Báo Đồng Nai điện tử
En

Lao động nữ và nghề cơ khí

12:10, 19/10/2019

Nhiều người nghĩ rằng nghề cơ khí chỉ hợp với… đàn ông vì phải làm việc nặng nhọc, độc hại nhưng nếu chịu khó và đam mê thì với không ít chị em, đây là nghề khá thú vị.

Nhiều người nghĩ rằng nghề cơ khí chỉ hợp với… đàn ông vì phải làm việc nặng nhọc, độc hại nhưng nếu chịu khó và đam mê thì với không ít chị em, đây là nghề khá thú vị.

Lao động nữ làm việc tại Công ty cổ phần công nghiệp Chính xác Việt Nam Vpic (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom). Ảnh: N. Hòa
Lao động nữ làm việc tại Công ty cổ phần công nghiệp Chính xác Việt Nam Vpic (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom). Ảnh: N. Hòa

9 năm gắn bó với nghề cơ khí tại Công ty cổ phần công nghiệp Chính xác Việt Nam Vpic (Khu công nghiệp (KCN) Hố Nai, huyện Trảng Bom), nữ công nhân Trần Thị Tuyết Trinh được biết đến là gương lao động giỏi, có nhiều sáng kiến hữu ích phục vụ cho sản xuất.

* Đến với nghề bằng sự đam mê

Chị Tuyết Trinh cho biết: “Khi tôi chọn học nghề cơ khí tại Trường cao đẳng cơ giới và thủy lợi, gia đình và bạn bè đều phản đối, bảo tôi là con gái nên chọn công việc nhẹ nhàng hơn, còn nghề cơ khí vất vả, nguy hiểm mà lại khô cứng. Thế nhưng với mong muốn khám phá công việc thú vị này, tôi vẫn theo đuổi đến cùng”.

Tại hội nghị giao ban Công đoàn ngành cơ khí, điện tử gần đây, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hồ Thanh Hồng lưu ý, đặc thù nghề cơ khí, điện tử thường độc hại, nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn lao động. Do đó, các DN cần có chế độ quan tâm đến sức khỏe người lao động, đặc biệt chế độ phụ cấp độc hại xứng đáng với sức làm việc của người lao động. Cùng với đó, có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích lao động nữ ở lĩnh vực này giúp họ làm việc hiệu quả, phát huy thế mạnh, gắn bó với nghề.

Hiện chị Trinh làm tại xưởng sản xuất khung, sườn xe, phần lớn đồng nghiệp là nam giới, tay nghề cao nhưng chị không để mình thua kém. Với kinh nghiệm học được ở trường và qua thời gian thực hành nghề trực tiếp tại xưởng, chị nắm bắt công việc nhanh, thực hiện các thao tác kỹ thuật thuần thục, được quản đốc đánh giá cao. Cùng với đó, chị tích cực đóng góp sáng kiến, cải thiện máy móc hoạt động hiệu quả. Riêng năm 2019, chị Trinh đã đóng góp 15 sáng kiến nhằm đảm bảo môi trường, an toàn trong quá trình làm việc cho công nhân.

Cũng theo đuổi nghề cơ khí, nữ công nhân Nguyễn Thị Hải Minh (làm việc tại Công ty hữu hạn chế tạo công nghiệp và gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam VMEP, phường Tam Hiệp,TP.Biên Hòa) đến với nghề bằng sự vươn lên của bản thân. “Đặc thù nghề này gắn liền với máy móc sản xuất động cơ, linh kiện và lắp đặt các loại xe máy SYM, đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao mới đáp ứng yêu cầu công việc. Nếu mình có đam mê, chịu khó học hỏi, khám phá sẽ hoàn thành xuất sắc công việc giống như nam giới” - chị Minh cho hay.

Với suy nghĩ đó, chị Minh luôn đặt ra các mục tiêu trong công việc để phấn đấu như: nâng cao tay nghề, tập trung làm việc đạt năng suất cao... Mặc dù người lúc nào cũng lấm lem dầu nhớt nhưng niềm vui với nghề đã giúp chị vượt qua, hoàn thành công việc được giao. Chị còn trực tiếp dạy nghề cho lao động mới, hướng dẫn chi tiết kỹ thuật nhằm đảm bảo tiến độ công việc, đạt năng suất cao. Hằng năm, chị đều có tên trong danh sách những người thợ giỏi của công ty.

