Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động (NLĐ) rút khỏi hệ thống BHXH, trong đó dễ nhận thấy nhất là do những tác động của dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập. Nhiều lao động do khó khăn, mất việc làm, không có thu nhập để trang trải cuộc sống đã phải lựa chọn việc lĩnh BHXH một lần để lo cơm, áo hằng ngày mà không suy nghĩ thiệt hơn.
Không ít lao động dù nhận thức rất rõ, nếu xài vào “của để dành” này, tương lai của mình sẽ không được đảm bảo, nhất là khi về già, mất sức lao động, không còn lương hưu và nơi nương tựa. Thế nhưng vì những khó khăn trước mắt, không còn khả năng chống đỡ, họ đành rút đi khoản tiết kiệm quý giá với hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát, việc làm và thu nhập sẽ ổn định như trước kia để tiếp tục tham gia đóng BHXH.
Theo cơ quan BHXH, việc rút BHXH một lần hay tham gia lâu dài để hưởng chế độ theo quy định là quyền của mỗi người. Song trước khi quyết định, NLĐ nên cân nhắc thật kỹ để không chịu thiệt thòi về sau, bởi mỗi lần rút khỏi BHXH, dù sau đó có tiếp tục tham gia thì số năm hưởng bảo hiểm sẽ không được cộng dồn, đồng nghĩa với chế độ, chính sách không thể bằng người tham gia liên tục.
Đặc biệt, khi lớn tuổi, không có lương hưu, không được cấp bảo hiểm y tế (BHYT) để đi khám chữa bệnh, người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu chẳng may mắc những bệnh mãn tính, phải điều trị lâu dài. Gánh nặng về chi phí lúc này là rất lớn nếu người dân không được Nhà nước bảo hộ để cùng chia sẻ…
Tại Đồng Nai, trong 5 tháng của năm 2021 đã ghi nhận gần 26 ngàn NLĐ đến cơ quan BHXH để rút chế độ một lần, tăng 9,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tỷ lệ người dân tham gia BHXH, BHYT cả bắt buộc và tự nguyện vẫn chưa đạt được tỷ lệ được giao. Đây là vấn đề đang rất cần các giải pháp mang tính căn cơ, thiết thực hơn nữa nhằm huy động người dân tham gia BHXH, BHYT đông đảo và mang tính bền vững hơn nữa. Công tác tuyên truyền về ý nghĩa, quyền lợi của người tham gia BHXH cần được thực hiện thường xuyên, liên tục bằng những ví dụ, minh chứng cụ thể, thiết thực để đối tượng nào cũng có thể hiểu và tích cực tham gia. Đặc biệt, tại các khu vực đặc thù như trong doanh nghiệp hoặc vùng sâu vùng xa, cần sự tham gia của những cán bộ Công đoàn, người uy tín để công tác vận động, thuyết phục có hiệu quả.
Với những lao động khó khăn đang đứng trước sự lựa chọn tiếp tục tham gia BHXH hay rút một lần để có khoản kinh phí trang trải cuộc sống, cần suy nghĩ thật kỹ để không mất đi cơ hội được Nhà nước bảo hộ sau này…
M.N