Báo Đồng Nai điện tử
En

Phải "cứu" sản xuất

09:08, 22/08/2021

Trong khi Việt Nam đang tập trung mọi nỗ lực làm giảm số ca nhiễm Covid-19 và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhằm tiến gần đến mục tiêu đưa đất nước trở lại cuộc sống bình thường thì tại Hoa Kỳ, Israel và nhiều quốc gia khác, dịch Covid-19 cũng đang "bùng" trở lại.

Trong khi Việt Nam đang tập trung mọi nỗ lực làm giảm số ca nhiễm Covid-19 và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhằm tiến gần đến mục tiêu đưa đất nước trở lại cuộc sống bình thường thì tại Hoa Kỳ, Israel và nhiều quốc gia khác, dịch Covid-19 cũng đang “bùng” trở lại. Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, tại Israel đã bắt đầu phát hiện một số ít ca nhiễm có biến chủng mới từ biến chủng Delta (hiện đang làm mưa làm gió trên toàn cầu).

Chính vì vậy, có lẽ cần xác định cuộc chiến với virus SARS-CoV-2 là một cuộc chiến tương đối lâu dài. Nếu đạt mục tiêu đến giữa năm 2022, vaccine được phủ rộng như mong muốn, các hoạt động kinh tế - xã hội trở về trạng thái gần như bình thường, thì khả năng Việt Nam nói chung và từng địa phương nói riêng, trong đó có Đồng Nai, vẫn sẽ “chiến đấu” với đại dịch thêm khoảng 9-10 tháng nữa.

Trong khoảng thời gian đó (và rất có thể lâu dài hơn), cần phải tìm mọi cách để “cứu” sản xuất và giữ cho các chuỗi cung ứng vận hành được thì mới có nguồn lực để chống lại dịch bệnh. Trên thế giới, một vài nơi hiếm hoi như Đài Loan vẫn giữ được tăng trưởng kinh tế và chống dịch tốt là do bên cạnh tiêm vaccine cho tuyến đầu (y tế và các lực lượng trực tiếp phòng chống dịch), một lượng lớn vaccine đã được dành cho các doanh nghiệp (DN) trong ngành sản xuất và logistics, với quan điểm phải giữ được “nồi cơm” thì mới có “sức” mà chống dịch.

Thực tế, cùng với những địa phương trọng điểm về sản xuất, Đồng Nai đang cố gắng hết sức để giúp DN giữ nhịp sản xuất, cố gắng dùng mọi biện pháp hỗ trợ để các chuỗi sản xuất không đứt gãy lúc này. Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai: “3 tại chỗ”, “2 địa điểm, 1 cung đường” và một số nơi đang đề xuất thêm các giải pháp mới để giữ cho sản xuất vận hành.

Tuy nhiên, bài toán “vừa chống dịch, vừa sản xuất” thật sự là một bài toán khó. Giải pháp nào cũng có mặt mạnh, mặt yếu và phải thay đổi liên tục tùy theo diễn biến dịch bệnh trong cộng đồng. Nếu trong lúc bình thường, DN sản xuất vì mục tiêu lợi nhuận thì rõ ràng ở thời điểm hiện tại, lợi nhuận không còn là mục tiêu DN hướng tới. Với họ, duy trì được sản xuất, giữ chân được người lao động và đóng góp vào cuộc chiến chống đại dịch mới là mục tiêu quan trọng nhất.

Sẽ ra sao nếu dịch bệnh căng thẳng kéo dài mà các chuỗi sản xuất - chuỗi cung ứng đứt gãy? Hàng hóa sẽ thiếu hụt, khan hiếm, tăng giá, chủ DN không thể “cầm cự”, người lao động mất đi việc làm, mất đi nguồn sống và hàng loạt các bất ổn khác sẽ xảy ra. Chính vì vậy, Chính phủ đã xác định rõ, bên cạnh việc chống dịch, còn phải nỗ lực để “cứu” các ngành sản xuất, duy trì hoạt động cung ứng hàng hóa, lương thực và nhu yếu phẩm.

Vậy nên, bên ngoài giải pháp vaccine, DN còn cần đến những “liều thuốc” khác”: hỗ trợ lãi suất, giảm thuế, phí, kết nối tiêu thụ hàng hóa… Và, điều cộng đồng DN mong mỏi hơn thế nữa là những giải pháp đó phải được thực hiện cấp kỳ, hiệu quả mà không phải chờ đợi dài lâu.

Vi Lâm

Tin xem nhiều