Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi phòng trọ vắng công nhân thuê

Lan Mai
07:36, 06/09/2023

Những tháng qua, nhiều dãy nhà trọ gần các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh rơi vào cảnh đìu hiu vì vắng công nhân lao động (CNLĐ) thuê. Mặc dù nhiều chủ nhà trọ đã giảm giá tiền phòng nhưng số người đến thuê vẫn hạn chế.

Nhiều khu nhà trọ công nhân tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) vắng người thuê. Ảnh: L.MAI

Theo các chủ nhà trọ, tình hình CNLĐ bị giảm giờ làm, giảm thu nhập, mất việc do doanh nghiệp không có đơn hàng sản xuất khiến đời sống gặp nhiều khó khăn. Đó là nguyên nhân họ trả phòng trọ và lựa chọn về quê sinh sống.

Nhiều phòng trọ trống người

Bà Lê Thị Mỹ, chủ nhà trọ tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) đã có 23 năm kinh doanh nhà trọ nhưng chưa có năm nào phòng trọ của bà “ế ẩm” như năm nay. Bà Mỹ cho biết, khu nhà trọ của bà có 31 phòng và luôn kín chỗ, nhưng từ đầu năm 2023 đến nay, công nhân bị thất nghiệp nhiều nên họ trả phòng nhiều hơn thuê.

“Mỗi lần nghe có công nhân báo trả phòng trọ do thu nhập và việc làm không ổn định, tôi càng thêm buồn vì nhiều người đã gắn bó với tôi lâu năm” - bà Mỹ chia sẻ.

Tại các khu nhà trọ gần các khu công nghiệp ở H.Nhơn Trạch, khung cảnh đìu hiu không kém. Nhiều phòng trọ cửa đóng kín mít và xuống cấp vì khá lâu không được mở.

Bà Lê Thị Ninh, chủ phòng trọ tại xã Phước Thiền cho biết, dãy nhà trọ của bà thường được công nhân làm việc tại các công ty thuê vì giá rẻ. Trung bình mỗi phòng có giá từ 800 ngàn đồng/tháng, song hơn 4 tháng qua, dãy nhà trọ của bà chỉ thấy người trả phòng mà không thấy ai đến thuê.

Cũng theo bà Ninh, từ đầu năm đến nay, ai có nhu cầu thuê trọ bà đều đồng ý và hỗ trợ cho những lao động thất nghiệp, ít việc chậm trả tiền thuê phòng trọ. Những tháng qua, dù bà đã hỗ trợ công nhân bằng khả năng của mình để họ vượt qua khó khăn nhưng nhiều người vẫn trả phòng do thu nhập không đủ chi trả các khoản sinh hoạt.

Những khu nhà trọ vắng khách thuê cũng diễn ra tương tự ở P.Tam Phước (TP.Biên Hòa). Chủ nhà trọ Trần Hữu Vinh cho biết, nhà trọ của ông có 25 phòng và luôn kín phòng với hơn 50 công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Tam Phước thuê trọ. Lao động ở trọ chủ yếu làm trong lĩnh vực sản xuất gỗ nhưng các doanh nghiệp không có đơn hàng sản xuất đã cắt giảm lao động hoặc cho CNLĐ nghỉ chờ việc. Nhiều lao động lớn tuổi do không tìm được việc làm mới đã trả phòng, về quê.

“Nhiều công nhân thất nghiệp, việc làm ít đã trả phòng trọ vì không đủ sức chờ công ty ổn định trở lại. Có những gia đình có 3 con bước vào năm học mới không chịu nổi tiền đóng học phí nên chuyển về quê sinh sống. Hiện cả dãy nhà trọ của tôi còn gần 20 công nhân ở, nhiều người cố gắng bám trụ đợi công ty có đơn hàng trở lại” - ông Vinh nói.

