Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo việc làm cho lao động khuyết tật

Nguyễn Hòa - Sông Thao
08:36, 08/05/2024

Theo thống kê của Sở Lao động, thương binh và xã hội, Đồng Nai hiện có trên 40 ngàn người khuyết tật (NKT). Trong số này, có 34,3 ngàn NKT nặng, NKT đặc biệt nặng và hộ gia đình chăm sóc đang hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng của Nhà nước.

Lao động khuyết tật tham gia buổi họp mặt, tặng quà do Công ty TNHH Changshin Việt Nam tổ chức. Ảnh: L.Mai
Lao động khuyết tật tham gia buổi họp mặt, tặng quà do Công ty TNHH Changshin Việt Nam tổ chức. Ảnh: L.Mai

Cùng với thực hiện chính sách hỗ trợ cho NKT từ ngân sách nhà nước, huy động sức mạnh cộng đồng, tùy theo tình trạng sức khỏe, mức độ khuyết tật mà NKT tại Đồng Nai được tạo điều kiện tiếp cận việc làm để không là gánh nặng của xã hội.

* Tạo việc làm cho NKT

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai Trần Thị Thùy Trâm cho biết, mỗi năm các doanh nghiệp (DN) tham gia sàn giao dịch việc làm đều dành nhiều vị trí việc làm cho NKT. Nhiều NKT cũng tìm đến các sàn giao dịch việc làm để gặp trực tiếp nhà tuyển dụng nắm bắt thông tin, tìm việc làm phù hợp.

“Qua tìm hiểu, một số DN có chế độ tuyển dụng, bố trí công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe của NKT. Vì vậy, mỗi năm trung tâm kết nối, giới thiệu việc làm cho từ 20-30 NKT vào làm việc tại các DN” - bà Trâm chia sẻ.

Hiện một số DN tạo việc làm ổn định cho NKT như: Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) có gần 400 lao động là NKT; Công ty TNHH Pousung Việt Nam (huyện Trảng Bom) có 50 lao động NKT đang làm việc; Công ty CP TKG Taekwang Vina có gần 300 lao động NKT; Công ty TNHH Fashion Garments (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) 50 lao động NKT… Những lao động làm việc tại đây đều được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách và thu nhập ổn định.

Theo Phó giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội NGUYỄN THỊ MỘNG THU, tại Đồng Nai, mức chuẩn trợ giúp xã hội dành cho NKT thấp nhất là 600 ngàn đồng/người/tháng và cao nhất là 1 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm ngân sách tỉnh chi trợ cấp cho NKT khoảng 150-180 tỷ đồng. Cùng với các chính sách hỗ trợ, sở cũng kết nối việc làm cho lao động NKT để họ có cuộc sống tốt hơn.

Để động viên lao động NKT, hàng năm, ngoài tổ chức tri ân đóng góp của họ nhân Ngày NKT Việt Nam
18-4, các DN đều quan tâm bằng việc tặng xe lăn, xây, sửa nhà mới, trao học bổng cho con người lao động và tặng quà bằng nhu yếu phẩm…

Chị Trương Ánh Tuyết, lao động NKT làm việc tại Công ty CP TKG Taekwang Vina, cho biết chị bại liệt 2 chân từ nhỏ, đi lại khó khăn nhưng từ khi được vào công ty làm việc, chị tìm thấy niềm vui, tự tin hơn với cuộc sống.

“Chúng tôi được tạo việc làm nhẹ nhàng, được hưởng các chế độ, chính sách đầy đủ và có thu nhập ổn định. Đó là động lực để tôi và nhiều lao động khuyết tật vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống” - chị Tuyết chia sẻ.

Còn chị Lê Thị Mận, làm việc tại Công ty TNHH Fashion Garments, cho hay đối với lao động khuyết tật, có những lúc cũng tủi thân, mặc cảm và chạnh lòng vì không được lành lặn như người bình thường. Nhưng trải qua những khó khăn, thử thách, mọi người đã tìm thấy nụ cười và hạnh phúc từ công việc và gia đình mình. Ngoài ra, sự quan tâm của DN, địa phương cũng là động lực để lao động khuyết tật phấn đấu nhiều hơn, tự đứng vững, không khuất phục trước số phận để sống có ích cho xã hội.

Đại diện Công ty TNHH Pousung Việt Nam cho biết, DN thực hiện nhiều mô hình chăm lo cho người lao động, đặc biệt là lao động NKT có nhiều chế độ quan tâm đặc biệt hơn. Trong đó, việc tổ chức buổi họp mặt hàng năm vào Ngày NKT Việt Nam là hoạt động ý nghĩa thể hiện sự trân trọng của DN đối với NKT, giúp lao động bị khuyết tật vượt lên chính mình, làm việc năng suất, đạt sản lượng được giao.

* Không để NKT trở thành gánh nặng

Bên cạnh các DN lớn, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo hình thức hộ gia đình cũng đang là điểm đến cho lao động khuyết tật.

Cuối năm 2023, bà Lâm Thị Hồng Nhung (NKT ngụ thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) được tuyên dương Gương người tốt - việc tốt của tỉnh.

