Thời gian qua, tổ chức Công đoàn tỉnh và nhiều doanh nghiệp (DN) đã quan tâm cải thiện chính sách chăm lo đời sống người lao động (NLĐ), đặc biệt là lao động nữ.
Thời gian qua, tổ chức Công đoàn tỉnh và nhiều doanh nghiệp (DN) đã quan tâm cải thiện chính sách chăm lo đời sống người lao động (NLĐ), đặc biệt là lao động nữ.
Đại diện Liên đoàn Lao động TP.Biên Hòa tặng quà cho nữ công nhân viên chức lao động trong phong trào giỏi việc nước, đảm việc nhà. Ảnh: L.Mai |
Theo đó, nhiều chính sách được DN thực hiện tốt như: hỗ trợ lao động nữ tiền nuôi con nhỏ, tặng quà khi nữ công nhân sinh con, lao động mang thai được sắp xếp làm ở bộ nhẹ nhàng, đầu tư cabin vắt sữa...
* Những điểm sáng
Tại Công ty TNHH dệt may Eclat Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch 2), lao động nữ mang thai được ăn cơm sớm hơn quy định 5 phút, khi mang thai đến tuần 24, mỗi ngày được giảm một giờ làm việc mà vẫn được hưởng đủ lương. Ngoài ra, lao động nữ còn được hỗ trợ tiền nuôi con nhỏ, DN xây dựng trường mầm non để công nhân gửi con, yên tâm làm việc.
Còn ở Công ty TNHH Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu), nơi có gần 35 ngàn lao động, trong đó, lao động nữ chiếm 85%, DN luôn quan tâm thực hiện các chế độ đối với lao động nữ. Nhiều nữ công nhân làm việc tại đây luôn cảm thấy hài lòng với chính sách ưu việt như: lao động có con nhỏ được DN hỗ trợ 100 ngàn đồng/người/tháng; DN đầu tư phòng vắt, trữ sữa cho nữ công nhân, hỗ trợ vay vốn cải thiện đời sống, xây dựng phòng khám phụ khoa, khám thai miễn phí…
Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tăng Quốc Lập, trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh các chính sách ưu việt cho lao động nữ, Công đoàn sẽ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về quyền lợi, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống các tệ nạn xã hội... để lao động nữ ngày càng hoàn thiện bản thân, bảo vệ quyền lợi của mình, yên tâm làm việc. |
Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Changshin Việt Nam Đoàn Thị Kim Loan cho hay, để lao động làm việc năng suất, DN đầu tư nhiều mô hình phúc lợi thiết thực, tạo thuận lợi cho lao động nữ được chăm sóc chu đáo. Ngoài xây dựng siêu thị giá rẻ cho công nhân, lao động nữ mang thai có thể sắp xếp thời gian trong ngày xuống phòng khám siêu âm, khám sức khỏe định kỳ mà không lo lắng về chi phí. Nhờ đó, nhiều lao động được thăm khám kịp thời, ổn định sức khỏe, làm việc hiệu quả.
Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom Trần Thị Hồng Thảo, nhiều CĐCS đã tác động đến DN cải thiện chính sách cho lao động nữ như: nữ công nhân mang thai được sắp xếp làm bộ phận nhẹ nhàng, được về sớm 1 tiếng và trợ cấp các khoản nuôi con nhỏ. Ngoài ra, một số DN xây dựng ký túc xá, trường mầm non, phòng khám miễn phí, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh để lao động nữ tham gia. Nhờ đó, giúp nữ công nhân có điều kiện và thời gian chăm sóc bản thân, gia đình và hưởng chế độ tốt hơn.
Nữ công nhân Công ty TNHH Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom) khám sức khỏe tại phòng khám của công ty. Ảnh: L.Mai |
Bên cạnh chăm lo đời sống vật chất, các cấp Công đoàn còn tổ chức nhiều hoạt động hướng đến lao động nữ như: tọa đàm, gặp mặt, hội thi, tặng quà, tham quan dã ngoại, thi nấu ăn, tư vấn làm đẹp, các diễn đàn trao đổi về hạnh phúc gia đình... Đây là cơ hội để lao động nữ giao lưu, tạo động lực hăng say lao động, xứng đáng là người phụ nữ hiện đại trong xã hội hiện đại.
* Mong muốn DN quan tâm nhiều hơn
Mặc dù đời sống lao động nữ đã được cải thiện đáng kể, thế nhưng một bộ phận không nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn như: áp lực làm thêm giờ, khoán sản phẩm, thu nhập chưa đủ trang trải cuộc sống; phải ở nhà trọ chật hẹp, chưa có nơi gửi con để yên tâm làm việc; hạn chế về hiểu biết xã hội, ít được tiếp cận các thông tin liên quan đến quyền lợi của bản thân. Chưa kể, lao động nữ làm việc trong môi trường độc hại, chỉ 40 tuổi sức khỏe đã giảm sút nhiều, ít có điều kiện giải trí, chăm lo tốt cho gia đình.
Trong 9 tháng năm 2019, các cấp Công đoàn đã phối hợp các đơn vị liên quan khám sức khỏe, khám phụ khoa cho trên 4 ngàn lao động nữ; tặng quà cho trên 2 ngàn lao động nữ có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo; tặng 115 sổ tiết kiệm cho đoàn viên nữ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi sổ trị giá từ 2-5 triệu đồng. Cùng với đó, tặng 1.668 hộp sữa bột cho con của NLĐ có độ tuổi từ 3-7 tuổi. |
Trong khi đó, ở một số KCN, thiết chế văn hóa dành cho công nhân còn nghèo nàn, nhà trẻ cho con công nhân còn thưa thớt. Do đó, lao động nữ phải xoay xở đủ đường tìm nơi gửi con. Chị Nguyễn Thị Hạnh, làm việc tại một DN cơ khí (KCN Hố Nai, huyện Trảng Bom) cho hay: “Vợ chồng tôi đều tăng ca thường xuyên nên vấn đề gửi con khiến tôi luôn trăn trở, bởi phần lớn các nhà trẻ chỉ nhận trông bé đến 17 giờ, bắt buộc tôi phải gửi con ở nhóm trẻ gia đình với mức phí 1,3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên về an toàn của bé không đảm bảo. Tôi rất mong các cấp, ngành, DN quan tâm xây dựng nhà trẻ ở KCN, tạo điều kiện cho công nhân gửi con gần nơi làm việc”.
Thực tế, lao động nữ đi làm việc tại các DN, ai cũng mong muốn có việc làm, thu nhập ổn định và nhiều chính sách ưu việt từ DN để giúp họ cải thiện đời sống, thế nhưng nhiều DN còn quan tâm đến doanh thu nhiều hơn là nhu cầu, mong muốn NLĐ. Theo nhiều cán bộ CĐCS, NLĐ chính là động lực, là vốn quý của mỗi DN. Để phát huy được vốn quý ấy, rất cần “bàn tay” của DN chăm lo đời sống cho NLĐ, nhất là lao động nữ để giúp họ tận tâm cống hiến, làm việc hiệu quả.
Lan Mai