Theo dự báo, dịp Tết Nguyên đán năm nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp khá nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc duy trì việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động (NLĐ) thực sự là một thử thách không nhỏ đối với DN.
Theo dự báo, dịp Tết Nguyên đán năm nay, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp khá nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc duy trì việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động (NLĐ) thực sự là một thử thách không nhỏ đối với DN.
Từ nhiều tháng nay, do đơn hàng giảm mạnh, các DN phải sắp xếp lại sản xuất, cắt giảm giờ làm, cho NLĐ nghỉ phép luân phiên. Nhiều DN đã lên kế hoạch cho NLĐ nghỉ Tết Nguyên đán sớm và dài ngày hơn so với mọi năm. Điều này phù hợp với điều kiện thực tế của DN, đáp ứng nguyện vọng của NLĐ sau 2 năm không thể về quê đón Tết do dịch bệnh Covid-19, song vấn đề quan tâm là làm sao và làm như thế nào để đảm bảo cho quyền lợi của NLĐ, giữ chân được NLĐ sau kỳ nghỉ kéo dài.
Ghi nhận của Liên đoàn Lao động tỉnh cho thấy, đến thời điểm này, hầu hết các DN đều cố gắng duy trì các chế độ, chính sách dành cho NLĐ. Trong đó, dù DN có cắt giảm giờ làm, không tổ chức tăng ca nhưng vẫn giữ mức lương tối thiểu cho NLĐ cùng tiền chuyên cần, chế độ độc hại… theo đúng thỏa ước lao động tập thể đã ký kết từ đầu năm. Đặc biệt, dù khó khăn, hầu hết DN cùng tổ chức Công đoàn đều đã lên kế hoạch chăm lo Tết cho NLĐ với mục tiêu không để NLĐ nào không có Tết. Ngoài chế độ lương, thưởng cố gắng duy trì như mọi năm, tổ chức Công đoàn phối hợp với ban giám đốc các DN chuẩn bị các phần quà ý nghĩa, thiết thực để trao tặng cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn; chăm lo cho NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo… Các chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” cũng đang được chuẩn bị nhằm đem đến không khí vui tươi, ấm áp cho NLĐ dịp Tết đến, Xuân về.
Là tỉnh tập trung đông công nhân lao động, trong đó lao động ngoại tỉnh chiếm tỷ lệ lớn nên nhiệm vụ chăm lo cho NLĐ là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị, nhất là tổ chức Công đoàn các cấp. Do đó, hơn lúc nào hết, vào thời điểm này, khi DN và NLĐ đều gặp khó khăn, tổ chức Công đoàn cần sâu sát để kịp thời lắng nghe, chia sẻ với DN và NLĐ. Trong phạm vi, quyền hạn của mình, Công đoàn cần giữ vững vai trò cầu nối giữa DN và NLĐ để cùng thương lượng, đưa ra kế hoạch chăm lo Tết cho NLĐ một cách tốt nhất, trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Quan trọng nhất là kịp thời tuyên truyền, vận động để NLĐ cảm thông cùng những áp lực của DN, an tâm làm việc, tránh tình trạng ngừng việc tập thể xảy ra do không nắm rõ tình hình của DN nơi mình làm việc.
Với một năm nhiều khó khăn, NLĐ đang rất cần thêm những sự quan tâm để đón một cái Tết an vui, đầm ấm, đặc biệt là với những lao động xa quê…
Minh Ngọc