Biên Hòa hiện là một trong những thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất nước. Hiện dân số TP.Biên Hòa đã lên đến hơn 1,1 triệu người (số liệu điều tra chính thức từ năm 2019, còn theo ước tính, hiện dân số TP.Biên Hòa đã vượt mức 1,25 triệu người).
Biên Hòa hiện là một trong những thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất nước. Hiện dân số TP.Biên Hòa đã lên đến hơn 1,1 triệu người (số liệu điều tra chính thức từ năm 2019, còn theo ước tính, hiện dân số TP.Biên Hòa đã vượt mức 1,25 triệu người). Mỗi năm, lượng người dân di cư từ các địa phương trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh đến làm việc và sinh sống tại TP.Biên Hòa không ngừng tăng lên, khiến đô thị này được đánh giá là một trong những đô thị có tốc độ đô thị hóa “nóng” vào bậc nhất các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong thành phố có nhiều phường được mệnh danh là “siêu” phường như: Trảng Dài, Long Bình với dân số lên đến 120-130 ngàn người mỗi phường.
Tốc độ đô thị hóa của TP.Biên Hòa được dự đoán sẽ vẫn tăng nóng trong tương lai gần, khi tỉnh Đồng Nai đang trên đà thu hút đầu tư mạnh mẽ vào tỉnh thông qua hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn đang được triển khai.
Tất cả những yếu tố kể trên đã đặt một gánh nặng lớn cho TP.Biên Hòa trong việc tìm cách tìm kiếm, huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng nhằm “chạy theo” tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng dân số hằng năm.
Nhưng ngay cả việc “chạy theo” cũng không dễ dàng khi triển khai một dự án hạ tầng đòi hỏi nhiều năm, trong khi dân số lại liên tục tăng nhanh theo từng năm và không ít công trình, dự án khi hoàn thành lại tiếp tục lâm vào tình trạng quá tải.
Để dần thoát khỏi thực trạng “hạ tầng chạy theo dân số”, nhiều kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, không chỉ riêng TP.Biên Hòa mà đô thị nào cũng cần tính toán phương án “hạ tầng đi trước”, thậm chí phải tính trước nhiều năm với dự báo căn cơ khoa học.
Hiện nay, do sự quá tải về dân số tại các phường nội đô, đô thị Biên Hòa đang được quy hoạch để mở rộng về phía Nam nhằm thực hiện việc giãn dân cho khu vực đô thị trung tâm. Theo đó, đô thị Biên Hòa sẽ phát triển cấu trúc chuỗi đô thị đa trung tâm về phía Nam, đô thị Biên Hòa sẽ có 2 khu vực đô thị chính gồm khu vực đô thị Biên Hòa truyền thống (phía Bắc đô thị Biên Hòa) và khu vực đô thị mới Nam Biên Hòa (phạm vi phía Nam đô thị Biên Hòa gồm các phường: An Hòa, Phước Tân, Tam Phước và xã Long Hưng).
Tuy nhiên, để tránh tái diễn bài học phát triển đô thị theo kiểu hạ tầng đô thị phải chạy theo quá trình đô thị hóa như hiện nay, việc mở rộng, phát triển đô thị Biên Hòa về phía Nam cần có sự quy hoạch cụ thể, trong đó phải đảm bảo được yếu tố “hạ tầng đi trước”. Điều này có nghĩa là quy hoạch cần được tính toán trước nhiều năm, tính toán số dân, tính toán nguồn lực… Song song đó, cần thúc đẩy các dự án hạ tầng mang tính nền tảng và nhất là kiên quyết kiểm soát quy hoạch, không để tái diễn tình trạng Nhà nước phải “hợp thức hóa” nhiều khu vực dân cư tự phát sau nhiều năm buông lỏng (P.Trảng Dài là một ví dụ), bởi khi phát triển tự phát thì sẽ rất khó để chỉnh sửa, quy hoạch lại sau này. Chính vì vậy, dù nhiều thách thức, hạ tầng vẫn cần đi trước thì áp lực đô thị hóa mới nhẹ dần và không tạo một sức ép quá lớn lên sự vận hành đô thị.
K.N