Điểm sơ thị trường, chỉ trong vài tháng, giá sắt, thép xây dựng liên tục tăng từ 15-20%, xi măng tăng 5-7 ngàn đồng/bao, tương đương khoảng 8-10% và đang dự kiến tăng thêm trước những biến động của giá xăng dầu, cước vận tải…
Điểm sơ thị trường, chỉ trong vài tháng, giá sắt, thép xây dựng liên tục tăng từ 15-20%, xi măng tăng 5-7 ngàn đồng/bao, tương đương khoảng 8-10% và đang dự kiến tăng thêm trước những biến động của giá xăng dầu, cước vận tải… Giá sắt, thép, xi măng tăng cao kéo theo nhiều loại vật tư xây dựng khác cũng theo đà tăng, thậm chí nhiều vật tư, vật liệu còn tăng giá theo từng tuần. Đơn cử, giá các loại nhôm kính tăng 15-20%, ống nước cũng tăng 5-10%, dây điện tăng 20%, gạch xây dựng tăng khoảng 15%, gạch men tăng 10-15%…
Hoạt động xây dựng dân dụng, nhà cửa “hồi hộp” trước tình hình thị trường vật liệu xây dựng liên tục biến động, giá nhiều loại vật tư, vật liệu tăng cao trong thời gian qua |
Hiện tại, cả 2 mảng xây dựng dân dụng và mảng các công trình, dự án lớn (vốn ngân sách hoặc công - tư kết hợp) đều đang gánh chịu nhiều hệ lụy từ việc tăng giá. Vật liệu xây dựng là đầu vào quyết định phần lớn chi phí nên nhiều chủ đầu tư, chủ thầu, người dân, doanh nghiệp đang kêu trời vì chưa có giải pháp khả thi nào trong thời điểm lạm phát tăng mạnh ở các mặt hàng.
Với mảng xây dựng dân dụng, nhiều người dân, doanh nghiệp đang thắt lưng buộc bụng, cố gắng quản lý chi phí, đổi sang các loại vật liệu rẻ tiền hơn. Đơn giá xây nhà tăng mạnh cũng góp phần làm giá bất động sản nhà ở tăng cao, nhất là khu vực đô thị. Điều này dẫn đến các hệ lụy lâu dài về xã hội khi cơ hội mua nhà của người dân hẹp hơn, đặc biệt với những người lao động nhập cư và người thu nhập thấp.
Riêng mảng xây dựng công trình, dự án, việc giá vật liệu xây dựng leo thang có thể làm chậm đà phát triển và phục hồi kinh tế. Với đà tăng quá nhanh và mạnh, khó có dự án nào kịp xin điều chỉnh, chi phí tăng cao bất ngờ khiến nhiều nhà thầu lẫn chủ đầu tư trở tay không kịp và nguy cơ chậm tiến độ, chậm đưa công trình vào sử dụng là điều dễ dàng xảy ra. Với những địa phương đang thực hiện hàng loạt dự án lớn như Đồng Nai (đặc biệt là các dự án đầu tư công), càng cần sớm tính toán cách làm, giải pháp để ứng phó bởi giá tăng là một trong những nguyên nhân chính khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư chậm hơn so với yêu cầu và tiến độ chung của dự án có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Trên thực tế, tìm ra giải pháp cho việc này là bài toán khó. Do đó, các bộ, ngành, hiệp hội cũng đang tìm mọi cách để giảm phần nào đà tăng vật liệu xây dựng, cơ cấu lại chi phí, linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh đơn giá để làm giảm phần nào hệ lụy đến từ các cơn “bão giá” thị trường.
Vi Lâm