2021 là năm các nhà thầu xây dựng chứng kiến những đợt tăng giá của mặt hàng thép, kéo theo giá nhiều loại vật liệu xây dựng khác tăng theo.
2021 là năm các nhà thầu xây dựng chứng kiến những đợt tăng giá của mặt hàng thép, kéo theo giá nhiều loại vật liệu xây dựng khác tăng theo. Chỉ trong hơn 1 tháng qua, tính từ khi các công trường xây dựng tái khởi động sau giãn cách xã hội, giá thép đã tăng đến 3 lần, cao hơn 50% so với 2 tháng trước và đã tăng khoảng 150% so với cuối năm 2020. Cộng hưởng từ giá thép xây dựng và giá xăng dầu, hiện mặt bằng giá vật liệu xây dựng đã cao hơn đáng kể.
Cụ thể, giá xi măng đã tăng thêm khoảng 100 ngàn đồng/tấn; cát xây dựng tăng khoảng 30 ngàn đồng/khối, gạch lót nền tăng từ 20-25%, giá các thiết bị vệ sinh tăng khoảng 20-25%… Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh đang khiến tổng vốn đầu tư (hạng mục quan trọng bậc nhất của một dự án) tăng theo. Sự tính toán, lường trước mức độ trượt giá của các dự án cũng chỉ có hạn, chi phí dự phòng cũng khó bù lại được mức độ tăng giá vật liệu và các chi phí phát sinh sau giãn cách.
Thực tế, khó khăn của các nhà thầu xây dựng (cả dự án có vốn đầu tư công lẫn các dự án tư nhân, dân dụng) không chỉ dừng ở việc tăng giá mà còn nằm ở chỗ thiếu nhân công trầm trọng sau giãn cách. Trong khi đó, vẫn tồn tại các thách thức khác về hồ sơ thủ tục, giải phóng mặt bằng…
Những vướng mắc, khó khăn của các nhà thầu ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện dự án và đang trở thành điểm nghẽn chính của nhiều dự án, đặc biệt là các dự án có vốn đầu tư công do việc điều chỉnh tổng mức đầu tư đòi hỏi phải có rất nhiều điều kiện đi kèm và cần nhiều thời gian để xử lý.
Năm 2021 được đánh giá là năm “sóng gió”, cực kỳ khó khăn của ngành Xây dựng nói chung, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước. Ước tính đến hết tháng 10-2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công dự kiến chỉ đạt khoảng 55,8% kế hoạch năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (67,2%). Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) cũng đã xác định một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021 là chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (nguồn: TTXVN).
Ở góc độ địa phương, Đồng Nai đặt mục tiêu giải ngân đạt trên 95% nguồn vốn đầu tư công trong năm 2021. Song tính đến tháng 10-2021, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công của tỉnh mới đạt khoảng 43% kế hoạch năm. Như vậy, trong thời gian ít ỏi từ nay đến cuối năm 2021, khối lượng công việc còn lại rất lớn, đòi hỏi các giải pháp quyết liệt. Chính phủ và Bộ Xây dựng đang tìm phương án hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải ngân và bản thân các địa phương cũng đang rất “sốt ruột” trước nguy cơ chậm tiến độ, chậm giải ngân. Tuy nhiên, có những khó khăn thực sự vượt quá tầm giải quyết của một doanh nghiệp hoặc một địa phương, do đó, bên cạnh việc hối thúc tiến độ, theo dõi sát sao, ghi nhận khó khăn của các nhà thầu dự án… thì tất cả đều đang chờ những chính sách, giải pháp tháo gỡ cấp bách từ Chính phủ.
Vi Lâm