịnh, làm việc tại một DN sản xuất điện tử (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho biết, đầu năm 2019, anh làm việc cho công ty gỗ tại phường Tam Phước với mức lương 4,2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, DN yêu cầu tăng ca thường xuyên nhưng việc chi trả quyền lợi không tương xứng nên anh xin nghỉ và đầu quân vào công ty điện tử với mức thu nhập tương đương nhưng môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ tốt hơn. “Đi làm ai cũng muốn gắn bó lâu dài với DN, tuy nhiên mức lương và đãi ngộ của DN không tốt nên tôi quyết định xin nghỉ”- anh Thịnh cho biết.
Thực tế cho thấy, trường hợp NLĐ “nhảy việc” từ DN này sang DN khác như anh Thịnh là khá nhiều. Do đó, ngay từ bây giờ, các DN phải tính đến chuyện giữ chân lao động bằng chính sách lâu dài hơn để tránh tình trạng NLĐ “nhảy việc” hoặc bỏ việc sau Tết. Các DN cần phải cho NLĐ thấy mức lương, thưởng rõ ràng, có tương lai phát triển, chính sách đào tạo tốt ngay từ khi mới tuyển dụng mới mong giữ chân họ lâu dài.
* Đảm bảo quyền lợi đầy đủ
Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (TP.Biên Hòa) cho biết, khi đặt chân vào DN làm việc, NLĐ thường nghĩ ngay đến quyền lợi của mình ở đó ra sao, có thỏa đáng không. Nói cách khác, để giữ lao động, đặc biệt là lao động tay nghề cao, DN phải xây dựng hệ thống lương, phúc lợi cùng các chế độ đãi ngộ tốt. Những quyền lợi này phải công khai và đưa vào thỏa ước lao động tập thể để NLĐ tin tưởng và yên tâm làm việc.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Nhật Trường, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Pousung Vina (huyện Trảng Bom) cho biết, tiền lương, thu nhập cao chỉ là điều kiện “cần” chứ chưa “đủ” để giữ chân lao động. Các DN cần tạo dựng văn hóa DN giúp NLĐ gắn bó, cùng chia sẻ, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung của công ty. Nghĩa là làm sao biến DN thành ngôi nhà thứ hai của NLĐ để họ yên tâm gắn bó lâu dài. Chẳng hạn khi lao động cả năm làm việc tốt, nhưng chỉ một lần xảy ra sơ suất trong công việc, DN phải tìm hiểu, để NLĐ khắc phục chứ không phải kỷ luật rồi đuổi việc. Khi NLĐ được tôn trọng, chắc chắn họ sẽ thoải mái tư tưởng và có nguyện vọng được cống hiến lâu dài.
Theo ông Trường, năm 2020, Pousung Vina có nhu cầu tuyển dụng khoảng 10 ngàn lao động. Để thu hút lao động, DN đã có kế hoạch chi trả quyền lợi xứng đáng, trong đó lao động mới vào làm việc trong 6 tháng đầu tiên, ngoài lương sẽ có thêm các khoản tiền thưởng như cách chào mừng lao động đến với DN. “Tại hội nghị người lao động mới đây, nhiều lao động tại DN đóng góp rất nhiều ý kiến xây dựng DN. Điều làm chúng tôi vui là đa số lao động đều hài lòng với môi trường làm việc, chế độ phúc lợi và thu nhập tại DN. Điều đó cho thấy sự quan tâm từ DN đã mang lại kết quả, tập thể lao động đoàn kết, cùng chung sức giúp DN đạt mục tiêu sản xuất năm 2019” - ông Trường phấn khởi cho biết.
Thực tế, thời gian qua ở những DN có đội ngũ lao động tay nghề, cống hiến hết mình cho hoạt động sản xuất kinh doanh đều xuất phát từ các chính sách tốt và sự đãi ngộ từ phía DN. Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hồ Thanh Hồng cho rằng, trong tình hình biến động lao động hiện nay, các DN cần có giải pháp để giữ chân lao động trong và sau Tết Nguyên đán. Nếu NLĐ nào cũng được đảm bảo quyền lợi đầy đủ thì không có lý do gì để họ “nhảy việc” hoặc nghỉ việc.
Ông Lê Văn Vang, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nhơn Trạch cho hay, để chủ động trong việc ổn định lực lượng lao động đầu năm 2020, hạn chế tình trạng lao động về quê không quay trở lại làm việc, DN cần đẩy mạnh các chính sách đãi ngộ, đặc biệt trong dịp Tết Canh Tý 2020. Mọi hoạt động cần tổ chức thiết thực để NLĐ tin tưởng, coi DN như mái nhà chung của mình. |
Nguyễn Hòa