Sau một năm nỗ lực phục hồi kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP của Đồng Nai đạt 9,22%, cao hơn mức trung bình cả nước. Nhiều chỉ tiêu quan trọng khác như: GRDP bình quân đầu người, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách… đều đạt và vượt mục tiêu nghị quyết Tỉnh ủy đề ra trong năm 2022.
Sau một năm nỗ lực phục hồi kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP của Đồng Nai đạt 9,22%, cao hơn mức trung bình cả nước. Nhiều chỉ tiêu quan trọng khác như: GRDP bình quân đầu người, kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách… đều đạt và vượt mục tiêu nghị quyết Tỉnh ủy đề ra trong năm 2022.
Từ những kết quả đáng phấn khởi đó, năm 2023, Đồng Nai tiếp tục đặt ra những mục tiêu cao hơn nhằm đưa kinh tế phát triển toàn diện, bền vững. Việc nhận diện rõ những thời cơ và thách thức giúp Đồng Nai lựa chọn giải pháp phù hợp để tăng tốc bứt phá trong năm 2023 - năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Theo đó, Đồng Nai đang đứng trước nhiều cơ hội khi hàng loạt dự án quan trọng cấp quốc gia, các dự án giao thông liên kết vùng trên địa bàn tỉnh được tập trung triển khai mang lại nhiều động lực, cơ hội thúc đẩy phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp là nền tảng quan trọng đối với quá trình phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Điều này đã được thử thách qua hơn 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành và đặc biệt là sau 1 năm tỉnh triển khai đồng loạt các giải pháp để phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của Đồng Nai cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro từ tình hình thế giới và trong nước khi doanh nghiệp gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, thiếu đơn hàng sản xuất, chi phí sản xuất, vận tải, logistics tăng, nguồn cung xăng dầu tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt cục bộ… Đặc biệt, vào những tháng cuối năm 2022, hàng trăm doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, doanh thu, giảm quy mô sản xuất nên đã phải cắt giảm hơn 22 ngàn lao động.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, muốn phát triển bền vững, Đồng Nai cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế. Thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế mới như: mô hình kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn… Chú trọng thu hút đầu tư có chọn lọc, lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất, dự án tốt nhất, ý tưởng tốt nhất; dự án có công nghệ tiên tiến, sử dụng lao động có hàm lượng chất xám cao, giá trị gia tăng cao, sử dụng quỹ đất ít và thân thiện với môi trường, đóng góp nhiều cho ngân sách tỉnh.
Việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế; tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và giao thông kết nối vùng trên địa bàn tỉnh là giải pháp quan trọng. Song song đó, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đảm bảo tầm nhìn dài hạn và hài hòa trong không gian phát triển kinh tế - xã hội của vùng, phát huy tối đa lợi thế so sánh của tỉnh và từng địa phương trong tỉnh.
Nắm chắc cơ hội, nhận diện rõ những khó khăn và thách thức là yếu tố quan trọng để Đồng Nai tự tin thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2023 sắp tới.
Nguyễn Phượng