Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho công nhân

Nguyễn Hòa
08:45, 19/03/2024

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, công nhân lao động (CNLĐ) tại các doanh nghiệp thời gian qua chưa thực sự tạo được sự lan tỏa. Do đó, các cấp Công đoàn cần đổi mới hình thức tuyên truyền, nội dung có chọn lọc để CNLĐ dễ hiểu, tiếp nhận thông tin nhanh.

Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tuyên truyền, trao đổi kỹ năng trong cuộc sống và công việc cho công nhân lao động. Ảnh: N.Hòa
Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tuyên truyền, trao đổi kỹ năng trong cuộc sống và công việc cho công nhân lao động. Ảnh: N.Hòa

Đó là chia sẻ của các cán bộ Công đoàn tại Hội nghị Giao ban công tác tuyên giáo - nữ công quý I-2024 do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức mới đây.

* Vẫn còn những hạn chế

Theo các cán bộ Công đoàn, với đặc thù tỉnh tập trung đông CNLĐ như Đồng Nai, công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức Công đoàn cần được đẩy mạnh, liên tục đổi mới để nâng cao nhận thức cho đoàn viên, CNLĐ. Trong đó, cần ứng dụng chuyển đổi số vào tuyên truyền, giáo dục bằng các nền tảng công nghệ thông minh để mang lại hiệu quả.

Công đoàn cơ sở (CĐCS) cần sâu sát, nắm bắt tư tưởng, định hướng công nhân chắt lọc thông tin trên mạng xã hội để tránh bị lôi kéo, hiểu sai lệch các chế độ, chính sách ảnh hưởng đến việc làm và đời sống… Kịp thời ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thông, lan tỏa các hoạt động của phong trào CNLĐ, những tấm gương sáng trong lao động sản xuất để nhân rộng đến các đơn vị trong tỉnh.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Nhơn Trạch Dương Quốc Bình cho hay, CNLĐ chủ yếu làm ở doanh nghiệp và làm theo ca nên ít có thời gian tham gia các lớp tuyên truyền. Công đoàn cần nghiên cứu hình thức tuyên truyền sao cho CNLĐ dễ hiểu, tiếp cận nhanh các chế độ, chính sách mới và hoạt động của tổ chức Công đoàn. Bên cạnh đó, các nội dung truyền tải cần phải ngắn gọn, đi vào trọng tâm những vấn đề CNLĐ quan tâm. Có như vậy, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho CNLĐ mới mang lại hiệu quả.

Theo LĐLĐ tỉnh, đến nay 17/17 Công đoàn cấp trên cơ sở và CĐCS trực thuộc thành lập trang Facebook, nhóm Zalo thông tin nội bộ, website... để tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách, pháp luật lao động trong đoàn viên. Qua đó, tạo sự lan tỏa rộng cũng như ứng dụng chuyển đổi số trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho CNLĐ.

Một số CĐCS cho hay, thời gian qua, CNLĐ do thiếu hiểu biết nên tiếp nhận những thông tin sai sự thật liên quan đến chế độ, chính sách, bảo hiểm xã hội nên bị thiệt thòi về quyền lợi. Một số lao động vướng vào “tín dụng đen”, bị các đối tượng lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân và gia đình. Nhiều cán bộ Công đoàn cũng trở thành nạn nhân, bị các đối tượng đòi nợ khi công nhân vay tiền không có khả năng chi trả…

Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) Phạm Thị Phương, toàn công ty hiện có trên 3,4 ngàn lao động. Đặc thù của CNLĐ công ty làm việc theo tiến độ đơn hàng hoặc làm ca nên việc tham gia hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật cần sắp xếp thời gian hợp lý. Bên cạnh đó, cán bộ tuyên truyền phải lựa chọn nội dung phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người lao động; bám sát thực tiễn đời sống, tập trung vào những vấn đề CNLĐ và xã hội đang quan tâm, từ đó tạo hứng thú cho buổi tuyên truyền.

Đại diện LĐLĐ thành phố Biên Hòa cho rằng, các cấp Công đoàn cần phát huy hiệu quả của mạng xã hội để kịp thời truyền tải các chủ trương, chính sách đến CNLĐ; đồng thời, định hướng các trang tin chính thống để CNLĐ tiếp cận thông tin một cách chính xác, không bị tác động đến tư tưởng, ảnh hưởng việc làm, thu nhập. LĐLĐ tỉnh cần tập huấn, bồi dưỡng thêm kiến thức cho đội ngũ báo cáo viên, cán bộ CĐCS để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao.

* Đổi mới các hình thức tuyên truyền

Theo LĐLĐ tỉnh, xác định công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho CNLĐ là nội dung trọng tâm trong hoạt động, hàng năm, LĐLĐ tỉnh đều chỉ đạo các cấp Công đoàn trong tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền theo chương trình công tác đã đề ra phù hợp với điều kiện làm việc, sản xuất, kinh doanh của từng nhóm đối tượng. Trong đó, chú trọng đến CNLĐ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước để CNLĐ được cập nhật đầy đủ và chính xác các chủ trương, chính sách, pháp luật và các nội dung chỉ đạo của tổ chức Công đoàn.

Riêng năm 2023, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 60 lớp tập huấn, tuyên truyền cho trên 6 ngàn cán bộ, đoàn viên, CNLĐ trong các doanh nghiệp và khu nhà trọ. Cao điểm là tuyên truyền về đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023-2028 và các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, địa phương và chính sách công nhân quan tâm. Ban Tuyên giáo - nữ công LĐLĐ tỉnh khai thác và sử dụng website, Facebook LĐLĐ tỉnh để tiếp nhận và xử lý thông tin CNLĐ phản ánh. Vận động CNLĐ không viết bài, không chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.

Là điểm sáng trong đổi mới các hình thức tuyên truyền, LĐLĐ thành phố Long Khánh đã ứng dụng công nghệ thông tin để truyền tải nhiều nội dung trọng tâm đến CNLĐ.

Phó chủ tịch LĐLĐ thành phố Long Khánh Lê Thanh Tùng chia sẻ, đơn vị thường xuyên cập nhật các hoạt động thiết thực từ Công đoàn cấp trên và CĐCS để thông tin, tuyên truyền nhân rộng và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong CNLĐ. Qua đó, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của CNLĐ và người sử dụng lao động.

Ở nhiều CĐCS đã linh hoạt nhiều cách làm mới để tuyên truyền trong CNLĐ như tận dụng thời gian CNLĐ nghỉ giữa ca, phát tờ rơi, sổ tay và thông qua trang tin nội bộ... Nhiều thông tin do Công đoàn chia sẻ được CNLĐ quan tâm, tiếp cận nhanh, tạo hiệu quả thiết thực trong công tác tuyên truyền. Ngoài ra, thông qua các kênh tuyên truyền, tiếp xúc công nhân, Công đoàn nắm bắt tư tưởng, tình hình đời sống, việc làm, tâm tư tình cảm, khó khăn vướng mắc trong quan hệ lao động và đời sống CNLĐ để giải quyết kịp thời.

Phó chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh Bùi Thị Bích Thủy cho hay, thời gian tới, các cấp Công đoàn trong tỉnh tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đoàn viên, CNLĐ phù hợp với điều kiện làm việc của từng nhóm đối tượng. Trong đó, ngoài các chế độ, chính sách, sẽ tuyên truyền sâu các hoạt động phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, vấn nạn “tín dụng đen”, an toàn giao thông, an toàn lao động, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; đồng thời, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạo quan hệ hài hòa giữa CNLĐ và chủ sử dụng lao động.

Nguyễn Hòa

Tin xem nhiều