Những ngày này, ngay khi giao tranh giữa Nga và Ukraine vẫn đang căng thẳng, đẩy giá dầu lên cao thì trong nước, dịch bệnh Covid-19 với biến chủng mới Omicron đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại, một số địa phương đã bắt đầu tái áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch khắt khe hơn sau nhiều tháng dài nới lỏng.
Những ngày này, ngay khi giao tranh giữa Nga và Ukraine vẫn đang căng thẳng, đẩy giá dầu lên cao thì trong nước, dịch bệnh Covid-19 với biến chủng mới Omicron đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại, một số địa phương đã bắt đầu tái áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch khắt khe hơn sau nhiều tháng dài nới lỏng.
Tất cả đều có tác động đến nỗ lực phục hồi kinh tế nhằm “lấy lại những gì đã mất” do tác động của đại dịch Covid-19 mà Chính phủ, doanh nghiệp, người dân đang rất quan tâm. Có thể nói, các yếu tố đang diễn ra trong và ngoài nước đặt ra những khó khăn, thách thức đáng kể cho công cuộc phục hồi này. Đơn cử, giá dầu thế giới tăng cao dưới ảnh hưởng của chiến tranh và dịch bệnh đã kéo theo giá xăng dầu, giá gas, giá thép… cùng nhiều mặt hàng cơ bản trọng yếu khác tăng giá cao chưa từng thấy. Điều này làm chi phí sản xuất, kinh doanh tăng lên, đồng lời của doanh nghiệp hẹp lại; đồng thời, rất khó tiên liệu, hoạch định những kế hoạch phát triển lâu dài trong bối cảnh thị trường có quá nhiều biến động.
Mặc dù vậy, Chính phủ cũng đã xác định cả nước phải dồn lực cho mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi tốt sản xuất, kinh doanh. Hai kịch bản được đưa ra là: nếu Việt Nam thực hiện tốt chương trình phòng, chống dịch Covid-19 để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, GDP có thể tăng trưởng 6,5-7%; trong trường hợp Việt Nam phòng, chống dịch chưa hiệu quả, chậm triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thì GDP có thể chỉ tăng 5-5,5%. Cả hai kịch bản tăng trưởng này đều cần đến nỗ lực đáng kể, bởi GDP cả nước năm 2021 chỉ đạt mức tăng trưởng 2,58%.
Ở tầm quốc gia, một loạt các chính sách hỗ trợ mang tính nền tảng đã được triển khai như: giảm thuế, giãn nợ, hạ lãi suất, kích thích sức mua, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công… và cộng đồng doanh nghiệp lẫn các địa phương đang rất mong chờ những chính sách này áp vào thực tế một cách hiệu quả.
Trên khía cạnh địa phương, là một trong nhóm các tỉnh, thành có đóng góp lớn về thu ngân sách và kinh tế phát triển năng động, trong năm 2022, Đồng Nai đưa ra 6 chỉ tiêu chính trên lĩnh vực kinh tế là: cải thiện tăng trưởng GRDP, tăng thu nhập bình quân đầu người, tăng trưởng xuất khẩu, tăng thu hút nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, tăng thu ngân sách và tiếp tục đạt nhiều thành quả về xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tất cả những chỉ tiêu trọng yếu này đang được tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện ngay từ đầu năm bằng các giải pháp tổng thể, tránh rơi vào tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. Kỳ vọng lớn nhất vẫn là các dự án trọng điểm quy mô lớn đang triển khai trên địa bàn sẽ tạo ra những động lực “kéo” các lĩnh vực phát triển sôi động theo. Vấn đề lớn phải quan tâm chính là nội lực của địa phương, từ nguồn lực con người đến phương pháp triển khai các chính sách đều cần nhanh, mạnh mẽ và hiệu quả.
Với góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, quan điểm chung được chia sẻ phổ biến nhất vẫn là thị trường có khó khăn, song luôn tồn tại cơ hội phát triển, cốt yếu vẫn là phải vững tay chèo trong sóng cả, nâng cao nội lực cốt lõi, nâng cao sức cạnh tranh để tự tin hơn trên thị trường thế giới vì việc thế giới có nhiều biến động đã trở nên quen thuộc trong thời đại ngày nay.
Vi Lâm