Ngày 18-2, tại hội nghị trực tuyến giao ban tình hình triển khai các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Bộ GT-VT cho hay, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc thi công các dự án thành phần là thiếu nguồn vật liệu xây dựng, đặc biệt là nguồn đất đắp nền đường.
Ngày 18-2, tại hội nghị trực tuyến giao ban tình hình triển khai các dự án thành phần trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Bộ GT-VT cho hay, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc thi công các dự án thành phần là thiếu nguồn vật liệu xây dựng, đặc biệt là nguồn đất đắp nền đường. Theo đó, tính đến tháng 2-2022, các dự án thành phần vẫn còn thiếu khoảng 15 triệu m3 vật liệu san lấp. Dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là một trong những dự án thành phần thuộc dự án Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đi qua địa bàn 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai.
Đối với đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh, trước khi được giải quyết nhu cầu về nguồn vật liệu san lấp vào cuối tháng 1 vừa qua, dự án này đã rơi vào tình cảnh “điêu đứng” vì thiếu nguồn đất đắp nền đường.
Đã từng có thời điểm, các nhà thầu thi công dự án phải chạy đôn, chạy đáo để đi mua từng xe đất với giá cao phục vụ thi công nhưng vẫn tìm không ra nguồn cung cấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tiến độ chung của dự án này bị chậm hơn so với kế hoạch đề ra ban đầu.
Trên thực tế, câu chuyện thiếu nguồn vật liệu san lấp mà ở đây chủ yếu là nguồn đất san lấp lại không nằm ở chỗ thiếu nguồn cung. Bởi các dự án khi được triển khai đều đã được tính toán nguồn cung vật liệu theo quy hoạch của từng địa phương nơi dự án được triển khai thực hiện. Việc thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp chủ yếu nằm ở quy trình cấp phép khai thác để các mỏ vật liệu này từ quy hoạch được đưa vào khai thác cung cấp cho công trình.
Dù Chính phủ đã có liên tiếp các nghị quyết về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông nhưng quá trình hoàn thiện các thủ tục vẫn vô cùng phức tạp. Một phần nguyên nhân đến từ việc các thủ tục này chịu sự điều chỉnh của rất nhiều quy định của pháp luật.
Đối với Đồng Nai, giai đoạn 2021-2025 được xem là giai đoạn đột phá về xây dựng hạ tầng giao thông phục vụ phát triển. Hàng loạt dự án giao thông quan trọng như các dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Dầu Giây - Liên Khương; đường vành đai 3,4 - TP.HCM cũng như các tuyến giao thông quan trọng của tỉnh kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được triển khai thực hiện trong giai đoạn này. Chính vì vậy, tình trạng thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp như đã từng xảy ra với dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là “bài học” cần rút kinh nghiệm sớm và tránh tái diễn.
Để làm được điều này, bên cạnh việc rà soát, bổ sung vào quy hoạch nhằm đảm bảo đủ nguồn cung vật liệu thì cũng cần có một quy trình cứng về cấp phép khai thác. Từ đó, các nhà thầu có “biểu mẫu” sẵn để thực hiện nhằm rút ngắn tối đa thời gian.
Các dự án giao thông trọng điểm sẽ có tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Dự án hoàn thành càng sớm, hiệu quả kinh tế mang lại sẽ càng cao. Do đó, việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phục vụ thi công các dự án, trong đó có việc chủ động nguồn cung về vật liệu san lấp là rất quan trọng. Bởi, các dự án sẽ rất khó để rút ngắn tiến độ, hoàn thành sớm khi các nhà thầu phải loay hoay, “giật gấu vá vai” vì thiếu nguồn cung vật liệu.
Vi Lâm