Liên kết đào tạo nghề là hướng đi được xem là tất yếu của các trường nghề hiện nay nhằm giải quyết đầu ra, tạo sức hấp dẫn cho trường nghề, qua đó thu hút ngày càng đông đảo học viên theo học.
Liên kết đào tạo nghề là hướng đi được xem là tất yếu của các trường nghề hiện nay nhằm giải quyết đầu ra, tạo sức hấp dẫn cho trường nghề, qua đó thu hút ngày càng đông đảo học viên theo học.
Thực tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, đã và đang có một số trường nghề liên kết khá tốt với doanh nghiệp (DN) trong đào tạo nghề. Việc liên kết không đơn thuần chỉ là tìm kiếm nơi cho học viên thực tập, kiến tập như trước đây mà đã từng bước đi vào chiều sâu, ngày càng thực chất hơn. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và DN đã cùng làm việc để xây dựng chương trình đào tạo theo nhu cầu của DN và thị trường. Vì vậy mà không ít ngành nghề đã đón đầu được xu hướng của thị trường. Học viên học ở những trường này khi chưa ra trường đã nắm chắc “chân” làm việc tại nhiều DN lớn với mức thu nhập đáng mơ ước.
Tuy nhiên, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp làm được điều này chưa nhiều, dẫn đến hiệu quả liên kết chưa cao. Không ít trường nghề vẫn chưa có sự chủ động, linh hoạt trong việc tìm cơ hội hợp tác với DN, còn kén chọn đơn vị hợp tác. Chính vì vậy, đã và đang diễn ra tình trạng nhiều DN nhỏ và vừa muốn liên kết đào tạo nghề với cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng không được đón nhận nhiệt tình. Trong khi đó, số lượng DN nhỏ và vừa ở Đồng Nai khá lớn, tiềm năng phát triển rộng mở - là cơ hội lớn cho các học viên trường nghề.
Hay ở chiều ngược lại, nhiều DN vẫn chưa mấy mặn mà trong công tác liên kết với trường nghề do thiếu những chính sách, cơ chế hỗ trợ thiết thực. Hiện nay, dù đã có hành lang pháp lý và một số chính sách khuyến khích sự tham gia của DN trong đào tạo nghề nhưng trên thực tế DN vẫn mong chờ nhiều hơn thế nữa. Đó là những cam kết về ưu đãi, về quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể giữa DN và trường nghề để tạo ra sự liên kết lâu dài, bền vững.
Một số khảo sát gần đây cho thấy, chỉ có dưới 8% DN hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chủ yếu là hợp tác nhằm tuyển dụng lao động chứ chưa đi sâu vào xây dựng các chương trình đào tạo cụ thể. Đây là tỷ lệ rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn lao động có tay nghề cao để cung cấp cho các địa phương, nhất là những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, đông DN như Đồng Nai. Do đó, để tăng tỷ lệ DN liên kết với trường nghề, cần sự chủ động nhiều hơn giữa 2 bên một cách thực chất, có ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi rõ ràng.
Thúc đẩy đào tạo gắn với nhu cầu của DN là một yêu cầu bức thiết hiện nay nhằm hạn chế tình trạng cung và cầu không có sự gặp nhau, mỗi nơi nhìn về một hướng. Điều này đòi hỏi những đơn vị có trách nhiệm phải vào cuộc một cách quyết liệt để hình thành hành lang pháp lý tốt hơn cho sự phối hợp này.
Minh Ngọc