Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung tay bảo vệ chuỗi sản xuất

09:08, 01/08/2021

"Thành trì sản xuất" tại các tỉnh, thành phía Nam hiện đang "lung lay" mạnh khi dịch bệnh Covid-19 lan nhanh vào các nhà máy và các khu công nghiệp. Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu), Hwaseung Vina (H.Nhơn Trạch), Pouchen Việt Nam (TP.Biên Hòa), Tập đoàn Phong Thái (H.Trảng Bom)…

“Thành trì sản xuất” tại các tỉnh, thành phía Nam hiện đang “lung lay” mạnh khi dịch bệnh Covid-19 lan nhanh vào các nhà máy và các khu công nghiệp. Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu), Hwaseung Vina (H.Nhơn Trạch), Pouchen Việt Nam (TP.Biên Hòa), Tập đoàn Phong Thái (H.Trảng Bom)… là những doanh nghiệp nằm trong số các doanh nghiệp đã và đang tạm ngừng hoạt động vì khó bố trí sản xuất trong giai đoạn dịch Covid-19 lây lan mạnh. Các doanh nghiệp kể trên đều là những doanh nghiệp quy tụ hàng chục ngàn công nhân trở lên và việc xin tạm ngừng sản xuất là việc chẳng đặng đừng.

Ở góc độ đời sống công nhân, ai cũng dễ dàng thấu hiểu những khó khăn trước mắt: lương vẫn được trả nhưng chỉ ở mức tối thiểu của vùng (phổ biến ở mức 170 ngàn đồng/ngày/người, không tính ngày nghỉ) trong khi chi phí cho cuộc sống trong bối cảnh dịch bệnh thì cao. Trăm ngàn chi phí “đổ” lên mức lương hỗ trợ tối thiểu đúng là thách thức lớn mà người lao động phải trải qua.

Nhưng ở góc độ sâu hơn, nỗi lo về đứt gãy chuỗi sản xuất đang chực chờ khi nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục sản xuất do khó lòng đáp ứng các yêu cầu của phương châm “3 tại chỗ”: ăn tại chỗ, ở tại chỗ, sản xuất tại chỗ. Nhất là khi tại một số doanh nghiệp thực hiện phương châm này đã xuất hiện những ca nhiễm Covid-19.

Tuy nhiên đến giờ phút này, vẫn chưa có phương án nào hiệu quả và khả thi hơn “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 địa điểm” trong việc bảo vệ chuỗi sản xuất - được ví như “mạch máu” của mọi địa phương, đặc biệt là các tỉnh sản xuất chủ lực và đóng góp ngân sách lớn như Đồng Nai. Chỉ khi nỗ lực bảo vệ được chuỗi sản xuất, Việt Nam mới có “lực” để chiến đấu cùng đại dịch. Khi sản xuất vẫn tiếp diễn, công nhân mới nhận đủ lương để trang trải cuộc sống gia đình, hàng hóa mới được luân chuyển và tạo ra các giá trị, doanh nghiệp mới có thể xoay vòng dòng tiền, làm ra lợi nhuận để đóng góp ngân sách và để thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Vậy nên bài toán chính sách trở nên khó càng thêm khó khi vừa phải ngăn dịch lây lan, vừa phải cố gắng hết sức để tiếp tục duy trì các chuỗi sản xuất - kinh doanh.

Vậy nên xét một cách tổng thể, mặc dù đã có các ca nhiễm ngay trong lòng một số doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, song cũng có nhiều doanh nghiệp “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm” đã và đang tiếp tục sản xuất một cách an toàn, góp phần vào sự ổn định kinh tế - xã hội trong hoàn cảnh khó khăn này.

Rất khó để đánh giá hay nhận xét rằng chính sách nào là đúng nhất, hợp lý nhất hay hoàn hảo nhất trong bối cảnh này - cho tất cả. Bởi phải thẳng thắn thừa nhận, cuộc chiến với đại dịch Covid-19 là cuộc chiến chưa có tiền lệ và với tốc độ lây lan chóng mặt của chủng Delta thì chính sách buộc phải “chạy theo virus”. Vậy nên để có thể bảo vệ chuỗi sản xuất và cùng nhau vượt qua đại dịch, cần đến trách nhiệm và sự chung tay của tất cả, từ doanh nghiệp đến từng người lao động, trên cơ sở nắm bắt nhanh thông tin, chính sách, chấp hành, hợp tác và nỗ lực.

V.L

Tin xem nhiều