Khi một bộ luật đi vào thực tiễn cuộc sống, theo thời gian, sẽ có những điểm không còn phù hợp với những biến đổi về kinh tế, xã hội, môi trường (vốn dĩ có sự linh hoạt cao và nhiều thay đổi). Hoặc cũng có trường hợp các luật khi xây dựng được làm riêng lẻ, thiếu sự nghiên cứu, tham khảo lẫn nhau nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những điểm "vênh" khi ứng dụng vào thực tế.
Khi một bộ luật đi vào thực tiễn cuộc sống, theo thời gian, sẽ có những điểm không còn phù hợp với những biến đổi về kinh tế, xã hội, môi trường (vốn dĩ có sự linh hoạt cao và nhiều thay đổi). Hoặc cũng có trường hợp các luật khi xây dựng được làm riêng lẻ, thiếu sự nghiên cứu, tham khảo lẫn nhau nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những điểm “vênh” khi ứng dụng vào thực tế.
Cả hai vấn đề này vẫn đang là thực trạng tồn tại hiện nay trên nhiều lĩnh vực cuộc sống, đòi hỏi sửa đổi, bổ sung, nghiên cứu liên tục, nếu không sẽ có những quy định pháp luật trở thành rào cản cho sự phát triển của xã hội và đất nước.
Riêng với mảng phát triển kinh tế nói chung, có những quy định trong các bộ luật quan trọng như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng…, bộc lộ những điểm bất cập, một số quy định giữa các luật này với luật khác “vênh” nhau đang gây khó khăn cho nhiều dự án không chỉ của riêng Đồng Nai mà ở nhiều địa phương khác trên cả nước, cần được bổ sung, chỉnh sửa. Chưa kể, vẫn còn những quy định trong một số luật mà các địa phương khó lòng đáp ứng. Đơn cử một ví dụ, dự án Khu công nghiệp Cẩm Mỹ đã được đưa vào quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Tại Điểm a, Khoản 3, Điều 33 Luật Đầu tư năm 2020 quy định nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư phải đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Nhưng đến nay, quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh vẫn chưa được phê duyệt, nên dự án chưa thể thực hiện được.
Thực tế, việc kéo dài dự án là điều không địa phương hay nhà đầu tư nào mong muốn, bởi các hệ lụy đi kèm rất lớn. Chỉ riêng việc giá đất tăng mạnh, chi phí lên theo từng năm thì việc chậm trễ, kéo dài này gây nhiều mệt mỏi, tốn kém cho tất cả các bên: chính quyền, doanh nghiệp, người dân (những người thụ hưởng hoặc có liên quan quyền lợi đến dự án nói chung). Thủ tục kéo dài, độ “vênh” giữa các luật, giữa các quy định cũng là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ nhiều dự án “muốn nhanh cũng không nhanh được”.
Về nguyên tắc, với những vướng mắc này, các địa phương chỉ có thể kiến nghị các bộ, Chính phủ và chờ đợi các thay đổi theo đúng quy trình. Thời gian qua, Đồng Nai và nhiều địa phương khác cũng đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể với các dự án chuyển tiếp trước đây đã thực hiện dở dang theo Luật Đầu tư cũ. Đồng thời, tùy vào từng lĩnh vực, cũng đề xuất Chính phủ phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong giải quyết những vướng mắc của dự án để giảm thời gian chờ đợi, đi lại cho nhà đầu tư. Dù tất cả những vướng mắc không thể được giải quyết trong một sớm một chiều, song rõ ràng đây cũng là một trong những cách tỉnh thực hiện phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp” một cách xuyên suốt và nhất quán.
Vi Lâm