Trong bối cảnh một nền kinh tế bình thường, đầu tư công luôn được đánh giá là động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh một nền kinh tế bình thường, đầu tư công luôn được đánh giá là động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Và trong bối cảnh đặc biệt như đại dịch Covid-19, khi các khu vực kinh tế khác như kinh tế tư nhân đang sụt giảm mạnh thì hơn lúc nào hết, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công càng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nền kinh tế phục hồi, duy trì tăng trưởng. Vài tuần qua, bên cạnh những con số liên quan trực tiếp đến dịch bệnh, dư luận còn quan tâm đến những con số về sức khỏe của nền kinh tế.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 8 tháng của năm 2021, cả nước có khoảng 85,5 ngàn doanh nghiệp (DN) tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, tăng đến 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mỗi tháng khoảng 10,5 ngàn DN rời khỏi thị trường. Khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng đầy những khó khăn khi Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - nơi tập trung số lượng DN FDI nhiều nhất cả nước - lại đang là những “điểm nóng” về dịch bệnh và bất đắc dĩ phải kéo dài giãn cách xã hội trong nhiều tháng. Nhiều DN FDI quy mô lớn đang phải tạm dừng hoạt động, một số buộc phải dời đơn hàng đi nước khác. Các dự án FDI đang thực hiện dở dang cũng vì dịch bệnh mà chưa thể triển khai sản xuất ngay. Khối ngành dịch vụ cũng không kém phần khó khăn trong bối cảnh thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch bệnh.
Có thể thấy rằng, thúc đẩy và tìm mọi cách giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh này đang được xem là một trong những giải pháp quan trọng nhất để giữ nhịp tăng trưởng và hơn thế nữa, tạo nền tảng cho phục hồi kinh tế sau khi dịch bệnh được khống chế.
Tuy nhiên, dù rất quyết tâm, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đang diễn ra rất chậm trên quy mô cả nước. Sáng 28-9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng khẳng định, đầu tư công là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, kế hoạch đầu tư công là 500 ngàn tỷ đồng, song đến nay cả nước mới giải ngân đạt 47,38%. Như vậy, nhiệm vụ những tháng cuối năm còn rất lớn và các bộ, ngành, địa phương cần ráo riết thực hiện.
Nhìn từ góc độ các dự án đầu tư công của Đồng Nai, rõ ràng dịch bệnh đang gây tác động rất lớn đến tiến độ thi công và từ đó làm chậm tốc độ giải ngân vốn. Những khó khăn chung như: thiếu vật liệu thi công, khó khăn trong lưu thông vật liệu xây dựng, giá nhiều loại vật tư tăng mạnh… đang gây ảnh hưởng lớn lên nhiều dự án có vốn đầu tư công trong tỉnh. Một thách thức lớn có nguy cơ cản trở tiến độ nhiều dự án là thiếu nhân công. Nhân công xây dựng các dự án hiện phần thì về quê, phần ở các vùng “đỏ, cam, vàng” nên khó tập hợp để tiếp tục thi công dự án. Nhân công lao động ngành Xây dựng vốn khá đặc thù, số lượng chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng nhiều và chính những yếu tố này có thể tác động đến việc chậm tiến độ - chậm giải ngân cho nhiều dự án.
Vậy nên, bên cạnh việc hỗ trợ DN các ngành nghề khác, khu vực kinh tế khác, có lẽ cũng cần phải xem xét để có những chính sách hỗ trợ cấp kỳ cho các dự án thuộc khối đầu tư công, góp phần giúp nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng.
Kim Ngân