Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều clip ghi lại cảnh học sinh đánh nhau, thậm chí lột đồ của bạn khiến mọi người không khỏi xót xa, phẫn nộ. Chứng kiến những hình ảnh ấy, người xem đau một, phụ huynh có con bị đánh đau mười.
Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều clip ghi lại cảnh học sinh đánh nhau, thậm chí lột đồ của bạn khiến mọi người không khỏi xót xa, phẫn nộ. Chứng kiến những hình ảnh ấy, người xem đau một, phụ huynh có con bị đánh đau mười.
Cần phải nhắc lại rằng, tình trạng học sinh đánh nhau (hay bạo lực học đường) không phải là điều mới diễn ra ở môi trường sư phạm, mà nó đã xuất hiện từ lâu, diễn ra ở nhiều địa phương, cả ở những ngôi trường ở chốn thành thị lẫn thôn quê. Gần đây nhất là vụ việc xảy ra tại Trường THCS-THPT Tây Sơn (H.Định Quán).
Hậu quả từ các vụ bạo lực học đường xảy ra không chỉ ảnh hưởng đến học sinh mà có thể khiến phụ huynh lo lắng, bất an khi gửi con đến trường; trường học cũng bị ảnh hưởng khi mất đi ý nghĩa của môi trường giáo dục lành mạnh, trong sáng.
Thực tế, các nhà giáo dục, chuyên gia tâm lý, xã hội học, cơ quan chức năng cũng đã phân tích những nguyên nhân phát sinh tình trạng bạo lực học đường; những hậu quả từ thể chất đến tinh thần đối với học sinh do hành vi bạo lực học đường gây ra và các biện pháp phòng chống tình trạng bạo lực học đường cũng được các chuyên gia, cơ quan chức năng đề xuất, áp dụng.
Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường thỉnh thoảng vẫn xảy ra đối với học sinh của một ngôi trường nào đó. Điều đáng quan ngại là nhiều vụ học sinh đánh nhau xuất phát từ những lý do vụn vặt như: va chạm trong giờ học thể dục, nói xấu nhau trên mạng xã hội, hay chỉ vì “thấy ghét” một bạn nào đó…
Thực tế thì các vụ học sinh đánh nhau được quay clip rồi tung lên mạng xã hội thường xảy ra bên ngoài trường học, ở những nơi vắng người do nhóm đánh bạn thường chủ động chọn địa điểm chặn đánh bạn. Nhiều vụ chỉ được phát hiện sau khi sự việc xảy ra vài ngày, một tuần hay gần cả tháng. Do đó, việc phát hiện và can thiệp kịp thời để hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả của hành vi này từ phía nhà trường, giáo viên hay những người lớn chứng kiến sự việc xảy ra là rất hiếm hoi.
Môi trường sư phạm không chỉ là nơi đào tạo kiến thức cho học sinh mà còn là nơi giáo dục, góp phần hình thành đạo đức, nhân cách con người. Trong quá trình đó, tất nhiên rất cần có sự phối hợp của gia đình, cơ quan chức năng và cả cộng đồng xã hội. Vì vậy, để hạn chế tình trạng bạo lực học đường xảy ra, từ gia đình đến nhà trường, các cơ quan chức năng và cả cộng đồng xã hội phải tăng cường trách nhiệm trong ngăn chặn kịp thời những sự việc đáng tiếc xảy ra, tạo môi trường học tập và các sân chơi trong sáng và lành mạnh cho học sinh; hướng các em tham gia vào các hoạt động tình nguyện mà nhà trường tổ chức nhằm tăng tính thiện ở các em; trang bị cho học sinh nhiều kỹ năng sống để “phòng vệ” trước những cái xấu, cái ác…
Điều đáng mừng là ngay đầu năm học này, Sở GD-ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong tỉnh triển khai nhiều nội dung liên quan đến giáo dục chính trị tư tưởng, pháp luật và đạo đức cho học sinh. Trong các hoạt động này có hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, xây dựng trường học an toàn, hỗ trợ tư vấn tâm lý, kỹ năng sống, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em và kỹ năng sử dụng mạng xã hội…
Hy vọng với sự chủ động của ngành Giáo dục tỉnh sẽ xây dựng được môi trường học tập thân thiện, lành mạnh, học sinh tích cực, qua đó góp phần đẩy lùi bạo lực ra khỏi môi trường học đường.
Phạm Mai