Báo Đồng Nai điện tử
En

Mở lối cho xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

10:03, 13/03/2022

Chăn nuôi là ngành phát triển mạnh mẽ vào bậc nhất trong nhiều năm qua tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng, trong đó có sự tham gia sâu của các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài

Chăn nuôi là ngành phát triển mạnh mẽ vào bậc nhất trong nhiều năm qua tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng.  Trong đó, sự tham gia sâu của các tập đoàn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn (CP, Japfa, Emivest...) từ vài chục năm nay đã góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi tại Việt Nam từ quy mô nhỏ lẻ, manh mún dạng nông hộ sang chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn theo mô hình trang trại hiện đại.

Xu hướng này gần đây còn thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có vốn trong nước tham gia (Masan, Hoàng Anh Gia Lai, T&T, Hòa Phát, Dabaco…), không chỉ với các sản phẩm đầu ra (thịt) mà còn tham gia từ đầu trong việc xây dựng chuỗi giá trị khép kín gồm chăn nuôi - thức ăn chăn nuôi - thuốc thú y - thực phẩm chế biến. Tính đến nay, tổng đàn gia cầm của cả nước đã đạt 523 triệu con, tổng đàn heo đạt 28 triệu con và đàn gia súc ăn cỏ đạt trên 12 triệu con. Riêng Đồng Nai, năm 2021, ngành chăn nuôi của tỉnh chiếm tỉ trọng cao nhất trong giá trị sản xuất nông nghiệp (gần 62%) với 2 loại vật nuôi chủ lực là heo và gà. Hiện tổng đàn heo 2,14 triệu con và đàn gia cầm đạt 24,54 triệu con.

Tuy nhiên, sản phẩm từ chăn nuôi làm ra chủ yếu vẫn tiêu thụ nội địa, cung cấp cho một số công ty chế biến thực phẩm và xuất khẩu thô sang Trung Quốc. Tiềm năng lớn, song kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của nhóm sản phẩm chăn nuôi chỉ đạt 440 triệu USD (chủ yếu là sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt gà, thịt heo…), trong khi nhập khẩu lại lên đến gần 3 tỷ USD. Tại Đồng Nai, mặc dù tiên phong về chăn nuôi trang trại với nhiều nơi áp dụng công nghệ cao, song xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra các quốc gia “khó tính” vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng.

Một thực tế là sản phẩm chăn nuôi Việt Nam vẫn còn nhiều điểm nghẽn chưa tháo gỡ được khi muốn gia nhập các thị trường khó tính. Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, do còn thiếu các cơ sở an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) nói chung và các nước nhập khẩu nói riêng nên chưa có nhiều thị trường xuất khẩu và diện mặt hàng chăn nuôi xuất khẩu được mở cửa. Các quốc gia như Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… đều có những yêu cầu, ràng buộc hết sức khắt khe đối với các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ các quốc gia khác, đặc biệt là về an toàn dịch bệnh.

Chính vì vậy, càng đẩy nhanh việc hình thành, xây dựng, kiểm soát, chứng nhận các vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, cơ hội càng sớm mở ra cho nông dân và doanh nghiệp.

Đồng Nai cũng là tỉnh thuộc tốp đầu cả nước trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Trong năm 2021, toàn tỉnh duy trì 7 vùng an toàn dịch bệnh và xây dựng 84 trại chăn nuôi heo an toàn với bệnh dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, cũng như cả nước, con số này chưa đủ thuyết phục so với mong muốn đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững, phát triển mạnh việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi xứng với tiềm năng. Do đó, cần phải sớm tạo động lực, hỗ trợ về chính sách và có lộ trình bài bản để tiếp tục “mở lối” cho sản phẩm chăn nuôi rộng đường hơn trong tiêu thụ, cả trong nước lẫn xuất khẩu.               

Vi Lâm

Tin xem nhiều