Chỉ từ tháng 7-2021 đến nay (hơn 3 tháng), giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 30-45%, mức tăng được đánh giá là "khủng" trong một thời gian quá ngắn. Giá nguyên liệu tăng dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng theo, đặt doanh nghiệp và nông dân vào thế "khó chồng khó" khi mùa sản xuất lớn nhất cận kề.
Chỉ từ tháng 7-2021 đến nay (hơn 3 tháng), giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 30-45%, mức tăng được đánh giá là “khủng” trong một thời gian quá ngắn. Giá nguyên liệu tăng dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng theo, đặt doanh nghiệp và nông dân vào thế “khó chồng khó” khi mùa sản xuất lớn nhất cận kề. Nghịch lý đáng ngại là khi nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng quá cao, thì giá đầu ra của gà và heo - 2 sản phẩm chủ lực trong ngành chăn nuôi Việt Nam lại rất thấp.
Đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho thấy, suốt 9 tháng của năm 2021, ngành chăn nuôi gia cầm không có lãi. Suốt nhiều năm nay, đây là năm đầu tiên ngành chăn nuôi gia cầm tăng trưởng âm. Thậm chí, có lúc giá gà xuống đến 7-8 ngàn đồng/kg, giảm 60-70% so với trước đây. Giá heo hơi đã giảm sâu xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, có thời điểm chỉ còn trên dưới 30 ngàn đồng/kg.
Lúc này, nhiều doanh nghiệp và nông dân đang bước vào mùa sản xuất cao điểm cuối năm, họ đặt nhiều hy vọng bù đắp lợi nhuận sau nhiều tháng dài khó khăn do giãn cách xã hội. Song khó khăn thách thức vẫn đang “bủa vây” ngành chăn nuôi khi chi phí đầu vào tăng cao. Hiện tại, giá gà và giá heo hơi có tăng, song so với mức tăng của đầu vào thì nông dân vẫn không có lãi. Mức giá này cũng có sự “xê xích” đáng kể giữa những trang trại của các tập đoàn lớn và giá mua tại các trang trại nhỏ lẻ mà dĩ nhiên, thế yếu vẫn thuộc về những người chăn nuôi nhỏ lẻ.
Nhìn vào các con số vĩ mô, có vẻ như bài toán này vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Là một quốc gia nông nghiệp nhưng hàng chục năm nay, Việt Nam lại là nước nhập khẩu lúa mì, ngô, đậu tương làm thức ăn chăn nuôi lớn nhất Đông Nam Á. Dự báo, đến năm 2022, Việt Nam sẽ thành nhà nhập khẩu lúa mì, ngô và đậu tương lớn thứ năm trên toàn cầu (Nguồn: Tổng cục Thống kê).
Được mệnh danh là “thủ phủ” ngành chăn nuôi, Đồng Nai cũng nằm trong nhóm các địa phương nhập khẩu nguyên liệu và phụ gia để sản xuất thức ăn chăn nuôi nhiều nhất. Kết thúc 10 tháng năm 2021, nhóm hàng này có kim ngạch nhập khẩu vượt 1 tỷ USD và vẫn đang tăng do nhu cầu tăng.
Câu hỏi là, liệu có giải pháp nào đủ hiệu quả để hỗ trợ ngành chăn nuôi vượt qua khó khăn trước mắt và về lâu dài, có thể chủ động hơn về thức ăn chăn nuôi?
Theo nhiều doanh nghiệp, nông dân lẫn chuyên gia kinh tế, giải pháp trước mắt cần làm ngay là làm thông suốt chuỗi cung ứng trong nước để giúp chuỗi sản xuất không bị đứt gãy, góp phần làm giảm các chi phí cấu thành nên giá sản phẩm.
Về lâu dài, Bộ NN-PTNT đã nhiều lần đề xuất phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, cần chủ động một phần nguồn nguyên liệu, cụ thể là bắp và đậu nành. Phải có các cánh đồng mẫu lớn để áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới đưa máy móc vào, chuyển đổi nhanh diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm các khâu trung gian trong phân phối để giảm giá bán thức ăn chăn nuôi… Và trên hết, cần có một chiến lược tổng thể về phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, có giải pháp về chính sách, vốn tín dụng ưu đãi, thuế, đất đai... để dần đi đến việc giải được bài toán đầy nghịch lý này.
Vi Lâm