Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản phẩm tốt chưa đủ, còn cần bán hàng giỏi

09:07, 06/07/2021

Sau hơn 4 năm triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên quy mô cả nước, cho đến nay, chương trình đã trở nên khá quen thuộc đối với nhiều nông dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Sau hơn 4 năm triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên quy mô cả nước, cho đến nay, chương trình đã trở nên khá quen thuộc đối với nhiều nông dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Đặc biệt, khi chương trình này gắn bó mật thiết với quá trình xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam và đã được xác định là một trong những chương trình nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (tiếng Anh là One Commune, One Product - viết tắt là OCOP) được triển khai đầu tiên ở Nhật Bản từ những năm 1970 và đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, được hàng chục quốc gia áp dụng thành công.

Trong chương trình OCOP, Nhà nước đóng vai trò tạo ra “sân chơi” bằng cách ban hành các cơ chế chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển như: đào tạo nâng cao kiến thức, hỗ trợ lãi suất tín dụng, đề ra các tiêu chuẩn sản phẩm, quảng bá và định hướng hình thành nên các kênh phân phối sản phẩm…, còn người dân đóng vai trò chính trong sân chơi này, họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh của địa phương mình, đồng thời phải làm sao để các sản phẩm đó có chất lượng tốt nhất theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường (nguồn: Bộ NN-PTNT).

Theo báo cáo, đến nay cả nước đã đánh giá và công nhận gần 4,5 ngàn sản phẩm OCOP, vượt 1,86 lần so với mục tiêu. Tại Đồng Nai, tuy mới triển khai chưa lâu, song đến nay toàn tỉnh đã có 46 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao và 4 sao, gấp gần 3 lần mục tiêu đề ra. Đặc biệt, sản phẩm OCOP được phát triển đa dạng theo nhiều nhóm: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải - may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; du lịch…

Mặc dù được tạo điều kiện và tập trung nguồn lực để lựa chọn, phát triển khá tốt, song có lẽ các sản phẩm OCOP nhìn chung đang rất cần những người bán hàng giỏi để đưa sản phẩm tiêu thụ rộng rãi hơn tại thị trường trong nước và cả quốc tế. Dĩ nhiên, trong rất nhiều sản phẩm OCOP, đã có những sản phẩm chiếm lĩnh thị trường, song nhìn chung khâu bán hàng, quảng bá, làm thương hiệu cho sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều điểm yếu. Ngay cả khi có được ưu tiên trên quầy hàng siêu thị, các sản phẩm OCOP còn cần nhiều yếu tố để trụ vững một cách thực sự chứ không phải chỉ được góp mặt trên quầy hàng với sự hỗ trợ của các nhà bán lẻ như một cách động viên với đặc sản địa phương.

Nói đến vấn đề này, có lẽ lại chạm đến những điểm yếu cố hữu của các sản phẩm OCOP nói riêng và sản phẩm trong nước nói chung. Chất lượng tốt, song khâu marketing, bán hàng chưa bao giờ là thế mạnh của các chủ thể sản phẩm OCOP. Chưa kể, để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng một cách lâu dài, nhiều sản phẩm còn phải được thay đổi mẫu mã, cách tiếp cận khách hàng, chế độ hậu mãi, đổi trả, chăm sóc khách hàng… như những sản phẩm khác trên thị trường, nếu muốn vươn xa hơn.

Vậy nên, sự khởi đầu của các sản phẩm OCOP nhìn chung đã rất thuận lợi, song về lâu dài, để sản phẩm OCOP “chắc chân” trên thị trường thì tốt không chưa đủ, còn cần đến những trợ lực mạnh khác, trong đó quan trọng nhất là khâu bán hàng, phân phối.        

  V.L

Tin xem nhiều