Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa trái ngon Đồng Nai ra thế giới

03:12, 02/12/2022

Bưởi, chôm chôm, chuối, mít, sầu riêng, thanh long, xoài, chanh dây là những mặt hàng trái cây chủ lực mà tỉnh Đồng Nai đưa vào kế hoạch cấp hàng chục mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu từ nay đến năm 2025.

Bưởi, chôm chôm, chuối, mít, sầu riêng, thanh long, xoài, chanh dây là những mặt hàng trái cây chủ lực mà tỉnh Đồng Nai đưa vào kế hoạch cấp hàng chục mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu từ nay đến năm 2025.

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại; truy xuất nguồn gốc nông sản. Để phát triển thị trường xuất khẩu, buộc các loại nông sản phải được cấp mã số vùng trồng và mã số đóng gói.

Những năm gần đây, Đồng Nai cùng một số địa phương trên cả nước trở nên khá nổi bật về trồng trọt, chế biến, xuất khẩu các loại trái cây. Diện tích nhiều loại trái cây chủ lực của Đồng Nai như: thanh long, xoài, bưởi cũng gia tăng nhanh theo nhu cầu thị trường.

Mặc dù vậy, ở nhiều thời điểm rộ mùa, đầu ra của nhiều loại trái cây vẫn rất bấp bênh, nhất là khi chỉ phụ thuộc vào việc tiêu thụ tại thị trường trong nước, hoặc chỉ có một đầu ra là thị trường Trung Quốc (xuất khẩu tiểu ngạch).

Để giải bài toán đầu ra cho trái cây, nhiều năm qua, Đồng Nai nói riêng, Bộ NN-PTNT và các tỉnh, thành khác nói chung đã có nhiều nỗ lực phát triển thị trường xuất khẩu, đưa trái ngon ra thế giới một cách bền vững hơn. Thông qua 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết, cánh cửa xuất khẩu trái cây nói riêng và xuất khẩu nông sản nói chung đang mở ra rộng rãi hơn bao giờ hết.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 120 vùng trồng nông sản với diện tích 24,2 ngàn ha được cấp mã số và 51 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu, chủ yếu đến các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, EU, Australia, New Zealand.

Trong năm 2022, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các địa phương thiết lập và quản lý các vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trong đó, thiết lập 5 vùng trồng chuối với diện tích trên 465ha và 7 vùng trồng sầu riêng với diện tích hơn 533ha. Hiện có 4 vùng trồng chuối đang chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt mã số. Bên cạnh đó, có 5 cơ sở đóng gói nông sản được GACC phê duyệt mã số, trong đó có 3 cơ sở đóng gói sầu riêng và 2 cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, còn có 19 cơ sở đóng gói chuối đang chờ GACC phê duyệt mã số.

Trong 11 tháng của năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn song kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn tăng trên 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 49 tỷ USD và nhiều nhóm hàng đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD. Với những nỗ lực mở cửa thị trường và củng cố sản xuất, cơ hội sẽ còn mở ra lớn hơn trong những năm tới. Vấn đề còn lại là nông dân, doanh nghiệp phải có sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả nhằm tăng nội lực. Cần hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước; trong đó, chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu trái ngon, đảm bảo xuất khẩu bền vững và đa dạng.              

Vi Lâm

Tin xem nhiều