Vắng công nhân thuê

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp phát triển, thu hút hàng trăm ngàn CNLĐ nhập cư. Hiện toàn tỉnh có khoảng 150 ngàn phòng trọ. Trước tình trạng nhà trọ vắng người thuê, một số hộ kinh doanh nhà trọ tìm cách giảm tiền thuê trọ hoặc cho người thuê trả góp, thậm chí nợ tiền thuê nhà tối đa 2 tháng để giảm áp lực cho CNLĐ. Chủ nhà trọ còn sơn sửa nhà trọ, lắp đặt thêm nhiều tiện ích để thu hút CNLĐ có nhu cầu. Dẫu vậy, nhiều khu nhà trọ vẫn rơi vào cảnh “ế” người thuê.

Thời gian qua, Đồng Nai đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ CNLĐ thất nghiệp sớm tìm lại việc làm và hỗ trợ tiền thuê nhà trọ; hỗ trợ lao động mất việc làm. Bên cạnh đó, tăng cường tư vấn, tổ chức các sàn giao dịch việc làm và giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp đến các doanh nghiệp đang tuyển dụng. Đồng thời, giải quyết kịp thời bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để có chi phí vượt qua khó khăn.

P.Long Bình (TP.Biên Hòa) được xem là “thủ phủ” kinh doanh phòng trọ công nhân với gần 60 ngàn công nhân làm việc trong các khu công nghiệp đang thuê trọ. Song hiện nay, nhiều khu nhà trọ ở đây vắng bóng công nhân thuê. Theo các chủ nhà trọ, đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, công nhân về quê nhiều nhưng họ không trả phòng luôn mà vẫn thuê rồi hết dịch vào ở tiếp. Còn hiện nay, công nhân trả phòng và dọn đồ về quê sinh sống. Nhiều chủ trọ không có thu nhập, trong khi các phòng trọ không có người ở nên xuống cấp nhanh chóng.

Dọn dẹp những căn phòng trọ trống do CNLĐ vừa trả, bà Trần Thị Thanh (ngụ P.Long Bình) không khỏi chạnh lòng khi nhắc về những CNLĐ đã gắn bó với bà nhiều năm, giờ phải chia tay họ. “Dù không phải người thân nhưng họ cũng sống cùng tôi cả chục năm nay, giờ tình hình làm ăn khó khăn quá đành chịu. Lúc nhìn mọi người lần lượt dọn đồ rời khỏi dãy trọ, tôi buồn lắm. Buồn không chỉ vì thu nhập giảm sút, mà còn là nỗi buồn khi trải qua những cuộc chia tay với các CNLĐ” - bà Thanh trải lòng.

Công nhân Lê Thị Xuân đã thuê trọ nhà bà Thanh 4 năm nay cho biết, nhiều công nhân sống chung phòng trọ với chị đã bỏ phố về quê vì trước đây một tuần làm 6 ngày, thu nhập ổn định; còn nay 1 tuần làm có 4 ngày, lại không được tăng ca, thu nhập giảm một nửa, nhiều người không trụ nổi chi phí ăn ở, sinh hoạt nên trả phòng về quê. Chị Xuân may mắn hơn vì vẫn có việc làm ổn định để lo cho gia đình.

Ông Lương Ngọc Nhẹ (ngụ ấp 5, xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) có hơn 120 phòng trọ, thu hút khoảng 300 người thuê trọ. Nhà trọ của ông nhiều năm liền duy trì và giữ vững danh hiệu Nhà trọ văn hóa vì thành lập được tổ an ninh tự quản và đảm bảo trật tự, xây dựng đời sống đoàn kết, văn minh.

Ông Nhẹ cho hay, để tiếp tục duy trì mô hình, chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa đến đời sống công nhân; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng công nhân thuê trọ.

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 22 ngàn đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số công ty quá khó khăn đã cắt giảm từ 300 lao động trở lên. Liên đoàn Lao động tỉnh đã hướng dẫn Công đoàn cơ sở yêu cầu các công ty thực hiện đầy đủ chế độ chính sách về thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, đảm bảo quyền lợi cho CNLĐ. Cùng với đó, tuyên truyền các khu nhà trọ giữ ổn định giá thuê phòng để chia sẻ khó khăn với công nhân.

Lan Mai

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích