Hiện nay, trên toàn tỉnh có rất nhiều căn nhà vừa ở, vừa làm nơi sản xuất, kinh doanh (SXKD). Do thiết kế ban đầu của các căn nhà này là nhà ở nhưng về sau được tận dụng để làm nơi SXKD nên không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhất là không đảm bảo điều kiện về hệ thống điện, cũng như việc trang bị thiết bị chữa cháy tại chỗ…
Hiện nay, trên toàn tỉnh có rất nhiều căn nhà vừa ở, vừa làm nơi sản xuất, kinh doanh (SXKD). Do thiết kế ban đầu của các căn nhà này là nhà ở nhưng về sau được tận dụng để làm nơi SXKD nên không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhất là không đảm bảo điều kiện về hệ thống điện, cũng như việc trang bị thiết bị chữa cháy tại chỗ…
Do hệ thống điện được tận dụng trên đường điện dùng trong sinh hoạt nên khi sử dụng thêm các thiết bị phục vụ SXKD có công suất cao như: đèn quảng cáo, dàn âm thanh công suất lớn… dẫn đến quá tải, rất dễ xảy ra chập cháy bất ngờ. Kèm theo đó là việc để hàng hóa bừa bãi chèn lên cả dây điện hoặc để gần khu vực cắm điện, nấu ăn nếu bất cẩn sẽ dễ làm ngọn lửa cháy lan, cháy lớn.
Hậu quả của các vụ cháy nhà vừa ở, vừa SXKD rất lớn, không chỉ gây cháy hàng hóa, tài sản, vật dụng trong nhà mà còn gây chết người. Chính vì vậy, không thể lơ là, xem nhẹ công tác phòng cháy đối với loại hình nhà vừa ở, vừa SXKD. Bởi lẽ, các căn nhà này thường ở đô thị, khu vực có dân cư đông đúc; nếu xảy ra cháy hậu quả sẽ khôn lường.
Vậy nên, điều quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân có nhà vừa ở, vừa SXKD về việc chú trọng hơn đối với công tác PCCC. Đặc biệt là việc cẩn trọng trong sử dụng nhiệt (nấu ăn, thắp nhang) và kỹ năng sử dụng điện an toàn, phòng ngừa chập cháy do điện quá tải hoặc hệ thống điện xuống cấp gây ra. Đồng thời, chủ nhà cần thiết kế lối thoát hiểm và trang bị các dụng cụ chữa cháy tại chỗ đề phòng xử lý tình huống khi không may xảy ra cháy. Song song đó, phải sắp xếp hàng hóa khoa học, gọn gàng; bố trí khu vực để hàng hóa dễ cháy nổ riêng; không để hàng hóa gần khu vực nấu ăn hoặc để đè lên dây điện, để sát ổ cắm điện, tránh tình trạng bén lửa hoặc điện chập cháy sẽ hết sức nguy hiểm.
Bên cạnh đó, công an các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện an toàn PCCC tại các căn nhà vừa ở, vừa SXKD; tập trung vào những cơ sở SXKD các mặt hàng dễ cháy, có nguy cơ gây cháy lan, cháy lớn cao như: gas, vải vóc, quần áo, nhà sách, văn phòng phẩm… Công tác kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các vi phạm; nâng cao ý thức PCCC cho người dân; hạn chế các vụ cháy gây hậu quả lớn; đảm bảo an toàn PCCC trong khu dân cư.
Đặng Ngọc