Anh Đỗ Đình Hiệp, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty cổ phần công nghiệp Chính xác Việt Nam Vpic cho hay, nữ lao động ngành cơ khí tại doanh nghiệp (DN) chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số hơn 1.300 lao động đang làm việc tại DN, nhưng họ đã phát huy được khả năng, tay nghề qua các sản phẩm thực tế. Nhiều nữ công nhân còn giúp đồng nghiệp nam sửa chữa máy móc hư hỏng, đóng góp sáng kiến giảm bớt mối nguy hại tại nơi sản xuất.

* Tạo điều kiện để lao động nữ phát huy tay nghề

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện toàn tỉnh có 150 CĐCS khối cơ khí, điện tử. Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía DN, tổ chức Công đoàn tại DN cơ khí, điện tử đã thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo đời sống người lao động, đặc biệt là với lao động nữ. Thương thảo tốt với chủ DN tăng các phúc lợi cho công nhân như: nâng chất bữa ăn giữa ca, hỗ trợ tiền chuyên cần, nhà trọ, gửi trẻ, nuôi con nhỏ, trang bị phòng trữ sữa và thưởng nóng lao động nữ làm việc năng suất…

Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Advanced Multitech Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 3) Đỗ Thị Thúy Kiều cho biết, lao động nữ tại công ty làm việc rất có trách nhiệm. Nhiều lao động nữ có thể khoan, sửa chữa các sản phẩm và phân loại các mẫu mã, dụng cụ cơ khí thành thạo, chuyên nghiệp. Hằng tháng, số lượng nữ giới được khen thưởng chuyên cần tăng hơn so với nam giới, một số nữ công nhân đã vươn lên làm vị trí tổ trưởng, quản lý tại DN.

Còn Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Cự Thành (xã An Phước, huyện Long Thành) Lý Xê Ba cho hay, do việc tuyển dụng lao động nam khó khăn nên DN mở rộng tuyển lao động nữ vào làm tại các bộ phận vận hành máy, sơn khung, sườn và lắp ráp xe thể thao. Nhìn bề ngoài, lao động nữ có vẻ yếu đuối nhưng khi vào làm việc, họ rất tự tin, lắp ráp các dụng cụ thể thao hiện đại rất chuyên nghiệp. Nói về sự cẩn thận, khéo léo thì nhiều lao động nam thua xa, còn về mặt kỹ thuật, họ nắm bắt công việc rất nhanh.

Thực tế, khi lựa chọn ngành nghề, lao động nữ vẫn thích công việc nhẹ nhàng như may mặc hay làm thủ công tại các DN. Nghề cơ khí, nữ giới ít chọn vì nặng về kỹ thuật, tiếp xúc nhiều với máy móc, khoan, hàn... Những năm gần đây, do thiếu hụt lao động, các DN mở rộng cửa tuyển dụng, tăng các phúc lợi nhằm thu hút lao động nữ vào làm việc. Nhờ đó, nhiều lao động nữ có cơ hội tìm tòi sự mới lạ trong nghề, phát huy năng lực của mình. Mặt khác, nữ lao động nghề cơ khí sẽ bổ sung tính tỉ mỉ, gọn gàng, cẩn thận mà nam giới thiếu.

Công nhân Nguyễn Thị Thủy làm việc tại Công ty TNHH GSK Việt Nam (KCN Sông Mây, huyện Trảng Bom) có thâm niên 20 năm gắn bó với nghề. Chị cho biết, công việc nào cũng có đặc thù riêng, quan trọng mình đến với nghề bằng khả năng và sự chịu khó thì đều có thể hoàn thành tốt. “Khi DN tạo động lực cho mình phấn đấu, phát huy thì lao động nữ nên thử sức để khẳng định mình. Hơn hết, công việc đem lại niềm vui và bản thân hoàn thành tốt để truyền lửa cho nhiều lao động trẻ đang mong muốn theo đuổi nghề này” - chị Thủy chia sẻ.

Nguyễn Hòa

Tin xem nhiều