Không thể phủ nhận đại dịch Covid-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực lên sản xuất và xuất nhập khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam ra thị trường thế giới nói chung, trong đó có thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Không thể phủ nhận đại dịch Covid-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực lên sản xuất và xuất nhập khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam ra thị trường thế giới nói chung, trong đó có thị trường Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, đánh giá từ Bộ Công thương, Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) cho thấy, dưới tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong hơn 1 năm qua, những tác động nêu trên đã được giảm thiểu rất nhiều.
Cụ thể, trong suốt 7 tháng của năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU giảm liên tục với mức giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, dưới tác động của EVFTA, chỉ trong 5 tháng cuối năm 2020, trong khi tổng nhập khẩu của EU từ thế giới sụt giảm tới 20% thì thị trường này lại nhập khẩu từ Việt Nam tăng 3,8%. Nửa đầu năm 2021, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU vẫn tăng liên tục và ổn định ở mức 18,3% so với cùng kỳ năm 2020, đặc biệt là sự bứt phá của nhóm hàng nông sản (nguồn: Bộ Công thương).
Tại Đồng Nai, số liệu thống kê cho thấy, trong 9 tháng của năm 2021, thương mại 2 chiều của Đồng Nai với EU đạt gần 2,4 tỷ USD, cán cân thương mại nghiêng về phía tỉnh với kim ngạch xuất khẩu 1,8 tỷ USD và nhập khẩu gần 540 triệu USD. Dự tính, năm nay thương mại giữa Đồng Nai và EU có thể đạt kỷ lục mới trên 3,2 tỷ USD. Đây là do lợi thế từ EVFTA mang lại.
Quý III và IV-2021 được xem là thời điểm các nước thuộc EU đang phục hồi sản xuất, kinh doanh và mở rộng đầu tư. Giai đoạn này cũng trùng khớp với giai đoạn tăng tốc tái sản xuất, phục hồi kinh tế của các DN Việt Nam sau một thời gian dài tạm dừng hoặc hoạt động cầm chừng để phòng, chống dịch bệnh. Dự tính năm 2021, GDP của EU sẽ tăng 4,8% và năm 2022 là 4,5%. Đây sẽ là cơ hội tốt cho DN ở Việt Nam phục hồi sản xuất, xuất khẩu trong tình hình mới để tăng xuất khẩu vào thị trường trên, đồng thời đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nước EU sau một khoảng thời gian gián đoạn.
Về tiềm năng, hiện xuất khẩu của DN Việt Nam sang EU mới chỉ tập trung ở 10 nước như: Đức, Hà Lan, Pháp, Italy…, còn lại 17 quốc gia thành viên khác tuy có giao thương nhưng kim ngạch còn thấp và đây tiếp tục là cơ hội để DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang EU.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để khai thác hết tiềm năng của thị trường này thì “sản xuất xanh” và “chuyển đổi số” là 2 “từ khóa” quan trọng trong định hướng hoạt động của DN thời gian sắp tới. “Sản xuất xanh” đòi hỏi DN phải đổi mới công nghệ, sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thân thiện với môi trường, cả quá trình sản xuất nên sản phẩm phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt do các nước EU đặt ra. Bên cạnh đó, những tác động do đại dịch Covid-19 mang lại cũng thúc đẩy DN nhanh chóng chuyển đổi số, thích nghi với những yêu cầu mới và đề cao sự phát triển bền vững.
Vi Lâm