Gần 10 ngàn cơ sở công nghiệp nông thôn là con số khá lớn, bởi Đồng Nai là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của các ngành sản xuất công nghiệp. Bên cạnh các doanh nghiệp (DN) lớn ở các khu, cụm công nghiệp thì các cơ sở sản xuất công nghiệp dân doanh, nhỏ lẻ cũng góp phần phục vụ nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân.
Gần 10 ngàn cơ sở công nghiệp nông thôn là con số khá lớn, bởi Đồng Nai là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của các ngành sản xuất công nghiệp. Bên cạnh các doanh nghiệp (DN) lớn ở các khu, cụm công nghiệp thì các cơ sở sản xuất công nghiệp dân doanh, nhỏ lẻ cũng góp phần phục vụ nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân. Để khuyến khích, hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn, từ năm 2010 đến nay, Đồng Nai đã tổ chức trao giải thưởng Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh cho 193 sản phẩm. Trong số 193 sản phẩm ấy, có 21 sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực và 7 sản phẩm được Bộ Công thương công nhận ở cấp quốc gia.
Con số này thoạt nhìn qua có vẻ khá nhiều nhưng nếu so với gần 10 ngàn cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh thì lại rất khiêm tốn. Là đơn vị được giao nhiệm vụ chính triển khai chương trình, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai (thuộc Sở Công thương) nhận định, giải thưởng này chưa thu hút được sự quan tâm đúng mức.
Một phần nguyên nhân cũng bởi ngay từ chính các địa phương không có sự phối hợp đồng bộ, bởi chỉ riêng ngành Công thương triển khai, thực hiện, khuyến khích… là không đủ. Chính quyền, cơ quan quản lý ở địa phương mới là nơi gần gũi nhất với DN, cơ sở sản xuất để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các DN, chủ cơ sở cũng như tiềm năng các sản phẩm trên địa bàn, từ đó mới có định hướng phát triển đúng đắn, kịp thời. Đồng Nai có 11 địa phương nhưng năm 2020 có 8 địa phương, năm 2021 chỉ còn có 6 địa phương tham gia chương trình đã nói lên sự bất cập ngay từ khi tổ chức ban đầu.
Đối với các DN, quả thực thông tin về chương trình này còn rất ít. DN, cơ sở sản xuất chỉ tập trung lo phát triển sản phẩm mà chưa chú trọng lắm đến hình thức quảng bá thông qua các cuộc thi. Địa phương chưa hào hứng thì việc vận động DN tham gia lại càng khó.
Bởi vậy, để một chương trình vinh danh được các cơ sở sản xuất, DN tích cực hưởng ứng, cần sự đổi mới sau khi đã đi qua được chặng đường hơn 10 năm. Thay đổi cần bắt đầu từ sự chủ động ban đầu của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương đến nhận thức của các DN, cơ sở sản xuất. Theo sau đó là sự đồng bộ chính sách hỗ trợ, từ đào tạo đến tư vấn, xúc tiến thương mại, đổi mới công nghệ… để sau chứng nhận, DN đi vào thực chất, phát triển bền vững và khai thác tốt tiềm năng sẵn có.
Vi Lâm