Khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích trồng cây sầu riêng tại Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước liên tục tăng nhanh. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, trái sầu riêng rộng cửa xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua đường chính ngạch đã đưa Việt Nam trở thành nước có diện tích và sản lượng xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới.
Khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích trồng cây sầu riêng tại Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước liên tục tăng nhanh. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, trái sầu riêng rộng cửa xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua đường chính ngạch đã đưa Việt Nam trở thành nước có diện tích và sản lượng xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới.
Thị trường đầu ra thuận lợi, giá bán cao đã giúp cho các nhà vườn trồng sầu riêng tại Việt Nam tăng lợi nhuận gấp 1,5-2 lần so với những năm trước đó.
Vì thế, từ năm 2017 đến nay, mỗi năm diện tích trồng cây sầu riêng của Việt Nam tăng 24,5%. Nếu năm 2017, cả nước có 37 ngàn ha thì đến năm 2022 đã tăng lên 110,3 ngàn ha. Trong đó, hiện có hơn 54 ngàn ha cho thu hoạch với sản lượng gần 850 ngàn tấn. Dự kiến, trong thời gian tới diện tích cây sầu riêng sẽ còn tiếp tục tăng trưởng nhanh.
Tại Đồng Nai, từ hơn 10 năm trước, cây sầu riêng đã được xác định là cây trồng chủ lực phù hợp với thổ nhưỡng của các địa phương nên được khuyến khích phát triển. Và từ nhiều năm trước, Đồng Nai đã xuất khẩu sầu riêng vào Hoa Kỳ, nhưng sau đó không có đủ số lượng đã gián đoạn.
Đến nay, Đồng Nai đã phát triển được gần 11,4 ngàn ha và trở thành tỉnh có diện tích sầu riêng lớn nhất vùng Đông Nam bộ và xếp thứ 4 cả nước. Với diện tích sầu riêng tăng trưởng “nóng” tại Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh trên cả nước nên nhiều chuyên gia kinh tế đã khuyến cáo, cần có giải pháp để phát triển bền vững. Trong đó, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công thương, các tỉnh, thành mở thêm nhiều thị trường xuất khẩu khác cho trái sầu riêng để không quá lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Bởi khi thị trường này giảm nhập khẩu sẽ tác động rất lớn đến sản xuất sầu riêng trong nước vì cung vượt cầu.
Ngoài mở rộng thị trường xuất khẩu cho trái sầu riêng tươi thì các tỉnh, thành nên chú ý đến thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào bảo quản, sơ chế, chế biến sâu trái sầu riêng. Chế biến sâu trái sầu riêng, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng tăng giá trị gia tăng và giảm được nỗi lo thị trường xuất khẩu trái tươi gặp khó khăn.
Để cây sầu riêng phát triển bền vững, Đồng Nai đã đi tiên phong trong xây dựng mã số vùng trồng, kết nối với các doanh nghiệp để hình thành các vùng chuyên canh lớn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời, tỉnh đang mời gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu trái sầu riêng để các nhà vườn có đầu ra thuận lợi, yên tâm sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng.
Khánh Minh