Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ bạo hành, tai nạn thương tích, đuối nước... mà nạn nhân là trẻ em gây rúng động xã hội.
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ bạo hành, tai nạn thương tích, đuối nước... mà nạn nhân là trẻ em gây rúng động xã hội. Ngay ở Đồng Nai, mới đây nhất, 3 học sinh tử vong tại một hố nước sâu ở khu vực lò gạch thuộc ấp 3, xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc. Các em rủ nhau đi chơi sau giờ học và mãi mãi không trở về do tai nạn đuối nước đau lòng. Trước đó, ở một số địa phương trong tỉnh cũng xảy ra vài trường hợp đáng tiếc tương tự.
Trẻ em là tương lai của đất nước. Chăm sóc và bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ hết sức quan trọng được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Điều này thể hiện ở việc Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á, nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền trẻ em vào ngày 20-2-1990; đồng thời, ban hành rất nhiều chính sách, quy định liên quan đến việc thực hiện quyền trẻ em; chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Nhiều chính sách thiết thực đã đến được với trẻ em, nhất là với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh gia đình khó khăn với mục tiêu tất cả trẻ em đều được chăm sóc và bảo vệ tốt nhất.
Trong 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, trẻ em là đối tượng chịu tác động khá nặng nề khi một thời gian không được đến trường học trực tiếp mà phải học online. Không ít em vì hoàn cảnh gia đình đã không thể trang bị máy tính hay điện thoại thông minh để học tập. Những chương trình trợ giúp thiết thực như Sóng và máy tính cho em đã kịp thời đến với hàng ngàn trường hợp như thế, giúp các em không thiệt thòi khi được tham gia học tập trực tuyến như bạn bè cùng trang lứa. Hay sau đại dịch, nhiều em đã và đang được trợ giúp về tâm lý để hòa nhập với cuộc sống; mạnh dạn giãi bày tâm tư của mình, tự tin hơn…
Tuy nhiên, trẻ em cũng đang đứng trước khá nhiều nguy cơ rình rập, đe dọa đến tính mạng và sự phát triển. Những vụ xâm hại, tấn công tình dục, bạo hành gia đình, tai nạn thương tích, nhất là đuối nước liên tục xảy ra khiến xã hội lo ngại về sự an toàn của trẻ. Đáng buồn là có những em dù bị bạo hành nhiều lần, trong một thời gian dài nhưng không dám chia sẻ với ai, ngay cả với người thân của mình. Nhiều gia đình vì cha mẹ bận rộn, không có thời gian gần gũi, quan tâm đến con, khi con vướng vào tệ nạn xã hội mới giật mình ân hận thì tất cả đã muộn màng. Có em bị chính gia đình của mình ngược đãi mà không biết làm sao để bảo vệ mình… Điều này một lần nữa đặt ra câu hỏi, các ngành, đơn vị, tổ chức có chức năng đã làm hết trách nhiệm của mình trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em hay chưa?
Ngày quốc tế Thiếu nhi 1-6 nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm và nghĩa vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em, để tất cả các em đều hạnh phúc vì được yêu thương.
M.N