Chị NGUYỄN PHƯƠNG TRINH, lao động khuyết tật, làm việc tại Công ty CP TKG Taekwang Vina chia sẻ, tôi đã trải qua nhiều khó khăn khi bản thân bị khuyết tật và có lúc cũng tự ti với chính mình. Nhưng tôi đã vươn lên và thử nhiều công việc dành cho NKT để tự đứng vững bằng chính sức mình. Năm 2010, tôi vào làm việc tại Công ty CP TKG Taekwang Vina và từ đó đến nay, chính môi trường làm việc hòa đồng và doanh nghiệp chia sẻ, tôi chiến thắng chính mình để có thu nhập lo cho bản thân và gia đình. Tôi mong những bạn trẻ bị khuyết tật nỗ lực nhiều hơn, không tự ti với bản thân để sống có ích cho gia đình và xã hội. Khi mình làm chủ được bản thân, mọi khó khăn sẽ qua và niềm hạnh phúc sẽ tới.

Bà Nhung bị cụt 2 tay, còn 2 chân thì teo tóp. Dù vậy, nhờ nguồn vốn nhỏ của gia đình và cộng đồng hỗ trợ, bà cố gắng ngồi xe lăn bán vé số dạo. Nhờ tích góp được số vốn nhỏ và vì di chuyển quá khó nhọc nên bà Nhung mở thêm một quầy tạp hóa nhỏ tại nơi ở để bán tạp hóa cùng với vé số.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đang hỗ trợ sinh kế cho 28 gia đình có nạn nhân da cam. Mỗi trường hợp được hỗ trợ từ 5-10 triệu đồng. Số vốn này, người vay sử dụng để mưu sinh tùy theo điều kiện sức khỏe của bản thân như: bán vé số, mở quán giải khát tại nhà.

Cùng với đó, thông qua các dự án hỗ trợ dành cho NKT được thực hiện trên địa bàn tỉnh, đã có hơn 700 NKT được cho vay vốn để phát triển chăn nuôi, buôn bán nhỏ.

 Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Long Thành Nguyễn Văn Điển, trên địa bàn có nhiều nhóm hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam là NKT. Tùy theo tình trạng sức khỏe mà có người được giúp vốn bán vé số, bán một số mặt hàng tạp hóa ở một điểm cố định. Người còn khả năng di chuyển thì được giúp thêm xe lăn, xe lắc, nạng chống để bán rong trên các tuyến đường… Nhờ được hỗ trợ, lao động NKT đều cố gắng để hòa nhập, để thấy mình có ích trong cuộc sống.

Dù đã có nhiều cố gắng để tạo việc làm cho NKT nhưng nhìn vào con số trên 17,7 ngàn NKT nhẹ còn khả năng lao động thì số lượng việc làm dành cho NKT vẫn còn rất khiêm tốn. Ngoài ra, mỗi năm số lượng NKT có nhu cầu về việc làm tăng lên không nhỏ do người bị tai nạn lao động, tai nạn thương tích đang tăng lên. NKT vẫn đang tự tạo việc làm là chính, thay vì được tuyển dụng bình đẳng như những người không khuyết tật.

Chị Lê Nguyễn Tuyết Hoa (người khuyết tật đang làm việc tại tiệm Giặt Là Sáng, phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa) cho quần áo, chăn màn vào máy sấy. Ảnh: Sông Thao
Chị Lê Nguyễn Tuyết Hoa (người khuyết tật đang làm việc tại tiệm Giặt Là Sáng, phường Hố Nai, thành phố Biên Hòa) cho quần áo, chăn màn vào máy sấy. Ảnh: Sông Thao

Chị Lương Thị Kiều Thúy, người sáng lập và điều hành hoạt động của 5 cơ sở giặt ủi dành cho NKT làm việc tại thành phố Biên Hòa, Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay dù rất nỗ lực song các cơ sở chỉ tạo việc làm cho 20 bạn trẻ. Trong khi đó, số người đến các cơ sở này xin việc không nhỏ.

“Hiện chế độ ưu đãi dành cho những cơ sở tạo việc làm cho NKT không đáng kể. Do vậy, dù là mô hình hướng về cộng đồng NKT song vẫn là do những người điều hành tự thân vận động, nên việc nhận thêm NKT vào làm việc cũng hạn chế” - chị Thúy chia sẻ.

Từ thực tế trên có thể thấy, việc giải bài toán việc làm cho NKT để không bỏ phí nguồn nhân lực, giúp NKT hòa nhập cuộc sống, giúp giảm nhẹ gánh nặng trong hoạt động an sinh xã hội cho nguồn lực nhà nước đòi hỏi cần được quan tâm nhiều hơn. Trong đó, cần sự chung tay giải quyết từ nhiều phía gồm: địa phương, DN và sự nỗ lực của lao động NKT. Hy vọng thời gian tới, sẽ có thêm nhiều DN, cơ sở sản xuất tạo điều kiện để lao động NKT được vào làm việc, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống, tự lo cho bản thân và trở thành những người có ích cho xã hội.

Nguyễn Hòa - Sông Thao

 

 

 

 

Tin xem nhiều