Báo Đồng Nai điện tử
En

Hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng

06:10, 15/10/2022

Chưa bao giờ thị trường xăng dầu lại có nhiều biến động như khoảng thời gian từ đầu năm 2022 đến nay. Dịch bệnh Covid-19 vừa tạm lui thì những căng thẳng, xung đột giữa Nga - Ukraine cũng gây ảnh hưởng lớn đến cung - cầu dầu mỏ, dẫn đến giá dầu thế giới tăng giảm bất thường, đảo chiều liên tục.

Chưa bao giờ thị trường xăng dầu lại có nhiều biến động như khoảng thời gian từ đầu năm 2022 đến nay. Dịch bệnh Covid-19 vừa tạm lui thì những căng thẳng, xung đột giữa Nga - Ukraine cũng gây ảnh hưởng lớn đến cung - cầu dầu mỏ, dẫn đến giá dầu thế giới tăng giảm bất thường, đảo chiều liên tục.

Là một trong số các quốc gia nhập khẩu xăng dầu lớn, thị trường trong nước cũng gánh chịu những tác động không nhỏ. Với gần 40 doanh nghiệp (DN) đầu mối được cấp phép nhập khẩu xăng dầu cùng 2 nhà máy lọc dầu, ở bối cảnh bình thường, gần như không bao giờ có chuyện thiếu nguồn cung. Tuy nhiên, khi giá dầu thế giới biến động mạnh trong một khoảng thời gian ngắn, chu kỳ điều hành giá lại khá dài (10-14 ngày) nên giá bán lẻ không được cập nhật kịp, dẫn đến nhiều DN đầu mối thua lỗ, giảm nhập khẩu xăng dầu.

Trong buổi làm việc mới đây với Bộ Công thương, Tổng giám đốc một DN đầu mối xăng dầu phía Nam lý giải, khi giá xăng dầu liên tục lao dốc trong suốt 4-5 kỳ điều hành, DN đầu mối nhập về toàn ở mức giá cao, mà các chi phí, phụ phí phát sinh không được tính đúng, tính đủ vào cơ cấu giá cơ sở dẫn tới thực tế càng nhập về càng lỗ, buộc phải giảm chiết khấu ở mức tối đa. Trong tháng 9 và 10-2022, mức chiết khấu tính trên 1 lít xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ thường xuyên duy trì ở mức 0 đồng hoặc thậm chí -50 đồng. Điều này khiến cho hệ thống đại lý, cửa hàng bên dưới không đủ sức để vận hành do phải bù lỗ nhiều tháng liên tiếp.

Trong bối cảnh nguồn cung ngày càng hạn hẹp, một số DN đầu mối cho biết việc đặt hàng gặp khó khăn khi nhiều đối tác cung ứng lớn phản hồi không ký hợp đồng vì đang dồn nguồn cho châu Âu. Còn nhập từ nhà máy lọc dầu trong nước cũng không dễ dàng, không phải muốn mua là có mà phải theo hợp đồng có sẵn nên khi thị trường có biến động là nguồn cung bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, nhiều ngân hàng siết room tín dụng khiến dòng tiền của nhiều DN trong ngành cũng không được dồi dào như trước. Tất cả đều gây ảnh hưởng lớn đến thị trường: nhiều cửa hàng không “gồng” nổi chi phí phải tìm cách tạm ngưng kinh doanh, thậm chí nếu chịu bán lỗ thì cũng không có hàng để bán, người tiêu dùng chịu “tâm lý đám đông”, đổ xô nhau đi mua xăng khiến khó chồng khó…

Thực tế, nguồn gốc của vấn đề nằm ở cách điều hành. Đó là, cần sớm kiểm soát các DN đầu mối, lắng nghe và gỡ khó cho họ, tính đúng và tính đủ các chi phí để DN có thể vận hành, tìm giải pháp để các cửa hàng bán lẻ có lãi hoặc ít nhất đủ chi phí vận hành vì không ai có thể “gánh lỗ” mãi… Những biện pháp như “kiểm tra, xử phạt, rút giấy phép… các cửa hàng ghim hàng” chỉ có tác dụng trong bối cảnh thị trường bình thường tương đối, còn với bối cảnh hiện tại thì DN cũng không có hàng để… “ghim”.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính sớm có giải pháp tháo gỡ nhanh, hiệu quả để thị trường xăng dầu hoạt động bình thường trở lại. Mong rằng các giải pháp sắp áp dụng sẽ mang tính căn cơ, tận gốc, hài hòa được lợi ích giữa các bên.

Vi Lâm

Tin xem nhiều