Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại các địa phương khu vực Đông Nam bộ, nhất là địa bàn đô thị, khu công nghiệp tập trung đông dân cư. Công tác phòng, chống dịch được thực thi với nhiều giải pháp cấp bách từ các cấp chính quyền và cộng đồng.
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại các địa phương khu vực Đông Nam bộ, nhất là địa bàn đô thị, khu công nghiệp tập trung đông dân cư. Công tác phòng, chống dịch được thực thi với nhiều giải pháp cấp bách từ các cấp chính quyền và cộng đồng.
Những khu vực nằm trong tình trạng phong tỏa, cách ly y tế phòng dịch khá căng thẳng bởi những yếu tố tác động từ nhiều phía, dù có những dự liệu từ trước. Từ phía Nhà nước, trong quản lý và điều hành, mục tiêu hàng đầu là khống chế được dịch bệnh, giảm thiểu đến mức tối đa tác động, ảnh hưởng đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, tình hình thực tế vẫn chưa thể lường trước và những yếu tố như nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế… khó có thể đáp ứng được tất cả những yêu cầu đặt ra trong tình huống cấp bách hoặc những quy định mang tính tạm thời cần phải thực thi nghiêm.
Cùng với Nhà nước, người dân và cộng đồng đã có nhận thức về công tác phòng ngừa dịch bệnh rất cao và có kinh nghiệm qua những đợt dịch trước đây. Thế nhưng, sự xáo trộn sinh hoạt thường nhật trong đợt dịch bệnh hiện nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Một số nơi nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu khan hiếm, giá cao so với thu nhập, tình trạng mất việc làm, không có thu nhập dễ nảy sinh phản ứng tiêu cực. Thực tế, đã bộc phát những hành vi phản đối lực lượng thi hành công tác phòng dịch ở một số nơi được thông tin trên báo chí và mạng xã hội.
Thậm chí, có những trường hợp không có sự thông hiểu giữa người dân và lực lượng chức năng nên đã xảy ra phản ứng gay gắt, chống đối. Một bộ phận người dân chưa có ý thức, nhận thức sai dẫn đến hành vi chống đối, gây hậu quả nghiêm trọng. Có những trường hợp không tuân thủ quy định dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng nhưng ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh cả cộng đồng cần sự chung sức, trách nhiệm chung. Cũng có lúc, có nơi lực lượng chức năng thực hiện các quy định quá “cứng nhắc”, chưa linh hoạt trong giải quyết sự vụ đã làm chậm trễ, trở thành “rào cản” trong công tác chống dịch. Có nơi việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân trong vùng phong tỏa, cách ly y tế… chưa kịp thời. Những người có lý do chính đáng, thậm chí làm việc ở bệnh viện cũng bị vướng thủ tục hành chính làm chậm trễ công việc… Nhiều sự việc đơn giản, cần giải quyết linh hoạt theo quy định, quy trình một cách thuận lợi lại thành trở ngại làm mất thời gian, công sức, gây nhận thức khác nhau từ lực lượng chức năng và người dân ở cơ sở. Những hiện tượng, vụ việc đó đã được phản ánh kịp thời và các cấp chính quyền đã, đang và tiếp tục điều chỉnh trong quản lý, điều hành để khắc phục trên cơ sở đánh giá, lựa chọn cách giải quyết đem lại hiệu quả nhất. Chắc chắn, trong quá trình này, vẫn xảy ra những bất cập, tiêu cực và khi phát hiện chính quyền cần “ghi nhận cụ thể, lắng nghe thấu đáo” từ thực tiễn phản ánh của xã hội để chấn chỉnh, xử lý theo pháp luật.
Cùng với Nhà nước và trách nhiệm cộng đồng, nhận thức của người dân cần được nâng cao trong công tác phòng, chống dịch để tạo sự đồng thuận, chung sức tạo nên sức mạnh của đất nước trong tình hình hiện nay.
Phan Đình Dũng