Việc Quốc hội thông qua gói hỗ trợ kinh tế trị giá gần 350 ngàn tỷ đồng vào ngày 30-1 là một trong những thông tin được quan tâm nhất trong kỳ nghỉ Tết vừa qua.
Việc Quốc hội thông qua gói hỗ trợ kinh tế trị giá gần 350 ngàn tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD) vào ngày 30-1 là một trong những thông tin được quan tâm nhất trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua. Đây là gói hỗ trợ kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, nhằm khôi phục nhanh chuỗi sản xuất thời kỳ “hậu Covid-19”, đồng thời tạo sức bật tăng trưởng cho nền kinh tế.
Năm 2021, dưới những tác động tiêu cực của đại dịch, tăng trưởng kinh tế cả nước chỉ đạt 2,58% - mức thấp nhất trong nhiều năm nay. Chính phủ kỳ vọng gói hỗ trợ kinh tế lần này sẽ góp phần vực dậy nhiều ngành kinh tế cốt cán và đưa tăng trưởng GDP cả nước lên lại mức 6,5-7%/năm.
Về cấu trúc, gói hỗ trợ lần này vẫn chọn chính sách tài khóa là trụ cột, thể hiện qua việc nguồn lực hỗ trợ chủ yếu đều nằm trong các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn thuế, đầu tư phát triển, giải quyết việc làm. Còn lại là các gói hỗ trợ tiền tệ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay…
Đơn cử, thuế giá trị gia tăng đã giảm ngay từ 10% xuống còn 8% và nhận được nhiều đồng thuận từ người tiêu dùng. Với cộng đồng doanh nghiệp (DN), họ đang kỳ vọng vào gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2%/năm cho DN, hộ kinh doanh với tổng quy mô ước tính khoảng 40 ngàn tỷ đồng (gần 2 tỷ USD) thông qua các ngân hàng thương mại. Tuy chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng dòng vốn giá rẻ này được kỳ vọng sẽ tiếp sức cho DN phục hồi. Ngoài ra, nghị quyết của Quốc hội cũng đặt ra định hướng hệ thống ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuống thêm 0,5-1%/năm để hỗ trợ thêm cho DN trong bài toán lâu dài.
Thực tế, việc thiết kế một gói hỗ trợ kinh tế có sức nặng như trên là không hề đơn giản. Nếu gói hỗ trợ kinh tế “đi không đúng địa chỉ” (nghĩa là dòng vốn chảy vào các lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế như: sản xuất, xuất khẩu, hỗ trợ kích cầu…) mà lại “đi” vào các lĩnh vực rủi ro cao như: chứng khoán, bất động sản… thì không những mục tiêu vực dậy tăng trưởng khó đạt mà còn gây ra nhiều hệ lụy đáng ngại hơn. Quy mô lớn đồng nghĩa với việc theo dõi, rà soát để các chính sách hỗ trợ tìm đến đúng đối tượng phải được làm nghiêm túc; nếu không, nền kinh tế có thể phải đối diện với rủi ro về nợ công, lạm phát…
Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước lẫn quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, việc Quốc hội quyết định thông qua gói hỗ trợ này có ý nghĩa hết sức lớn lao, chứng tỏ cả Quốc hội lẫn Chính phủ rất chia sẻ với khó khăn của cộng đồng DN và đang tập trung mọi nguồn lực cho phục hồi kinh tế, đưa Việt Nam quay lại đà tăng trưởng để phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.
Vi Lâm